CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 08:57

Công bố hạn ngạch xuất khẩu 400.000 tấn gạo tháng 4, có hiệu lực ngay từ ngày 11/4

Cụ thể, ngày 10/4/2020, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 2827/VPCP-KTTH thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch bệnh và hạn hán, xâm nhập mặn, thông báo ý kiến của Thủ tướng đồng ý với phương án xuất khẩu gạo của Bộ Công Thương. 

Công bố hạn ngạch xuất khẩu 400.000 tấn gạo tháng 4, có hiệu lực ngay từ ngày 11/4 - Ảnh 1.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ban hành Quyết định số 1106/QĐ-BCT ngày 10/4/2020 công bố hạn ngạch xuất khẩu gạo trong tháng 4/2020. 

Quyết định có hiệu lực từ 0h00 giờ ngày 11/4. 

Cùng ngày, Bộ Công Thương cũng đã có công văn số 2581/BCT-XNK gửi Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để biết và phối hợp triển khai thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 2827/VPCP-KTTH.

Bộ này thông tin để các Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo và các tổ chức, cá nhân có liên quan biết và triển khai thực hiện.

Trước đó, ngày 6/4, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh đã gửi văn bản báo cáo về việc xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch bệnh và hạn hán, xâm nhập mặn, theo chỉ đạo của Thủ tướng vào ngày 31/3.

Theo đó, Bộ Công thương đề xuất cho phép tiếp tục xuất khẩu gạo nhưng phải kiểm soát chặt số lượng theo từng tháng, trong đó lượng gạo được phép xuất khẩu trong tháng 4 là 400.000 tấn.

Bộ Công thương cũng cho hay, ngoài 300.000 tấn gạo dự trữ mà Tổng cục Dự trữ phải mua vào, cần giữ lại thêm 400.000 tấn để dự phòng cho mọi tình huống có thể xảy ra trong tháng 4 và tháng 5. 

Như vậy, tổng lượng gạo xuất khẩu giữ lại cho nhu cầu trong nước trong 2 tháng (trước khi có thóc vụ hè thu) là 700.000 tấn.

Đồng thời, Bộ Công Thương yêu cầu 20 doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn nhất phải ký thỏa thuận với ít nhất là 1 hệ thống siêu thị về đảm bảo cung cấp lượng dự trữ lưu thông 5% khi được yêu cầu. Trường hợp không thực hiện theo thỏa thuận sẽ bị  thu hồi Giấy phép xuất khảu gạo.

Theo báo cáo của các doanh nghiệp, hiện tổng khối lượng hợp đồng xuất khẩu đã ký nhưng chưa giao cho năm 2020 là 1,574 triệu tấn gạo. Lượng gạo hiện có trong kho của 60/92 doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) là 1,65 triệu tấn.

Trước đó, căn cứ kết quả rà soát và các ý kiến của các tỉnh, thành ĐBSCL, các doanh nghiệp, Đoàn kiểm tra liên ngành do Bộ Công thương chủ trì đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án điều hành xuất khẩu gạo trong thời gian tới, với đề xuất cho phép tiếp tục xuất khẩu gạo nhưng phải kiểm soát chặt số lượng xuất khẩu theo từng tháng, trước mắt là tháng 4, tháng 5/2020.

Căn cứ tình hình xuất khẩu, cuối tháng 4 Bộ Công Thương sẽ báo cáo Thủ tướng phương án điều hành tiếp theo.

Được biết, vào tuần cuối cùng của tháng 4, căn cứ vào diễn biến dịch bệnh và báo cáo của các bộ ngành, Thủ tướng sẽ xem xét, quyết định phương hướng điều hành xuất khẩu gạo cho tháng 5.

 

Thành Công

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh