CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:09

Con bạn có bị biếng ăn, làm thế nào để trẻ không sợ ăn?

Biểu hiện của trẻ biếng ăn

- Thời gian ăn kéo dài (trẻ ngậm thức ăn trong miệng lâu mà không chịu nuốt và bữa ăn thường kéo dài hơn 30 phút).

- Số bữa ăn hoặc lượng thức ăn của trẻ ăn được trong mỗi bữa ít hơn so với các trẻ cùng độ tuổi, không ăn một số loại thức ăn hay từ chối ăn tất cả các loại thức ăn.

- Trẻ bỏ ăn và không có cảm giác đói, cảm giác thèm ăn khi đến giờ ăn, chạy trốn khi tới bữa ăn, nghe thấy lanh canh của thìa, bát hay nhìn thấy thức ăn có phản ứng buồn nôn. - - Một số biểu hiện khác gồm toát mồ hôi nhiều khi ăn, giả bị bệnh hoặc kêu no để khỏi phải ăn, phun thức ăn hay cố tình làm đổ thức ăn để khỏi phải ăn...

Con bạn có bị biếng ăn, làm thế nào để trẻ không sợ ăn? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn internet.

Nguyên nhân gây biếng ăn

- Thiếu ăn (suy dinh dưỡng bào thai, sinh non, nhẹ cân, không được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, cho trẻ ăn bổ sung quá sớm trước 6 tháng sau sinh).

- Trẻ mắc các bệnh nhiễm khuẩn dẫn đến thiếu vitamin, khoáng chất và kẽm gây biếng ăn.

- Trẻ bị trì hoãn ăn nhai, ăn không có giờ giấc, ăn quà vặt hoặc ăn bánh kẹo, nước ngọt trước bữa ăn hoặc thức ăn không hợp khẩu vị.

- Ngoài ra, nguyên nhân tâm lý cũng gây biếng ăn ở trẻ như mải chơi, tìm hiểu thế giới xung quanh mà không chịu ăn, bị người lớn thúc ép phải ăn, quát mắng, đánh đập trong bữa ăn dẫn đến tình trạng trẻ sợ bữa ăn, tìm đủ lý do để không phải ăn.

Phòng ngừa biếng ăn ở trẻ

Để giúp trẻ phát triển tốt và phòng ngừa biếng ăn cho trẻ, bố, mẹ và người chăm sóc trẻ cần nuôi dưỡng trẻ một cách khoa học, bao gồm:

- Chế độ dinh dưỡng hợp lý theo hướng dẫn, tư vấn của cán bộ y tế chuyên ngành dinh dưỡng (bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu sau sinh và cho bú đến năm 2 tuổi, cho trẻ ăn bổ sung khi tròn 6 tháng sau sinh...).

- Cho trẻ ngồi ăn chung bàn với gia đình. Bố mẹ hay người chăm sóc trẻ làm mẫu để tập cho trẻ ăn. Tập thói quen ăn uống lành mạnh cho trẻ, loại bỏ các yếu tố gây xao nhãng trong giờ ăn (đồ chơi, TV...). Không đánh đập, la mắng, ép buộc trẻ ăn. Không cho trẻ ăn vặt, hãy để cho trẻ biết cảm giác đói.

- Tập cho trẻ ăn đa dạng nhiều loại thức ăn và luôn thay đổi món ăn, cách chế biến để cho trẻ ăn ngon miệng.

- Điều trị các bệnh nhiễm khuẩn cho trẻ. Bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất trong thời gian trẻ bị ốm.

Con bạn có bị biếng ăn, làm thế nào để trẻ không sợ ăn? - Ảnh 2.

Ảnh minh họa. Nguồn internet.

Làm thế nào để trẻ thích ăn hay chí ít thì cũng không sợ ăn?

1- Bạn chỉ nên gợi ý cho bé ăn khi nó đã đói. Trẻ em thường chối bỏ thức ăn chẳng qua vì chúng chưa kịp đói. Thằng bé lười ăn của bạn hình như không bao giờ thấy đói? Cũng có thể do bạn đã không cho bé cơ hội ấy? Bạn hãy thử trong vài ngày liền không liên tục ép bé ăn. Hãy đợi để tự bé phải nhắc đến bữa ăn.

2- Khi đã quan sát được lúc nào bé thường thấy đói, bạn hãy cho bé ăn vào những giờ cố định. Trẻ em thích cuộc sống điều độ.

3- Hãy giảm số bữa ăn. Một đứa trẻ 3 tuổi thực sự không cần đến 5 bữa ăn mỗi ngày. Giữa bữa sáng và bữa trưa, thay vì cho bé ăn cháo hay một lưng cơm, bạn hãy cho bé ăn một quả chuối hay miếng đu đủ, có thể sau đó bé sẽ ăn trưa một cách ngon lành.

4- Hãy giảm những bữa ăn vặt. Bạn thử xem liệu bé có hay ăn vặt không? Vài cái kẹo, một gói bim bim, tưởng như không là gì cả nhưng lại ảnh hưởng rất nhiều đến sự ngon miệng của trẻ.

5- Hãy giảm khẩu phần ăn của bé. Một bát cơm đầy có ngọn quả không kích thích sự thèm ăn của bé chút nào. Trái lại là đằng khác - nó khiến trẻ sợ và ngán. Sẽ hoàn toàn khác nếu trước mặt bé là một miếng thịt nho nhỏ, một chút xíu cơm và vài thìa canh. Ngần này thì có thể ăn được. Mà ngần ấy cũng đủ để một đứa trẻ hai tuổi no bụng.

6- Hãy quan tâm đến tính đa dạng của các món ăn. Nếu ngày nào bạn cũng dọn cho bé món trứng đúc thịt, thì chẳng có gì ngạc nhiên khi nó không muốn ăn. Nếu bữa sau, bạn cho bé một khúc cá rán hay một bát súp sườn hầm khoai tây, củ cải, bạn sẽ thấy là ít ra thì bé cũng thử.

7- Bạn hãy cố gắng để các món ăn bày lên bàn trông thật màu sắc và ngon lành. Bên cạnh những búp súp lơ trắng là những cánh hoa cà rốt màu cam rực, bên cạnh những khúc đậu đũa xanh có cà chua đỏ… Một sáng kiến rất hay là món salad thập cẩm: Cà rốt, ớt ngọt, giá đỗ, khoai tây, dưa chuột…

8- Hãy để cho bé tự chọn. Trước khi nấu ăn, bạn hãy hỏi bé: "Con thích ăn gì nào?" và đưa ra một thực đơn mà bạn có thể làm để bé chọn. Có thể bé sẽ chẳng chọn gì cả, biết làm sao được! Nhưng cũng có thể bé sẽ thích một món nào đó.

9- Hãy chấp nhận một số ý thích trái khoáy của bé. Nếu bé nhất định đòi uống sinh tố cà chua với cam, bạn đừng lấy đó làm điều bực mình, hãy làm cho bé. Đó chẳng qua là khẩu vị. Nếu bé chỉ thích bánh mỳ kẹp hình tam giác hay uống sữa bằng ống hút, bạn cứ chiều theo ý thích của bé, chắc chắn rồi đến lúc bé sẽ chán.

10- Đừng ép bé ăn cái mà nó không thích. Thay vì thịt, bạn có thể cho bé ăn trứng, cá hoặc giò, xúc xích. Nếu bé sợ rau, thì thay vì bực bội, bạn hãy cho bé ăn thêm trái cây.

11- Bạn đừng cố giấu những thứ bé không thích ăn vào các món ăn. Vì chắc chắn bé sẽ phát hiện ra và sẽ không chịu ăn gì nữa. Và nguy nhất là bạn đã làm nó ghét cái món mà đến nay nó vẫn thích.

12- Bạn có thể dùng chiến thuật "bình mới rượu cũ". Thay vì cho bé ăn thịt với cơm, bạn kẹp thịt vào bánh mỳ. Bạn có thể cho canh vào cốc như một thứ đồ uống thay vì để ở bát như thường lệ. Bạn thử xay trái cây rồi cho vào ngăn đá cho đông sệt lại, có thể bé sẽ thích hơn?

13- Chỉ có bé uống sau bữa ăn, chứ không để vừa ăn vừa uống, đặc biệt là trước bữa ăn. Nếu trước bữa ăn, dạ dày bé tẹo của bé đã được làm đầy bằng nước ngọt thì đương nhiên là suất ăn trưa không còn quyền cư trú trong đó nữa.

14- Cứ để cho bé ăn lâu như nó thích. Việc bé nhẩn nha cả buổi trưa không có nghĩa là bé biếng ăn. Có thể việc tự ăn vẫn là quá khó đối với bé. Thậm chí cả khi bạn thấy bữa ăn dường như không bao giờ kết thúc, thì cũng đừng tỏ ra sốt ruột. Bé chỉ cần biết là bạn muốn nó kết thúc bữa ăn, nó sẽ đẩy bát cơm ra xa ngay. Vì điều đó dễ hơn so với việc xúc cơm cho vào miệng, rồi phải ngậm, nhai, nuốt!

15- Các bạn hãy ngồi ăn cùng bé bên bàn ăn gia đình. Ngồi ăn một mình thật buồn chán. Nếu bố kể chuyện có một con chim đến làm tổ trong vườn nhà thế nào, mẹ thì kể một chuyện vui khi đi chợ… Thế là bé vừa ăn vừa giỏng tai nghe, quên khuấy cái bát cơm đáng ghét.

16- Bạn đừng bón cho bé, hãy để nó tự ăn. Phần lớn trẻ 2, 3 tuổi sẽ ăn nhiều hơn nếu mẹ để chúng tự ăn. Nếu mẹ cứ bón mãi, dần dần bé nhận thấy rằng ăn đúng là một việc khó chịu, chẳng khác gì gội đầu hay uống thuốc, cũng là mẹ làm cho bé. Hãy làm sao để bé thấy rằng được ăn là niềm vui, giống như chơi một trò chơi vậy.

17- Bạn nên biết rằng "không" là một câu trả lời cần thiết. Không bao giờ ép bé ăn thêm thìa cơm cuối cùng. Nếu bé nói rằng nó đã no, hãy để bé đặt bát xuống, còn bạn không bình luận gì về chuyện đó.

18- Hãy để bé cùng tham gia nấu nướng. Bé sẽ thấy rau muống mà bé tự tay nhặt, hay món thịt mà bé tự tay trộn gia vị sẽ ngon hơn rất nhiều.

19- Bạn hãy quan tâm đến không khí của bữa ăn. Sự vội vã, lộn xộn, những xung khắc hàng ngày giữa bố và mẹ sẽ làm bé ăn mất ngon.

20- Bé không nhất thiết phải ăn hết khẩu phần ngay một lúc. Bạn hãy thử chia nhỏ khẩu phần của bé, ví dụ bé có thể ăn bữa giữa buổi sau lúc đi dạo, hoặc một bát cháo nhỏ trước lúc bé ra sân chơi với các bạn. Có thể không khí trong lành sẽ khiến cho món thịt bò xào mà bé rất ghét trở nên ngon hơn.

BP (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh