CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 05:59

Tàu thuyền lênh đênh đánh cược tính mạng du khách?

 

Cháy tàu, chuyện không hiếp gặp

Từ năm 2014 đến tháng 2/2017 tại Quảng Ninh đã xảy ra trên 12 vụ cháy, nổ, chìm tàu. Hệ quả từ những vụ cháy nổ rất nặng nề, như: tàu QN 6299 cháy khiến du khách quốc tế phải nhảy xuống biển thoát thân; tàu QN 2071 của Công ty TNHH Du thuyền Bhaya bốc hỏa khi trên tàu có 5 khách nước ngoài, 2 khách Việt Nam cùng 5 nhân viên trên tàu; tàu Ánh Dương QN 3598 của Công ty TNHH Du lịch Thương mại Ánh Dương xảy ra hoả hoạn khi cháy có 14 khách nước ngoài, 1 hướng dẫn viên, 6 thuyền viên trên tàu; và mới đây nhất là tàu Huy Lộc QN 3883 đang neo đậu ở cảng Tuần Châu đã bất ngờ phát hỏa vào sáng 6/3, đây là vụ cháy tàu du lịch thứ 3 tại trên vịnh Hạ Long tính từ đầu năm tới nay…

Cháy tàu, du khách phải nhảy xuống biển thoát thân


Đây chưa phải là những vụ cuối cùng và theo dự đoán thì sẽ còn để xảy ra cháy, nổ. Bởi như chia sẻ của lãnh đạo Sở GTVT, đa phần nguyên nhân đều bắt đầu từ sự cố điện và không được phát hiện kịp thời. Mặc dù vỏ tàu bên ngoài được thay từ gỗ bằng các chất liệu chống cháy nhưng nội thất bên trong tàu vẫn làm từ gỗ, mút xốp,… một khi bắt lửa thì chính vật liệu cháy âm ỉ khó phát hiện, đến khi bùng phát thì rất nhanh và rất khó khống chế.

Trước con số báo động và nguy cơ cháy nổ đáng lo ngại này, ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND Quảng Ninh đã yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền phải rà soát lại các hợp đồng vận chuyển đối với các chủ tàu, thay đổi các phương án đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy.

Người đứng đầu chính quyền tỉnh còn kiên quyết: “Nếu các chủ tàu không thực hiện theo đúng hợp đồng, ban quản lý vịnh chủ động và kiên quyết cho ngừng hoạt động”. Theo tinh thần chỉ đạo, Ban quản lý vịnh Hạ Long được giao nhiệm vụ phối hợp với cảnh sát PCCC xem xét việc lắp hệ thống chữa cháy bằng khí CO2 tại buồng máy, lắp hệ thống bơm nước sử dụng điện dự phòng, đi đường điện nổi thay thế hệ thống đường điện ngầm tại các tàu hiện nay, tháo bỏ các vật liệu cách âm, cách nhiệt là chất dễ cháy, nghiêm cấm việc nấu ăn trên tàu, hút thuốc và các hoạt động dễ gây cháy nhằm hạn chế cao nhất nguy cơ cháy nổ trên tàu, yêu cầu các chủ tàu và thuyền trưởng cần nêu cao ý thức, trách nhiệm của mình trong công tác PCCC.

Mạng người lênh đênh

Chỉ đạo của người đứng đầu tỉnh Quảng Ninh là rất rõ ràng, kiên quyết, làm tốt sẽ giảm thiểu được tối đa tai nạn tàu, tuy nhiên ở một góc độ khác, tính đến ngày 15/2/2017, toàn tỉnh Quảng Ninh mới chỉ có 488/536 tàu du lịch được kiểm tra, đánh giá, còn lại 48 tàu vẫn chưa được kiểm tra. Thêm điều đáng nói là một số tàu đã được kiểm tra, được cấp chứng nhận đăng kiểm nhưng bên trong thì đóng sai so với thiết kế ban đầu.

Tàu đóng sai thiết kế ban đầu vẫn được đưa vào sử dụng suốt thời gian qua


Trong số đó có thể kể đến tàu KaLong 96 (QN 8686, SĐK: V14-02282; và tàu KaLong 56 (QN-8696; SĐK V14-02283) đều đóng sai thiết kế nhưng vẫn được Chi cục Đăng kiểm số 6 cấp đăng kiểm và hoạt động vận tải khách tuyến Vân Đồn – Cô Tô tại cảng Cái Rồng được gần 1 năm nay; Hoặc tàu chở 132 khách của Công ty TNHH 2 thành viên Dịch vụ và Du lịch Nguyên Việt cũng đóng tại một công ty đóng tàu phía Nam, có mẫu thiết kế tương tự, cùng một khoảng thời gian và đóng sai mẫu thiết kế như hai tàu KaLong nêu trên, nhưng lại được Chi cục Đăng kiểm số 15 (Quảng Ninh) cấp đăng kiểm cho hoạt động chở khách thường ngày tại bến cảng Cái Rồng.

Ông Trần Minh Đức, Giám đốc Chi cục đăng kiểm số 15 thừa nhận, vừa qua đã phát hiện một số lỗi sai thiết kế của các tàu Ka Long 96, 56 và Nguyên Việt 838. Các chi tiết sai của những con tàu này là: két dầu đặt không đúng vị trí, không có trục bao chân vịt, không có cột chống sét, vách ngăn sai quy định,…

Tàu chở khách là phương tiện đặc biệt, khi đóng phải có thiết kế rõ ràng trên cơ sở nghiên cứu khoa học và tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc, tiêu chuẩn chứ không thể muốn đặt thiết bị hay bỏ bớt chi tiết là bỏ được luôn. Tuy vậy, ông Đức lý giải: Tàu đóng sai thiết kế có nhiều kiểu, như đóng xong kích thước không đúng, máy móc sai lệch hoàn toàn so với thiết kế thì lại khác. Cong các tàu nêu trên chỉ là bố trí không đúng so với thiết kế ban đầu và cũng… không ảnh hưởng tới an toàn.

Tính mạng con người nơi biển khơi không thể mang ra đùa giỡn. Đây là những con tàu đã bị phát hiện cấp đăng kiểm sai so với thiết kế, vậy còn bao nhiêu con tàu đóng sai thiết kế chưa được phát hiện, chắc hẳn là khi chưa bị phát hiện thì các tàu vẫn vững tâm đưa khách vươn khơi và vẫn thường xuyên đặt mạng sống du khách lên mạn tàu? 

ĐƯỜNG MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh