Cơ sở cai nghiện ma túy số I Thanh Hoá: Tạo không gian xanh, môi trường thân thiện
- Tây Y
- 07:26 - 24/06/2022
Chú trọng xây dựng môi trường xanh - bảo đảm sức khỏe cho học viên
Những năm qua, cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Thanh Hoá không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, xây dựng môi trường thân thiện, văn minh. Đội ngũ cán bộ, nhân viên ở đây làm việc tận tâm, tận tình, không ngừng đổi mới, sáng tạo để nâng cao chất lượng điều trị cai nghiện. Sống trong môi trường tích cực, sức khỏe của học viên điều trị cai nghiện ma túy theo diện bắt buộc cải thiện rõ rệt.
Cùng với việc quan tâm xây dựng môi trường an toàn, thân thiện, cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Thanh Hoá còn đặc biệt chú trọng bảo đảm sức khỏe cho học viên. Tạo môi trường xanh - sạch - đẹp, đảm bảo vệ sinh an toàn, thân thiện.
Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Lê Đăng Thanh cho biết: “Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, môi trường nào, con người luôn là yếu tố trung tâm, có vai trò quyết định đối với sự thành công hay thất bại trong những việc của cá nhân cũng như tập thể. Nhận thức rõ điều này, Cơ sở cai nghiện ma túy số I luôn khuyến khích, tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ, nhân viên phát huy tốt năng lực, sở trường. Làm việc bằng lương tâm và trách nhiệm của người thầy thuốc, các thầy thuốc nơi đã hỗ trợ điều trị cho hàng nghìn học viên. Gắn bó với học viên như người thân để hiểu rõ tình hình bệnh tật, hoàn cảnh của từng người, từ đó đưa ra phương pháp điều trị phù hợp với từng đối tượng. Không chỉ làm tốt công tác chuyên môn, nhiều cán bộ, thầy thuốc nơi đây đã có sáng kiến hỗ trợ người nghiện ma túy điều trị cai nghiện bằng phương pháp tắm các loại nước lá có chứa tinh dầu cho tinh thần thoải mái, sảng khoái. Cơ sở cai nghiện ma túy số I còn có nhiều cán bộ, nhân viên trở thành điểm tựa tinh thần, giúp những mảnh đời lầm lỡ hướng thiện, được các cơ quan chức năng ghi nhận, biểu dương”.
Số người cai nghiện ma tuý năm 2021 chuyển sang là 479 người. Số người cai nghiện ma tuý tiếp nhận mới là 74 người. Tổng số người cai nghiện ma túy quản lý là 553 người. Số người cai nghiện ma tuý hết thời gian cai nghiện được giải quyết hòa nhập cộng đồng là 71 người. Số người cai nghiện ma tuý tạm gửi trong thời gian chính quyền địa phương lập hồ sơ đề nghị TAND cấp huyện xem xét quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện là 10 người cai nghiện ma tuý. Cơ sở cai nghiện ma túy số I thường xuyên quản lý, điều trị cho gần 500 người đi cai nghiện. Đại đa số học viên từng sử dụng ma túy tổng hợp, khi mới vào điều trị cai nghiện thường có biểu hiện rối loạn hành vi, cảm xúc, tâm lý… Với những trường hợp này, để nâng cao hiệu quả điều trị, ngoài các giải pháp trợ giúp về y tế, họ cần được hỗ trợ về việc làm, tạo điều kiện để sinh hoạt văn hóa, luyện tập thể dục, thể thao…
Thấu hiểu nhu cầu của học viên, Cơ sở cai nghiện ma túy số I đã tận dụng cơ sở vật chất hiện có để xây dựng mô hình vườn - ao - chuồng theo quy trình khoa học, vừa bảo đảm an toàn thực phẩm, vừa không gây ô nhiễm môi trường. Sau thời gian điều trị cắt cơn, sức khỏe dần cải thiện, học viên sẽ tham gia lao động sản xuất.
Để học viên có khả năng tái hòa nhập cộng đồng sau thời gian điều trị cai nghiện, Cơ sở cai nghiện ma túy số I thường xuyên trang bị cho học viên kỹ năng giao tiếp, ứng xử với những người xung quanh. Những người trẻ tuổi còn được tư vấn, định hướng nghề nghiệp, học nghề may công nghiệp, cơ khí… Đặc biệt hơn, tất cả học viên được tham gia sinh hoạt văn hóa, tập thể dục, thể thao vào thời gian phù hợp trong ngày. Cùng tham gia công tác vệ sinh môi trường, luôn đảm bảo các phòng chức năng, phòng ở, phòng sinh hoạt chung sạch đẹp. Toạ khuôn viên xanh ngay trong cơ sở cai nghiện.
