Có thể khởi tố những dự án BOT có sai phạm
- Huyệt vị
- 23:57 - 09/09/2017
Đó là khẳng định của TS Nguyễn Sỹ Dũng - nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, tại buổi Tọa đàm "Dự án BOT - Chính sách và giải pháp" vừa diễn ra ngày 8/9.
4 điểm nhức nhối của các dự án BOT
Theo ông Dũng, nên xem BOT như thương quyền, chỉ những doanh nghiệp chất lượng tốt nhất, giá rẻ nhất mới được khai thác. Đặc biệt, tất cả các cổ đông có liên quan đều phải được ý kiến.
“Tại sao chỉ chủ đầu tư, nhà thầu và nhà nước có ý kiến mà cổ đông lớn nhất - ai đại diện cho lợi ích quốc gia lại không được làm rõ. Quốc hội là cơ quan đại diện cho lợi ích quốc gia. Cổ đông thứ hai là người dân, nếu Quốc hội đại diện cho người dân thì phải tham gia như thế nào.
Cổ đông thứ ba là doanh nghiệp vận tải, những người chi tiền phải được có ý kiến - trong khi hiện tại bắt trả bao nhiêu "thượng đế" phải trả bấy nhiêu", ông Dũng nêu vấn đề.
Có 4 vấn đề đặt ra:
Đầu tiên, phải chấm dứt ngay là thu phí BOT kiểu trấn lột, vì người ta không đi đường BOT thì không thể thu, đường tránh một chỗ, đặt trạm thu phí chỗ khác là không được.
Nhiều trạm thu phí dự án BOT đặt nhầm chỗ bị người dân phản ứng gay gắt thời gian qua
Trả 1 đồng mà bất công, người dân cũng không chịu. Phải di dời trạm, không thể nói hứa với nhà đầu tư nên không di dời được, không thể trấn lột người dân như thế.
Hai là, không thể “cân điêu” cho người dân sống xung quanh trạm, mỗi lần người ta đi qua lại thu phí dù không đi cả đoạn đường. Phải miễn phí cho những người xung quanh trạm thu phí đi lại, chưa kể còn phải tài trợ vì cuộc sống người ta bị đảo lộn khi qua trạm.
Ba là tráng lại mặt đường như quốc lộ 1 rồi thu tiền, phải hủy bỏ, người dân đã trả tiền phí bảo trì đường bộ, không thể lại bị thu lần nữa khi láng lại đường, phải giải trình rõ đã dùng phí bảo trì cho việc gì.
Bốn là, mở rộng con đường đã có sẵn phải rất minh bạch, ví dụ dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ mở rộng thêm 2 làn không thể thu như cả con đường mới.
Phải áp đặt chế độ thu tự động
Để tháo gỡ các điểm nhức nhối trên, theo ông Dũng, cần xem xét lại tất cả các hợp đồng BOT và những cam kết với nhà đầu tư. Bởi những cam kết này được đưa ra, người dân và xã hội đều không được tham vấn ý kiến, vì thế với những con đường BOT được thu phí mà chưa được hỏi ý kiến người dân, thì cần phải rà soát, xem lại.
Với những khoản phí nào bất hợp lý thì phải được loại bỏ, đảm bảo quyền lợi của người dân.
Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, để minh bạch chỉ có cách là áp đặt chế độ thu tự động, để có số liệu chính xác thời hạn thu. Hiện nay, người dân è cổ cho bộ máy thu phí rất lớn, trả tiền cho hàng trăm người ngồi thu.
“Trong lợi ích của người dân có lợi ích của đất nước, mức thu như nào để nền kinh tế có đủ năng lực cạnh tranh, người dân đảm bảo cuộc sống có tiền chăm lo cuộc sống, phải tính”, ông Dũng nói.
Cần có những phiên tranh luận tại Quốc hội để sáng rõ các giải pháp cho bất cập các dự án BOT, các ủy ban Quốc hội có thể điều trần để các bên liên quan có tiếng nói, tranh luận công khai để sáng rõ các khía cạnh chính sách, có thể ban hành Nghị quyết để xử lý triệt để. Chỉ khi đã sáng rõ các vấn đề mới ban hành luật, nếu không rủi ro rất lớn.
Có thể đề nghị khởi tố
Trong một diễn biến liên quan, ông Dũng cũng nhấn mạnh, Bộ GTVT coi nặng tiêu chí hoàn vốn dự án, thiếu nghiên cứu hợp lý về khả năng nộp phí của người tham gia giao thông. Việc này đã được Thanh tra Chính phủ kết luận liên quan đến các dự án BOT, BT sau khi kiểm tra.
Theo đó, phần lớn dự án đầu tư theo hình thức BOT là cải tạo nâng cấp tuyến đường cũ, từ đó dẫn đến tình trạng gia tăng, dồn tích phương tiện giao thông. Bên cạnh đó là việc phê duyệt chi phí giải phóng mặt bằng không sát, sai lệch lớn so với thực tế.
TS Nguyễn Sỹ Dũng nhấn mạnh, việc Thanh tra Chính phủ "điểm tên, chỉ mặt" những sai sót của một số dự án BOT của Bộ GTVT là rất cần thiết. Với những dự án sai phạm này, Thanh tra Chính phủ có thể đề nghị khởi tố theo quy định của pháp luật.
“Để cấu thành tội phạm phải có yếu tố lỗi, nếu đơn vị không có trình độ quản lý gây thất thoát tài sản quốc gia, hay không tuân thủ quy định của nhà nước, có lợi ích nhóm…thì những yếu tố lỗi đó thì sẽ cấu thành tội phạm”, ông Dũng nói.
Cũng tại buổi tọa đàm, một số chuyên gia cho rằng, hiện nay, có nhiều nhà đầu tư BOT hoạt động theo kiểu “tay không bắt giặc” bởi cơ chế ưu đãi chỉ định thầu. Doanh nghiệp không cần kinh nghiệm, vốn hay chuyển giao công nghệ. Sau khi vào được dự án, hầu hết vốn sẽ đi vay, thực hiện thì thuê đơn vị thi công.
Luật sư Trương Thanh Đức - Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng, khi muốn thực hiện các dự án BOT, nhà đầu tư chỉ lo “đặt gạch” làm sao được tham gia vào dự án là xong. Còn vốn đầu tư đã có Nhà nước và các ngân hàng lo.