THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:58

Công chức cấp xã học một nghề nhưng phải làm công việc của nhiều nghề

Công chức “đa di năng”

Con số thống kê tính đến tháng 5/2016 cho thấy, cả nước có 11.162 xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) và có trên 56.400 công chức cấp xã, trong đó có khoảng 11.900 công chức làm công tác văn hóa – xã hội (VHXH). Về trình độ học vấn, vẫn còn gần 20% mới tốt nghiệp phổ thông cơ sở và tiểu học. Về trình độ chuyên môn, có 38,37 % tốt nghiệp đại học trở lên, 48,52% tốt nghiệp trung cấp và cao đẳng, còn 13,12% sơ cấp và chưa được đào tạo.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cùng Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội và Chủ tich ILO tại Việt Nam chủ trì hội thảo

Chia sẻ những khó khăn, thiệt thòi, gánh nặng với công chức cấp xã, ông Lê Văn Vinh (Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Nội vụ) cho rằng: Nhận thức của một số tỉnh, thành vẫn chưa coi trọng bộ phận cán bộ, công chức cấp cơ sở. Bên cạnh đó là các chính sách thu hút nhân lực chuyên nghiệp về địa phương chưa đủ mạnh, chưa đạt như mong muốn; Việc thu hút, giữ chân cán bộ, công chức giỏi chưa cao, chưa có chính sách thu nhập, trọng dụng, tôn vinh, khen thưởng, đãi ngộ thỏa đáng; Cán bộ, công chức phụ nữ, người dân tộc thiểu số,... chưa được chú ý cụ thể và đúng mức trong công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển cán bộ tại các địa phương.

Nhìn lại có thể thấy, công chức cấp xã có vai trò rất lớn trong công tác tham mưu, giúp UBND tổ chức thực hiện nhiệm vụ trong các lĩnh vực văn hóa, thể dục thể thao, du lịch, thông tin, truyền thông, lao động, thương binh - xã hội, y tế, giáo dục.

Cũng chính công chức cấp xã là những người trực tiếp thực hiện việc xây dựng đời sống văn hóa ở cộng đồng dân cư, chủ trì, phối hợp với trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố xây dựng hương ước, quy ước ở thôn, tổ dân phố và thực hiện công tác giáo dục tại địa bàn.

Ông Lê Văn Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Nội vụ)

Đồng thời theo dõi, tổng hợp, báo cáo về số lượng và tình hình biến động các đối tượng chính sách lao động, trực tiếp đôn đốc việc thực hiện và chi trả các chế độ đối với người hưởng chính sách xã hội, người có công, quản lý nghĩa trang liệt sĩ, thực hiện các hoạt động bảo trợ xã hội và chương trình xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn.

“Công chức cấp xã vẫn có tình trạng nắm bắt thông tin chậm và xử lý công việc thiếu tính nhạy bén, linh hoạt, hiệu quả thấp là điều dễ nhận thấy, gây bức xúc trong cho người dân, ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển về kinh tế, xã hội của địa phương. Những hạn chế trên dẫn đến công tác quản lý của chính quyền ở nhiều nơi còn lỏng lẻo và sai phạm…”, là những chia sẻ của ông Vũ Khắc Sơn, Trưởng Phòng Quản lý Đào tạo và khoa học (Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức lao động - xã hội tỉnh Hà Giang).

Cũng theo ông Sơn, không ít công chức cấp xã trong hệ thống chính trị chưa qua đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, không được thường xuyên bồi dưỡng bổ trợ kiến thức nghiệp vụ chuyên môn, kiến thức pháp luật, kỹ năng hành chính, tin học và các kỹ năng cần thiết khác cho công tác quản lý nhà nước ở địa phương.  

Tiếp tục nâng cao năng lực cán bộ cấp xã

Làm sao để khắc phục được tình trạng công chức cấp xã làm việc “đa di năng” như đã phân tích ở trên? Qua các chương trình bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước và chuyên môn nghiệp vụ cho công chức cấp xã theo chương trình “bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước và chuyên môn nghiệp vụ phần xã hội cho công chức cấp xã” do Bộ LĐ-TB&XH ban hành cho thấy nhiều địa phương đã thực hiện rất tốt, như tại Hà Giang, năm 2016, đã đào tạo 344 cán bộ, thuộc 195 xã, phường, 11 huyện; Hay Quảng Ninh, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với Trường Đào tạo cán bộ, công chức của Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho hơn 400 lượt công chức cấp huyện, cấp xã. 

Các đại biểu tham dự đang lắng nghe tham luận và cho ý kiến trong Hội thảo

Bên cạnh thành công thì vẫn còn nhiều thách thức. Bà Đặng Thị Thanh Thủy, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ninh đã chỉ ra một số ví dụ tại địa phương, như: Địa bàn của tỉnh rộng, trình độ phát triển kinh tế giữa các xã, phường, thị trấn trên địa bàn có sự chênh lệch đáng kể; trình độ cán bộ công chức cấp xã không đồng đều, đặc biệt là công chức ở các xã vùng núi, vùng sâu vùng xã, vùng biên giới, hải đảo có trình độ còn thấp.

Mặt khác, cũng theo bà Thủy, việc đào tạo, bồi dưỡng hiện nay vẫn nặng về lý thuyết, nội dung về kỹ năng tổ chức thực hiện, nhất là xử lý những tình huống trong thực tiễn tại cơ sở, kỹ năng giao tiếp, những kiến thức về xã hội khác trong đó có hội nhập quốc tế còn thiếu.

Với nhiều năm đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công chức cấp xã, bà Hoàng Thị Ngọc Lan, Phó Hiệu trưởng Trường ĐTCB Lê Hồng Phong (TP. Hà Nội) đã chỉ ra một số kinh nghiệm. “Xây dựng nội dung chương trình đào tạo phải phù hợp với từng đối tượng theo chức danh, vị trí việc làm. Bên cạnh đó cũng cần nghiêm túc hướng đến chất lượng đào tạo cả về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng thực hiện nhiệm vụ và cả văn hóa, tác phong làm việc cho cán bộ. Đồng thời thúc đẩy khả năng thực hành trong quá trình đào tạo, sau đào tạo cần duy trì kênh hỗ trợ cho học viên về chuyên môn, nghiệp vụ để đảm bảo công việc của công chức thực hiện theo đúng tinh thần chính sách pháp luật ban hành”, bà Lan nhấn mạnh.

Ngày 10/12/2015 Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Quyết định số 1827/QĐ-LĐTBXH về việc ban hành Chương trình bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước và chuyên môn nghiệp vụ phần xã hội cho công chức cấp xã với 18 chuyên đề, gồm: Vai trò, nhiệm vụ của công chức văn hóa xã hội phường, thị trấn trong hệ thống quản lý nhà nước về lao động, người có công và xã hội; Lĩnh vực Dạy nghề; Lĩnh vực Việc làm; Lĩnh vực Quản lý lao động ngoài nước; Lĩnh vực Bảo hiểm xã hội; Lĩnh vực An toàn lao động; Lĩnh vực Người có công; Lĩnh vực Bảo trợ xã hội; Lĩnh vực Giảm nghèo; Lĩnh vực Bảo vệ và chăm sóc trẻ em; Lĩnh vực Bình đẳng giới; Lĩnh vực Phòng, chống tệ nạn xã hội; Lĩnh vực Hợp tác quốc tế và hội nhập quốc tế; Kỹ năng giao tiếp và văn hoá ứng xử của công chức VHXH cấp xã trong giao tiếp với nhân dân; Kỹ năng lập kế hoạch; Kỹ năng thu thập, xử lý thông tin và viết báo cáo; Kỹ năng huy động, kết nối và điều phối nguồn lực cộng đồng; Kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính.

Trong đó, Chương trình xác định mục tiêu nhằm giúp công chức cấp xã nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò và ý nghĩa của mình trong việc tham mưu cho lãnh đạo thực hiện quản lý nhà nước về lao động, người có công và xã hội. Nắm vững các quy định, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về lao động, người có công và xã hội. Nắm vững kiến thức và nghiệp vụ quản lý nhà nước về lao động, người có công và xã hội tại địa phương; Giao tiếp, ứng xử, hòa giải và giải quyết các vấn đề. Lập kế hoạch, quản lý thực hiện kế hoạch. Thu thập, xử lý thông tin và viết báo cáo. Huy động, kết nối, điều phối nguồn lực. Ứng dụng CNTT vào thực hiện quản lý nhà nước về lao động, người có công và xã hội; Nhận thức tốt về chức trách, nhiệm vụ của công chức VHXH trong thực hiện quản lý nhà nước về lao động, người có công và xã hội. Có thái độ nghiêm túc, khách quan, đúng mực, công bằng, toàn diện và trách nhiệm khi thực hiện công vụ. Có ý thức về việc xây dựng văn hóa và hình ảnh của người công chức VHXH đối với nhân dân.

VĂN NGHĨA

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh