Quy định công chức Hà Nội không nói tiếng địa phương: Nên tôn trọng nguyên tắc thống nhất trong đa dạng
- Văn hóa - Giải trí
- 18:10 - 06/10/2017
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ cho rằng, Hà Nội là thủ đô, nơi tập trung dân cư của rất nhiều vùng miền, văn hóa Hà Nội là văn hóa của cả nước nên không thể yêu cầu công chức không được dùng tiếng cha sinh mẹ đẻ được. “Ngày xưa Bác Hồ ở Hà Nội nhưng bác vẫn nói tiếng Nam Đàn, quê bác đấy thôi. Có chăng, bác không dùng những từ địa phương và dùng từ ngữ phổ thông để mọi người đều hiểu được. Với quy định mới này, có thể yêu cầu công chức dùng những những từ ngữ dễ hiểu, không dùng từ địa phương, còn về âm sắc, chất giọng mà buộc họ phải nói theo giọng Hà Nội thì đó là điều vô lý”- Nhà văn Nguyễn Văn Thọ nói
Cùng quan điểm, nhà văn Sương Nguyệt Minh cho rằng, việc yêu cầu công chức không được nói ngọng là đúng vì việc biểu đạt ngôn ngữ nếu không chuẩn về mặt chữ viết sẽ làm sai lệch ý nghĩa của từ, nói ngọng có thể khiến người nghe sẽ hiểu sai ý nên cần phải sửa. Nhưng yêu cầu công chức không được nói tiếng địa phương thì không ổn. “Không thể nào bắt tất cả mọi người ở các vùng quê đều nói giọng Hà Nội. Giọng cha giọng mẹ sinh ra, sao có thể cắt đứt giọng nói của quê hương họ được. Mà giọng nói thì có ảnh hưởng gì đâu, đó là bản sắc đã gắn với người ta bao nhiêu năm, thay đổi đâu có dễ. Còn nếu nếu nhất nhất buộc mọi vùng quê phải nói giọng Hà Nội thì phải học? Vậy ai sẽ là là người tập huấn, ai là người uốn nắn để chỉnh sửa cho họ? Phải có thầy giáo, cô giáo để dạy họ chứ. Mà lấy ai làm chuẩn, chả lẽ cứ mở đài tiếng nói Việt Nam rồi cho rằng đó là chuẩn và học theo? Tôi nghĩ đó là điều không thể và cũng không quốc gia nào làm thế cả”.
Thái độ của cán bộ công chức khi giao tiếp với dân mới là điều quan trọng nhất
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, vấn đề quan trọng nhất trong ngôn ngữ giao tiếp là truyền tải thông tin. Do vây, nếu sử dụng ngôn từ khác biệt, khó nghe sẽ là một trong những yếu tố làm hạn chế năng lực của mỗi người. Tuy nhiên, phải phân biệt rõ ngôn ngữ địa phương và giọng vùng miền để xác định cái gì cần bảo tồn, phát huy trong giao tiếp. Còn nói ngọng là điều phải giải quyết từ trong trường học, chứ không thể một sớm một chiều.
PGS TS Phạm Văn Tình - Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam thì cho rằng, tiếng địa phương ở đây là phương ngữ cụ thể, bản thân Hà Nội là một phương ngữ. Hà Nội mở rộng đang tồn tại nhiều tiểu vùng phương ngữ khác nhau. Trước đây, khi Hà Nội chưa sáp nhập với Hà Tây, người 4 quận nội thành nói khác, người ngoại thành nói khác. Bây giờ lại có một "ngoại thành" mở rộng là Hà Tây với giọng xứ Đoài hay giọng các huyện Hà Tây cũ, xa trung tâm Hà Nội.
Theo Giáo sư Phạm Văn Tình, cái khác biệt dễ nhận thấy nhất về mặt phương ngữ là ngữ âm. Còn từ ngữ, có thể có nhưng không đáng kể. Vậy bắt cán bộ không được nói tiếng địa phương vô hình trung đặt họ vào thế khó. Bởi ngữ âm là đặc trưng ngôn ngữ ăn sâu vào tiềm thức, mang tính bản năng, rất khó điều chỉnh, nhất là trong giao tiếp tự nhiên, có người xa Tổ quốc vài chục năm về vẫn giữ nguyên chất giọng ngày trước. Người nói phải ý thức được sự khác biệt mới có thể điều chỉnh, mà muốn điều chỉnh cũng không dễ. Ví dụ bắt một người Hà Tĩnh, hay người Quảng Ngãi mới ra Hà Nội phải nói theo âm Thủ đô. Họ sẽ chịu, trừ phi họ đã sống ở Hà Nội nhiều năm để thích nghi.
“Điều quan trọng là nên có sự thống nhất trong văn bản. Nếu trong văn bản mà cán bộ lại viết mô phỏng theo thổ ngữ vùng mình thì không được. Còn về ngôn ngữ giao tiếp, nếu có quy định thì nên yêu cầu cán bộ không mắc tật ngọng l/n hoặc nói lắp, vừa khó nghe vừa phản cảm. Trong ngôn ngữ giao tiếp nói chung, kể cả trong truyền thông và trong giao tiếp công vụ hành chính nên tôn trọng nguyên tắc thống nhất trong đa dạng”- Giáo sư Phạm Văn Tình nhấn mạnh.