THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 11:31

Cơm chay phố núi

Dọc đường Tăng Bạt Hổ, có thể dễ dàng bắt gặp rất nhiều những quán cơm chay san sát nhau. Liên tiếp từ nhà số 39, 45, 49 đến số 51 là một dãy quán với những tên quán: An Tâm, An Lạc, An Bình, An Phú. Điều đặc biệt đây là những quán của anh chị em trong một nhà mở bán. Lui lại một chút là Thanh Thảo với 2 quán số 32 và 35. Sát kề bên là quán Thảo Dân số 38. Một chút liệt kê ra như vậy để thấy rằng cơm chay đã và đang là một nét ẩm thực của người dân Phố núi được ưa chuộng.

Một tiệm cơm chay ở Pleiku.

Với hơn 20 năm mở quán, chị Phan Tuyết Mai-Chủ quán Thanh Thảo cho biết: “Trong năm, thường chỉ có những ngày 30, mùng 1, 14 và Rằm hàng tháng là quán đông khách và thường là khách ăn chay “định kỳ”. Khách ăn đổi bữa, đổi món cũng có nhưng không nhiều. Còn trong những ngày Tết thì khách rất đông. Từ những ngày trước Tết, quán đã nhận làm rất nhiều đồ cúng chay của khách đặt mua về nhà. Quán nhà tôi mở liên tục mấy ngày Tết để phục vụ bà con ăn chay”.

Theo quan sát của chúng tôi, từ trưa 29 tháng Chạp đến thời điểm hiện tại, các quán hầu như đều hết chỗ ngồi. Lượng khách đến ăn cơm chay rất đông. Xe máy, ô tô để kín vỉa hè. Có nhiều gia đình chở cả nhà từ ông bà, cha mẹ cùng con cháu đến ăn. Lúc này, chủ quán và nhân viên phục vụ chỉ kịp làm món cho khách mang về, còn khách ăn tại chỗ tự phục vụ.

Cái hay của cơm chay ở chỗ là khách có thể lấy đồ ăn tùy thích, mỗi món một ít. Và giá thì rất rẻ. Cơm, mì, bún, hay phở đều đồng giá, 15 ngàn đồng cho một bữa ăn vừa no và ngon. Các món ăn được sắp ra khay rất sạch sẽ, bắt mắt, và… rất giống đồ ăn mặn. Cũng giò, chả, tôm, cua, mực, bò… cho thấy tay nghề của những người làm đồ chay rất khéo. Trò chuyện cùng tôi trong lúc ăn, chị Võ Cẩm Phượng (địa chỉ 243/16/6 Lê Lợi, TP.Pleiku) cho biết: “Gia đình tôi ăn chay theo định kỳ 4 ngày trong tháng. Trong 3 ngày Tết, tôi cũng mua đồ chay về cúng ở nhà. Khách tới chúc Tết, gia đình cũng dọn đồ chay để tiếp. Mọi người ăn rất ngon miệng”.

Ở các sạp bày trước cửa quán là rất nhiều những mặt hàng phục vụ cho những gia đình cúng chay. Từ bánh chưng, bánh tét chay, đến dưa kiệu, bánh trái các loại. Còn các món “giả mặn” thì phải đặt trước và các quán lúc nào cũng đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng.

Để có được những món chay tươi ngon, nóng sốt, bác Tố Diệu-đầu bếp của quán Thanh Thảo cùng với mọi người phải thức dậy từ rất sớm với những rau củ quả được nhập về từ chợ đêm Pleiku, còn những nguyên liệu để chế biến thành những món giả mặn thì được nhập về từ TP.HCM. “Thường thì phải đến 10, 11 giờ đêm chúng tôi mới nghỉ. Cũng mệt nhưng vui vì nghề này lấy sự nhẹ nhàng, thanh tịnh của nhà Phật để mang đến chút nguồn vui cho mọi người là chính”-bác Tố Diệu tâm sự.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
4 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh