Con chó Giôn của tôi
- Văn hóa - Giải trí
- 16:59 - 16/04/2015
Mình yêu nó nhất nhà, mới 7 tuổi, bom đạn đầy trời, quanh năm suốt tháng trẻ con ở trong nhà, có con chó nhỏ như bắt được vàng, mình suốt ngày quanh quẩn bên nó, có việc để làm, khỏi phải ngồi ngạch cửa ngóng ra đường nữa. Đến lớp chỉ mong về chơi với con chó Giôn. Đôi khi cắn bút ngẩn ngơ: con Giôn bây giờ làm gì nhỉ? Tối nào nó cũng nằm khoanh trong lòng mình, lâu ngày quen, vắng nó cái là không sao ngủ được. Đang ngủ quờ tay không thấy nó, giật mình chồm dậy kêu ầm Giôn mô rồi Giôn mô rồi. Nó ở đâu nhảy phốc lên giường, liếm liếm mặt mình, sướng mê man.
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Hè năm lớp 2, con Giôn đã bằng bắp vế mình, biết bắt chuột, sai nó lấy cái này cái nọ, chỉ cần nói đến lần thứ hai là nó hiểu liền. Nó không ăn cứt, không phải nhờ có “giáo dục”, nhà cũng chẳng đủ cơm cho nó, nhưng nó không ăn là không ăn. Một hôm mạ mình chìa đít con Lý, cháu gái mình, cho nó liếm, nó không liếm, còn nhìn mạ mình vẻ khó chịu, ra cái vẻ ta đây có văn hóa, không thèm.
Hè năm 1966, một hôm máy bay Mỹ khui được kho dầu lớn ở làng Chánh Trực, sát ngay Ba Đồn, chúng quần đúng 6 tiếng, từ 2 giờ chiều đến 8 giờ đêm, bom nổ lửa cháy ngút trời. Dân Ba Đồn xanh mặt kéo nhau chạy táo tác, nói chạy mau không mai nó đến càn nát Ba Đồn. Ba mình quyết định sơ tán ngay trong đêm. Các anh chị lớn lo gánh vác vận chuyển nhà cửa, mình bé chỉ phải đưa đống sách của mình đi thôi, thế mà cũng ốm xác. Mang trên lưng gần chục cân, lội bộ 11 cây số cát trong đêm, mình cùng con Giôn bị bỏ rơi khá xa. Mình lê lết kéo rê chân trên cát, vừa đi vừa nghỉ, lôi sách ra ném bớt đi cho nhẹ, nhưng nhìn thấy cuốn nào cũng tiếc, lại nhét vào, nghiến răng lê lết bước. Buồn ngủ quá, đang đi bỗng rơi phịch xuống cát, cứ thế ngủ không biết gì trời đất. May có con Giôn, nó vọt lên kéo ống quần ba mình làm hiệu, ông quay lại tìm, cõng về đến nhà mới làng Đông Dương.
Mình lên lớp 3, con Giôn đã lớn, ngày nào cũng theo mình đi học. Mình ngồi học, nó ngồi ở cửa lớp ngóng vào, cái mặt nó nhìn mình có vẻ ngưỡng mộ lắm. Giờ ra chơi là nó quấn lấy mình, chơi đã thôi. Cũng có hôm mình theo mấy thằng bạn chạy rong, ngoảnh lại thấy nó ngồi chống hai chân trước nhìn mình, mặt buồn thiu.
Nó biết bắt cá, lúc đầu chỉ bắt cá ruộng cạn, sau nó dám nhảy xuống nước ngụp lặn như người. Thỉnh thoảng nó gặm một con cá rô hay cá tràu (cá lóc) chạy về nhà, thả vào chậu, mạ mình mắt sáng như sao, nói thằng Lập làm răng phấn đấu bằng con Giôn. Đến bữa không bao giờ nó chạy lăng xăng quanh mâm. Nó nằm dài ở sân, mặt nghếch ra ngõ, ra cái điều có mời chắc gì ta đã ăn. Hết bữa, mạ mình tùa hết đồ ăn thừa vào bát, phải gọi hai ba lần nó mới uể oải đi vào, y chang mấy ông khách làm bộ: no rồi, ăn chơi bát cho vui thôi.
Nó biết mình yêu ai ghét ai. Có anh cu Ly đeo răng vàng hay đến tán chị Quy, mình ghét lắm, hồi đó cứ thấy anh nào đeo răng vàng, chải tóc bóng mượt là ghét. Anh cu Ly thỉnh thoảng đạp xe từ Quảng Thanh đến, giả đò tán chuyện thời sự với ba chị Quy, ta thắng chỗ này, địch thua chỗ kia nhưng thực chất mắt trước mắt sau lôi chị Quy ra khỏi nhà. Anh cu Ly đèo chị Quy bằng cái xe đạp Phượng hoàng mới cứng, tụi mình chạy đuổi theo hét vang: Có tiền mua lúa mua khoai/ đừng mua xe đạp mà lai đàn bà! Con Giôn hưởng ứng liền, nó chạy loăng quăng trước mũi xe anh cu Ly, anh tránh không được, ngã oạch. Tụi mình sướng rêm, nhảy cà tẩng dzê-ê dzê-ê.
Nhà mình hồi đó nghèo lắm. Tám đứa con, chỉ trông vào đồng lương của ba mình, không nghèo mới là chuyện lạ. Có chục đồng mượn mự Thơm hôm đi sơ tán mà mự cho người nhắn năm lần bảy lượt vẫn không trả được. Mình nhớ trưa hôm đó mình ngoài đồng về thì thấy má đang ngồi ròng xích cổ con Giôn. Nó nằm im nhưng toàn thân rung bần bật, đôi mắt ngước lên nhìn mình cầu khẩn. Mình hỏi mạ làm chi rứa. Mạ mình nói bán đi trả nợ cho mự Thơm. Mình vừa hét vừa nhảy, khóc lóc ầm ĩ, nói không không không. Mạ mình khóc, rất hiếm khi mạ mình khóc, nói mi không biết mô, mự Thơm ra giữa chợ chửi mạ. Mình tịt câm, cầm dây kéo con Giôn đi về nhà anh Dậu đúc soong nồi cuối làng, anh đã trả tiền cho mạ rồi.
Mình và con Giôn đi đường cát sau làng. Nó chỉ chạy chừng mươi bước rồi trì lại, mắt ngước nhìn mình van lơn. Mình cứ cúi mặt kéo đi, nó lại chạy mươi bước lại trì lại, hai mắt giàn giụa nước. Lần đầu tiên cũng là lần duy nhất mình nhìn thấy chó khóc. Mình ngồi ôm nó khóc theo. Ngồi ước sao bỗng nhiên được mười đồng.
Mình ôm con Giôn ngồi giữa cát nắng chang chang, khóc mãi, khóc khan cả cổ, nói đi nói lại ui trời ơi răng nhà tui nghèo ri hè. Con Giôn bỗng rùng mình một cái, vụt chạy. Tưởng nó chạy đi đâu, được mươi bước nó dừng lại ngoảnh mặt nhìn mình chờ đợi. Mình biết nó đã đồng ý đi, không chống đối nữa nên không cần dắt dây, cứ để nó chạy theo mình. Từ đó đến nhà anh Dậu mặt nó cứ cúi gằm. Đến ngõ nhà anh, nó mới dừng lại run lẩy bẩy. Nhưng nó không khóc, mình cũng thế, cũng run lên nhưng không khóc. Cho đến khi anh Dậu tuồn nó vào bao bố, nó còn kịp nhìn mình trân trố, cái nhìn vừa trách móc vừa thương yêu bất tận, kêu ẳng một tiếng đau nhói tim.
Anh Dậu ném cái bao bố xuống ao. Mình đứng im, chết giấc. Khi thấy hồ nước sủi bọt, mình bỗng xâm mắt, nghiến răng nhảy bùm xuống ao. Anh Dậu lôi lên cho một tát, nói ngu, điên, rồi đuổi về. Đến chiều thì mình lên cơn cảm hàn, sốt li bì, sốt quá phát cuồng vùng té chạy, ai đuổi theo cũng không kịp. Mình vừa chạy vừa hét lên ôi Giôn ơi Giôn ơi!
CÙNG CHUYÊN MỤC
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?
Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc