THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 10:21

Đồ 'nhái' trong Di tích quốc gia đình Tây Đằng

 

Bộ vì kèo cũ từ thế kỷ 16 (trên) và mới làm có những chi tiết chạm khắc khác nhau - Ảnh: Bình Nguyễn

Vừa xấu vừa chiếm không gian

Khi nhóm những người yêu mến kiến trúc cổ Đình làng Việt tới di tích quốc gia đặc biệt đình Tây Đằng (huyện Ba Vì, Hà Nội), họ không thể không khó chịu vì một bộ vì kèo (bộ khung làm mái đình - PV) nằm ngay không gian chính của đình. “Đình Tây Đằng có không gian rất hẹp với 3 gian 2 chái, trong khi đó bộ vì “nhái” này chiếm mất 1 chái của đình. Sự “chềnh ềnh” khiến mỗi khi làng có việc thì thiếu không gian cho chỗ bày biện”, nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đức Bình, thành viên nhóm Đình làng Việt, cho biết.

Quan sát và so sánh, ông Bình cho rằng, kỹ thuật chạm khắc của bộ vì “nhái” này rất kém về kỹ thuật chạm khắc, đường nét thô lậu kém sự tinh tế so với bộ vì “chuẩn” hiện trên nóc đình. Không những vậy, người thợ thế kỷ 21 lại sáng tác thêm các chi tiết mà mảng chạm thế kỷ 16 không có. “Nếu không được hướng dẫn, khách thăm có thể tưởng nhầm đây chính là bộ vì từ thời Mạc. Do vị trí thuận lợi, vừa tầm mắt, họ có thể quay phim chụp ảnh rồi phổ biến nhầm tinh hoa của đình”, ông Bình nói.

Không chỉ nhà nghiên cứu này mà người dân trong vùng cũng khó chịu với bộ vì kèo này. Cụ Trương Danh Xước, người nhiều năm trông coi đình cho biết, việc bày bộ vì kèo này làm người dân thấy vướng víu, chiếm không gian. “Đề nghị mãi với xã rồi. Cứ ngày tế lễ hội hè là vướng hết cả không gian đấy”, cụ Xước nói. Cụ cũng cho biết, trong lần tiếp xúc cử tri vừa rồi, người dân cũng lên tiếng. Đáp lại, xã trả lời họ cũng không có quyền.

Trong khi đó, thông tin từ Phòng Văn hóa Ba Vì cho biết, đây là hiện vật sau trùng tu đình Tây Đằng, một dự án của Bộ VH-TT&DL. Hiện vật này có ở đây là được cho phép. Ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở VH&TT Hà Nội, cũng cho biết, bộ vì kèo này tồn tại ở đây hoàn toàn hợp pháp, đúng quy trình. Tuy hợp pháp nhưng nhiều chuyên gia về trùng tu nói bộ vì kèo “nhái” này tồn tại chưa hợp lý. Mà để di dời bộ vì kèo này theo luật thì phải có sự đồng ý của Bộ VH-TT&DL. GS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Việt Nam, từng khẳng định đình là không gian sinh hoạt của cộng đồng, không nên để mất khoảng không gian đó.

Bộ vì kèo mới choán không gian lớn của đình Tây Đằng - Ảnh: Bình Nguyễn

Kiến nghị bỏ bộ vì kèo “nhái”

Về bộ vì kèo này, ông Thái Chung, người trực tiếp thực hiện dự án trùng tu cho biết bộ vì kèo không giống thật 100%, tuy nhiên có lý do chính đáng. Ông nói, khi thực hiện dự án, yêu cầu đưa ra là tái hiện lại bộ vì để trưng bày cho khách thấy được kết cấu của nó. Bộ vì kèo này đặc biệt vì nó lớn nhưng liên kết lại vô cùng đơn giản, chỉ là chồng lên nhau và có một cái then. Người ta có thể ngắm bộ vì thật để thấy hoa văn nhưng không thấy được liên kết này. Vì vậy việc chạm hoa văn giống hệt không phải là mục tiêu của công việc.

“Vì thế mới làm bộ vì kèo này xuống thấp để người xem có thể thấy liên kết thô sơ này. Nhưng khi thiết kế thì họ không làm cái bảng giải thích. Không chú thích thì có thể gây hiểu nhầm: có thể làm sai nên không lắp được bộ vì kèo lên”, ông Chung nói. Ông Chung cũng cho biết đình Tây Đằng trùng tu vào năm 2004.

Về việc trưng bày này, một chuyên gia về trùng tu di tích cho rằng, giả sử mục đích là trưng bày để người dân thấy kỹ thuật kết nối thì cũng không nên làm tỷ lệ 1-1 như vậy. Chưa kể, không gian đình là để sinh hoạt chung chứ không phải để bày bộ vì kèo đó. “Trên thế giới cũng có chuyện kết hợp trưng bày nhưng nó phải là chính - phụ chứ không phải lấy một tỷ lệ lớn, hiện vật lớn như thế. Có thể làm nhưng phải tỷ lệ khác rồi mang chỗ khác. Và cũng nên giữ không gian cho đình”, chuyên gia này nói.

Ông Nguyễn Đức Bình nhận định nếu người làm công tác quản lý muốn tuyên truyền cho vẻ đẹp kiến trúc đình Tây Đằng thì nên chọn cách khác. Họ có thể chụp ảnh hoặc đổ khuôn các mảng chạm khắc với tỷ lệ và hình khối trung thực, có chú thích rõ ràng rồi cho trưng bày ở khu nhà của ban quản lý, hiện đối diện đình. Hiện tại, với bộ vì kèo này, ông Bình đề nghị: “Cần thiết thì bỏ bộ vì này đi, đừng xây riêng hẳn một ngôi nhà chứa nó”.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh