Công bố 10 kỷ lục sống bằng sáng tạo
- Văn hóa - Giải trí
- 14:36 - 02/05/2016
Đây là kỷ lục mang đậm dấu ấn sáng tạo, là kết tinh những giá trị tiêu biểu của trí tuệ, tâm huyết, là tinh hoa mà các kỷ lục gia và đơn vị kỷ lục gia đã dày công vun đắp, sáng tạo trong suốt hành trình sống và làm việc nhằm phục vụ xã hội và cộng đồng. Những kỷ lục này cũng là minh chứng tiêu biểu cho định hướng phát triển của Kỷ lục Việt Nam là hướng vào nội dung, khuyến khích các kỷ lục có chiều sâu văn hóa, phục vụ xã hội cộng đồng.
Cá nhân sáng tạo ra các tác phẩm mỹ thuật được cấp giấy chứng nhận đăng ký bản quyền nhiều nhất
Ông Bùi Văn Ngọ sinh năm 1931 tại Sài Gòn, là hội viên Hội Mỹ Thuật TP. Hồ Chí Minh. Cùng với công việc mưu sinh ông đã mày mò tự học hội họa từ khi còn trẻ. Năm 1984 đến nay ông đã vẽ khoảng 1.000 bức tranh.
Kỷ lục gia Bùi Văn Ngọ
Tuy không xuất thân từ một trường mỹ thuật nào nhưng số lượng sách và giáo trình tự chọn đã giúp ông làm việc một cách độc lập nhưng nghiêm túc và bài bản. Là người rất quan tâm đến quyền tác giả nên ông Bùi Văn Ngọ đã đăng ký với Cục bản quyền tác giả các tác phẩm của mình. Đến năm 2013, ông đã được cấp 724 giấy chứng nhận đăng ký bản quyền tác giả theo thể loại tác phẩm tạo hình (chủ yếu là tranh sơn dầu), gần gấp đôi con số ông đăng ký vào năm 2012.
Tác giả dành thời gian, tâm huyết và trí tuệ để nghiên cứu, biên soạn bộ sách viết về Truyện Kiều nhiều nhất Việt Nam
Nhà Kiều học Phạm Đan Quế (sinh năm 1936) nguyên là một giáo viên dạy Toán. Tự biết mình chỉ là một thầy giáo Toán, muốn học thêm môn Văn, thời bấy giờ không được phép nên phải tự tìm đọc và nghiên cứu những giáo trình Văn của các trường Đại học Sư phạm, Đại học Tổng hợp.
Kỷ lục gia Phạm Đan Quế
Sau 50 năm tìm tòi và nghiên cứu Truyện Kiều, năm 1991, ông cho ra mắt 2 cuốn sách đầu tiên: “Truyện Kiều đối chiếu” và “Bình Kiều,vịnh Kiều, bói Kiều”. Đến năm 2005, ông tiếp tục in thêm 13 quyển nữa viết về truyện Kiều. Từ năm 2013 đến nay, ông đã xuất bản thêm 5 tác phẩm nghiên cứu về truyện Kiều. Như vậy trong vòng 25 năm (1991 – 2015), Nhà nghiên cứu Phạm Đan Quế đã ra mắt bạn đọc 20 tác phẩm viết về Truyện Kiều. Ông đã phá kỷ lục của chính mình được xác lập năm 2005 với 15 quyển sách về Kiều được xuất bản. Với những công trình nghiên cứu chuyên sâu về Truyện Kiều, Nhà nghiên cứu Phạm Đan Quế đã đề xuất nhiều kỷ lục Việt Nam và thế giới cho tác phẩm Truyện Kiều.
Người dày công nghiên cứu, tổng hợp và sáng tạo nên cuốn sách Lịch sử Võ học Việt Nam đầu tiên
Công trình sách Lịch sử võ học Việt Nam được Võ sư, nhà nghiên cứu Phạm Đình Phong dày công thực hiện và mất đến 12 năm để hoàn thiện.
Nhà nghiên cứu Phạm Đình Phong
Sách có độ dày 784 trang, nội dung biên soạn từ thời lập quốc (Nhà nước Văn Lang) đến nay, gồm 2 chương, 12 mục, hơn 80 tiểu mục về quá trình hình thành và các giai đoạn phát triển, các mốc son, sự kiện lịch sử oai hùng của nền võ học dân tộc… Hệ thống võ học được đề cập đến bao gồm, Võ Lý, Võ Lễ, Võ Đạo, Võ Kinh, Võ Trận, Võ Cử, Võ Thuật, Võ Y, Võ Nhạc, Võ Miếu, Võ Phục, với 100 hình ảnh minh họa và các bài "Thiệu võ cổ”. Đây là một cuốn sách mà theo đánh giá của nhiều võ sư danh tiếng và các nhà chuyên môn về võ học là một ông trình nghiên cứu, biên soạn đầy đủ, chi tiết, cụ thể… về nguồn gốc, xuất xứ của các môn võ cổ truyền Việt Nam từ thời xa xưa và phát triển đến nay.
Nhà khoa học được bảo hộ sở hữu trí tuệ giống cây trồng, nguồn gen thực vật quý hiếm trong và ngoài nước nhiều nhất
Tính đến nay, Kỷ lục gia, Tiến sĩ Phạm S là tác giả một sáng kiến cải tiến kỹ thuật, một giải pháp hữu ích, hai giống chè cao sản, một giống hoa; bảy Bằng lao động sáng tạo; chủ 32 văn bằng Sở hữu trí tuệ; sở hữu trên 40 quỹ gen cây quý hiếm ở Việt Nam; tác giả sáu cuốn sách, một giáo trình đại học; công bố trên 70 công trình khoa học; giải Nhì khoa học công nghệ sáng tạo Việt Nam năm 2007… và chủ nhiệm nhiều đề tài, dự án cấp tỉnh, cấp nhà nước.
Kỷ lục gia - Tiến sĩ Phạm S
Từ năm 1999 đến năm 2014, Kỷ lục gia, Tiến sĩ Phạm S đã nghiên cứu, tiến hành bảo tồn, phát triển trên 40 giống cây trồng, nguồn gen thực vật quý hiếm trong và ngoài nước bao gồm: cây lâm nghiệp, cây ăn quả, hoa cây cảnh, cây dược liệu và cây thực phẩm.
Người có nhiều công trình đoạt giải thưởng trong lĩnh vực sáng tạo KHCN Việt Nam và nhiều giải thưởng của các tổ chức sáng tạo khoa học công nghệ trên thế giới nhất
Từ năm 2004 đến năm 2012, ông Hoàng Đức Thảo là tác giả của 23 công trình khoa học công nghệ trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn và bảo vệ môi trường; Sở hữu 18 bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích; đoạt 17 giải thưởng khoa học trong nước và quốc tế bao gồm: 6 giải thưởng trong nước (Vifotec) và 11 giải thưởng quốc tế (4 giải vàng Techmart Asean + 3 năm 2009; 1 giải đặc biệt, 2 giải vàng, 1 giải bạc của Tổ chức sáng tạo KHCN (SIIF) tại Hàn Quốc năm 2008, 2009; 2 giải vàng của Tổ chức sáng tạo KHCN (ITEX) tại Malaixia năm 2010, 2012; 1 giải thưởng WIPO của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới dành cho công trình sáng tạo KHCN xuất sắc nhất Việt Nam năm 2009).
Ông Hoàng Đức Thảo
Các sản phẩm khoa học công nghệ do ông sáng tạo đã và đang được chế tạo tại 5 nhà máy gồm: Hà Nội, Thái Bình, Nghệ An, Khánh Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu và đang triển khai ứng dụng có hiệu quả tại 48/63 tỉnh thành ở Việt Nam, bước đầu xuất khẩu sang Malaysia, Lào và hiện có 14 UBND tỉnh thành đã ban hành chủ trương áp dụng sản phẩm công nghệ Busadco trên địa bàn.
Đạo diễn lao động sáng tạo ở lĩnh vực điện ảnh để xây dựng nên nhiều bộ phim truyền hình về đề tài đất nước, con người miền biển đảo nhất
Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Văn Lượng, sinh năm 1957 tại Hải Phòng. Ông là một đạo diễn phim truyền hình nổi tiếng của Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Phòng.
Sau gần 30 năm miệt mài lao động sáng tạo ở lĩnh vực điện ảnh, NSƯT – Tiến sĩ đạo diễn Nguyễn Văn Lượng đã cho ra đời 220 bộ phim về đề tài đất nước, con người miền biển đảo Việt Nam ở 3 thể loại: phim truyền hình, phim truyện và phim tài liệu, đã được cộng đồng người Việt Nam trong và ngoài nước nồng nhiệt đón nhận.
Đạo diễn Nguyễn Văn Lượng
Với thành quả đó, ông đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục Việt Nam năm 2012, Tổ chức Kỷ lục châu Á xác lập kỷ lục châu Á năm 2013, Liên minh Kỷ lục Thế giới xác lập kỷ lục thế giới năm 2015.
220 bộ phim về đề tài biển này thực sự là một “Bảo tàng về đất nước, con người biển đảo Bắc Bộ, Việt Nam”.
Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo đầu tiên ở Việt Nam sáng tạo và xây dựng nhiều hành trình từ thiện – xã hội mang đậm dấu ấn nhân văn nhất.
Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập vào ngày vào ngày 29/01/1994với nhiệm vụ lo lắng, giúp đỡ, chăm sóc cho những bệnh nhân nghèo ở thành phố cũng như các tỉnh bạn có điều kiện khám chữa bệnh miễn phí. Từ đó đến nay, Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo là chiếc cầu nối giúp cho những người có hoàn cảnh không may như đau ốm, tai nạn rủi ro… có cơ hội chữa bệnh để sớm hòa nhập cuộc sống với cộng đồng.
Bà Ngô Thị Huệ (phu nhân cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh) cùng ông Trần Thành Long - Chủ tịch Hội thăm và tặng quà cho một bệnh nhi mắc bệnh tim ngoài lồng ngực sau khi phẫu thuật
Bằng sự ghi nhận thực tế và tâm huyết, tình cảm đối với những hoàn cảnh éo le trong xã hội, suốt trong hành trình phát triển của mình, Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo Thành phố Hồ Chí Minh đã nỗ lực, sáng tạo và xây dựng các chương trình từ thiện mang đậm dấu ấn nhân văn như: "Đem ánh sáng cho người mù nghèo; Vì nụ cười trẻ thơ; Xe lăn cho người tàn tật và trẻ bại liệt; Bữa ăn miễn phí cho bệnh nhân nghèo và người nuôi bệnh; Âm thanh và tiếng nói cho trẻ câm điếc; Học bổng cho HSSV nghèo, khuyết tật, hiếu học; Mua bảo hiểm y tế cho người nghèo” v.v…
Đơn vị tổ chức, sáng tạo ra các đợt phát động viết thư, viết tự truyện thu hút nhiều phạm nhân, trại viên, học sinh tham gia nhất.
Công tác giáo dục cải tạo, chuyển hóa về nhận thức của các loại đối tượng phạm nhân là một công tác mang tính đặc thù nhằm cảm hóa, thuyết phục những con người đã một thời phạm tội nhận rõ lỗi lầm từ đó xác định được trách nhiệm, thái độ của bản thân, từ đó có ý thức tích cực cải tạo và phấn đấu sống, lao động có ích cho gia đình và xã hội để làm lại cuộc đời.
Với ý nghĩa đó, trong những năm qua, Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Bộ Công an đã tổ chức các cuộc thi viết tự truyện với chủ đề "Sự hối hận và niềm tin hướng thiện” đã thu hút 23.079 bài dự thi của hơn 23.079 phạm nhân, trại viên tham gia, các bài viết này sau đó đã được in thành sách "Sự hồi sinh từ trong tuyệt vọng”, phát hành đưa ra công chúng. Cuộc thi viết thư với chủ đề "Gửi lời xin lỗi" đã thu hút 52 trại giam, 58 trại tạm giam, 5 cơ sở giáo dục bắt buộc và 4 trường giáo dưỡng trong cả nước với 101.862 bức thư…
Tác giả sáng tác các tác phẩm mỹ thuật ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp được cấp giấy chứng nhận bản quyền tác giả nhiều nhất
Bà Nguyễn Kim Thoa là Tổng giám đốc của Tập đoàn công nghệ cao quốc tế Con cò vàng. Bà cũng chính là người đã sáng tác nên các tác phẩm mỹ thuật ứng dụng trong lĩnh vực phân bón cho nhãn hiệu Con cò vàng từ tháng 1/2006 đến nay.
Bà Nguyễn Kim Thoa, TGĐ Tập đoàn Con Cò Vàng
Hiện, bà đã sáng tác trên 300 tác phẩm gồm nhãn hiệu phân bón, nhãn hiệu trên bao bì phân bón, logo sản phẩm… của Tập đoàn Con cò vàng. Các tác phẩm này đã được Cục Bản quyền Tác giả cấp giấy chứng nhận bản quyền sở hữu trí tuệ.
Người Việt Nam có phương pháp sản xuất cà phê chồn đầu tiên được cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích
Ông Hoàng Mạnh Cường
Ông Hoàng Mạnh Cường sinh năm 1962 tại Đắk Lắk. Phương pháp sản xuất cà phê chồn của ông đã được Cục Sở hữu Trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp văn bằng độc quyền giải pháp hữu ích số 983 vào ngày 13.6.2012. Cà phê chồn là sản phẩm được sản xuất, chế biến bằng phương pháp duy nhất nhờ vào các enzym có trong hệ tiêu hóa của con chồn. Cà phê và chồn đều được chọn lựa kỹ càng. Chồn ăn cà phê vào cuối buổi chiều, hạt cà phê được thu hoạch lại từ chất thải của chồn vào buổi sáng hôm sau.