Có thể đóng tiếp BHXH đến khi đủ điều kiện hưởng lương hưu
- Bài thuốc hay
- 23:29 - 27/06/2018
Cụ thể, người làm công việc bơm xăng bán lẻ tại các cột bơm, kế toán tại cây xăng thì thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu là 15 năm có đúng không? Doanh nghiệp có phải đăng ký thêm tỷ lệ đóng phụ cấp độc hại không? Nếu cần thì doanh nghiệp phải chuẩn bị hồ sơ như thế nào?
Bà Loan cũng muốn biết, giám đốc công ty có hưởng lương, đã hết độ tuổi lao động nhưng chưa đóng đủ 20 năm BHXH thì có phải đóng BHXH nữa không? Trường hợp giám đốc không hưởng lương hưu thì không tham gia BHXH có đúng không? Căn cứ quy định nào?
Về vấn đề này, BHXH TP. Hà Nội trả lời như sau:
Căn cứ quy định tại Điều 54 Luật BHXH về điều kiện hưởng lương hưu: Người lao động khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên thì được hưởng lương hưu nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi; nam từ đủ 55 tuổi đến đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên; người lao động từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên mà trong đó có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò; người bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.
Căn cứ Điều 55 Luật BHXH về điều kiện hưởng lương hưu suy giảm khả năng lao động: Người lao động khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên thì được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại Điều 54 nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
Từ ngày 1/1/2016, nam đủ 51 tuổi, nữ đủ 46 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động. Sau đó mỗi năm tăng thêm một tuổi cho đến năm 2020 trở đi, nam đủ 55 tuổi và nữ đủ 50 tuổi thì mới đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên; bị suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80% và bảo đảm điều kiện về tuổi đời theo bảng dưới đây:
Năm nghỉ hưởng lương hưu | Điều kiện về tuổi đời đối với nam | Điều kiện về tuổi đời đối với nữ |
2016 | Đủ 51 tuổi | Đủ 46 tuổi |
2017 | Đủ 52 tuổi | Đủ 47 tuổi |
2018 | Đủ 53 tuổi | Đủ 48 tuổi |
2019 | Đủ 54 tuổi | Đủ 49 tuổi |
Từ 2020 trở đi | Đủ 55 tuổi | Đủ 50 tuổi |
Nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên và có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành.
Đối chiếu với quy định trên, khi người lao động đến tuổi nghỉ hưu và có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên thì đủ điều kiện về hưu.
Giám đốc công ty có hưởng lương nhưng đã hết độ tuổi lao động (60 tuổi), chưa đóng đủ 20 năm BHXH, nếu người lao động còn thiếu tối đa 6 tháng để đủ 20 năm đóng BHXH, theo quy định tại Khoản 4, Điều 15 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH: Người lao động đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu mà thời gian đóng BHXH bắt buộc còn thiếu tối đa 6 tháng thì người lao động được lựa chọn đóng một lần cho số tháng còn thiếu với mức đóng hàng tháng bằng tổng mức đóng của người lao động và người sử dụng lao động theo mức tiền lương tháng đóng BHXH trước khi nghỉ việc vào quỹ hưu trí và tử tuất để hưởng lương hưu. Người lao động được hưởng lương hưu tại tháng đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu và đã đóng đủ BHXH cho số tháng còn thiếu.
Nếu người lao động còn thiếu từ 6 tháng trở lên thì theo quy định tại Khoản 2, Điều 73 Luật BHXH, người lao động đã đủ điều kiện về tuổi theo quy định (nam đủ 60 tuổi; nữ đủ 55 tuổi) nhưng thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm thì được đóng cho đến khi đủ 20 năm để hưởng lương hưu.