Nhiều học sinh không rõ về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa
- Tra cứu Từ điển y khoa
- 12:35 - 22/02/2016
Một buổi sáng đầu năm, gần 100 học sinh trường THPT Thanh Khê (Đà Nẵng) được cô giáo dẫn đến Bảo tàng Đà Nẵng tham gia giờ ngoại khóa. Khi nghe thông báo chủ đề tiết học là "Biển đảo Việt Nam", các cô cậu học trò đều háo hức, tự tin vì cho rằng quá quen thuộc.
Anh Trần Văn Chuẩn, hướng dẫn viên của Bảo tàng Đà Nẵng, đóng vai "giáo viên". Chưa vội đi vào bài giảng về Hoàng Sa, anh cho học sinh ôn lại sự tích trăm trứng nở trăm con - truyền thuyết về nguồn gốc của dân tộc Việt Nam, hay kiến thức về nguồn lợi của biển. Cách dẫn dắt câu chuyện dí dỏm khiến các bạn trẻ chăm chú lắng nghe.
Nhưng khi anh Chuẩn đặt câu hỏi "hiện nay trên quần đảo Hoàng Sa có quân đội của Việt Nam hay không?", phía dưới im lặng. Một số cánh tay rụt rè đưa lên. "Hiện nay Hoàng Sa đã bị Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm. Việt Nam không có quân đội tại đây", anh Chuẩn giảng giải cặn kẽ.
Chưa dừng lại, "thầy" Chuẩn tiếp tục trắc nghiệm "Trung Quốc đã cưỡng chiếm Hoàng Sa bao nhiêu năm". Có học sinh trả lời rằng khoảng 3 năm, em khác lại nói rằng chắc vài chục năm, nhưng tất cả đều không đưa ra được đáp án chính xác. Một lần nữa, hướng dẫn viên của Bảo tàng Đà Nẵng lại phải nhắc nhở cho các em về sự kiện hải chiến Hoàng Sa ngày 19/1/1974.
Học sinh được hướng dẫn viên của Bảo tàng Đà Nẵng cung cấp thông tin về chủ quyền biển đảo thông qua buổi học ngoại khóa. Ảnh: Nguyễn Đông.
Buổi học ngoại khóa được tiếp tục khi anh Chuẩn dẫn học sinh đi tham quan và thuyết minh về những tấm bản đồ thời nhà Nguyễn hay tài liệu thời Việt Nam Cộng hòa chứng minh Việt Nam đã xác lập chủ quyền, quản lý liên tục tại quần đảo Hoàng Sa; bản đồ nhà nước Trung Quốc cho thấy không có tên quần đảo Hoàng Sa. Trước khi ra về, học sinh chia nhóm và làm bài nghiệm thu.
Nguyễn Kim Cường, học sinh lớp 11/8 trường THPT Thanh Khê, nói đây là buổi học lịch sử bổ ích, giúp biết được những bằng chứng xác đáng cho thấy Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới xác lập chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa. "Bây giờ em đã biết được quần đảo Hoàng Sa đã bị Trung Quốc chiếm hết, không có quân đội hay người dân ở Việt Nam ở trên đảo", Cường nói.
Còn nữ sinh Nguyễn Thị Kiều Vy, lớp 11/2 trường THPT Thanh Khê, thừa nhận thực sự mơ hồ, chỉ biết hai quần đảo này thuộc chủ quyền của Việt Nam, và quần đảo Hoàng Sa từng bị Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép.
"Cách dạy ở bảo tàng rất dễ hiểu. Vì chúng em vừa được học lý thuyết, lại được xem những bản đồ, hiện vật giúp nhớ lâu hơn về lịch sử cũng như lãnh thổ Việt Nam. Là thế hệ trẻ của đất nước, chúng em có trách nhiệm tuyên truyền về chủ quyền của đất nước với hy vọng sẽ đòi lại được Hoàng Sa", Vy nói.
Được học kiến thức về chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa, Cường thêm tự tin để nói lại với những người trong gia đình. Ảnh: Nguyễn Đông.
Bà Nguyễn Thị Trinh, Trưởng Phòng trưng bày - đối ngoại Bảo tàng Đà Nẵng, cho biết hoạt động ngoại khóa cho học sinh nằm trong chuỗi giáo dục về văn hóa, lịch sử địa phương tại bảo tàng, được triển khai gần 2 năm nay với 10 chủ đề. Trong số, có chủ đề dạy cho học sinh cấp THCS, THPT về "biển đảo Việt Nam", "Hoàng Sa những bằng chứng lịch sử"...
Khung kiến thức bảo tàng cung cấp cho học sinh dựa trên tư liệu nghiên cứu của UBND huyện đảo Hoàng Sa, Ban tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng, cuốn Kỷ yếu Hoàng Sa cũng như những nguồn nghiên cứu bản đồ cổ của Việt Nam và thế giới.
"Trong năm vừa qua có 1.764 học sinh đến bảo tàng để học ngoại khóa. Cả giáo viên, học sinh cũng như phụ huynh đều phản hồi lại rằng chương trình giảng dạy kiến thức về biển đảo rất sinh động, không khô cứng và chính các em được tiếp cận với những bằng chứng lịch sử có tính phản biện cao ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa", bà Trinh nói.
Theo bà Trinh, khi bảo tàng tổ chức dạy ngoại khóa mới phát hiện ra chính những giáo viên cũng thiếu kiến thức cơ bản về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Riêng học sinh, có đến 80% các em giơ tay nói rằng có bộ đội của Việt Nam đang đóng quân trên quần đảo Hoàng Sa.
Với lợi thế bảo tàng có đội ngũ hướng dẫn viên có kiến thức về chủ quyền biển đảo, cùng với những bản đồ, hiện vật về chủ quyền Hoàng Sa, bà Trinh cho biết cách dạy cũng được những "thầy cô" không chuyên vận dụng linh hoạt, mỗi lớp có một cách giảng bài riêng. "Các hướng dẫn viên cũng đưa ra hình thức giảng dạy như đố vui trên truyền hình, và khi đó chính các em là những người tương tác", bà Trinh nói.