Các mô hình hỗ trợ điều trị cai nghiện được triển khai hiệu quả tại Cơ sở cai nghiện ma túy số I đã góp phần nâng cao chất lượng điều trị cai nghiện. Tiếp nhận, làm thủ tục, lập bệnh án cai nghiện, chữa trị cho hàng trăm người cai nghiện ma tuý đảm bảo an toàn phục hồi sức khỏe. Trong đó có 70% người nghiện heroin, 20% người nghiện các chất ma túy tổng hợp và 10% người dùng từ 2 đến 3 loại ma tuý. Điều trị ổn định cho 12 người uống thuốc Methadone.
Tổ chức khám sức khoẻ định kỳ 100% người cai nghiện ma tuý tại Cơ sở; khám nội khoa cho 1.200 lượt người cai nghiện, lập hồ sơ điều trị nội khoa cho 330 lượt người cai nghiện ma tuý. Phối hợp với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá khám và điều trị 12 người cai nghiện ma tuý (Trong đó có 10 người đã quay lại Cơ sở, 02 người tiếp tục điều trị). Điều trị HIV bằng thuốc ARV cho 35 người cai nghiện ma tuý nhiễm HIV. Định kỳ hàng tháng báo cáo số liệu điều trị và số lượng thuốc ARV đã sử dụng cho Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Thanh Hóa.
Làm tốt công tác chuẩn bị cho người cai nghiện ma tuý về hòa nhập cộng đồng. Hoàn chỉnh thủ tục cho 336 người cai nghiện ma tuý bàn giao cho gia đình theo đúng quy định. Tư vấn cho gia đình có biện pháp quản lý người cai nghiện ma tuý sau cai phòng chống tái nghiện, tiếp tục điều trị cho người bị nhiễm HIV và uống thuốc ARV tại y tế tuyến cơ sở. Hoàn chỉnh thủ tục, hồ sơ, bàn giao 02 người cai nghiện ma túy cho cơ quan thi hành án chấp hành án phạt tù. Tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương, gia đình quản lý 11 người giải quyết điều trị bệnh tại tuyến trên. Đào tạo nghề kết hợp với lao động trị liệu.
Duy trì truyền nghề, tạo việc làm cho số người cai nghiện ma tuý tiếp nhận mới. Tổ chức cho 100% người cai nghiện ma tuý có việc làm và thu nhập cải thiện đời sống. May túi PP ước đạt 8 triệu sản phẩm. Sản xuất gạch đất sét nung đạt 4 triệu viên. Sản xuất gạch không nung và gạch block đạt 50 nghìn viên sản phẩm.
Trồng rau xanh và tổ chức chăn nuôi lợn, gia cầm, thuỷ cầm, nuôi cá gắn với giáo dục dạy nghề cho người cai nghiện ma túy; cơ bản đảm bảo cung cấp đủ rau ăn và một phần thực phẩm cho các bếp ăn tập thể của Cơ sở. Trồng mới và chăm sóc cây xanh, thảm cỏ, thu gom và xử lý rác thải đảm bảo vệ sinh môi trường toàn Cơ sở.
Người cai nghiện ma tuý được truyền nghề nề, cơ khí, xây dựng sửa chữa cơ sở vật chất như: sửa chữa khu nhà cai cắt cơn, nhà B3; cải tạo khuôn viên nhà A2, khu D; sửa chữa cửa phòng ở khu nhà D1, D2, D3, cửa phòng làm việc Khu A và một số công việc phục vụ khác.
“Về việc cai nghiện thành công là một hành trình đầy khó khăn và có rất nhiều thử thách. Song, việc giữ gìn để không bị tái nghiện là sự nỗ lực, cố gắng không ngừng và gặp muôn vàn gian nan. Trong đó, tìm được việc làm là một trong những yếu tố quan trọng có tác động đến hiệu quả phòng chống tái nghiện của người sau CNMT. Khi có công việc, người sau cai nghiện mới có thu nhập để duy trì và ổn định cuộc sống, khôi phục kỹ năng, nâng cao nhận thức về giá trị của lao động. Cũng như giảm thiểu thời gian nhàn rỗi và hạn chế tiếp xúc với những nguy cơ cao dẫn đến tái nghiện. Thế nhưng, tìm được việc làm đối với người đã có tiền án, tiền sự, người từng nghiện ma túy chưa bao giờ là dễ dàng.
Do đó, tạo cơ hội tìm kiếm việc làm cho người hoàn thành cai nghiện ma túy từ các cơ sở CNMT trở về cộng đồng luôn được Đảng, Nhà nước, tỉnh Thanh Hoá, Sở LĐTB&XH Thanh Hoá luôn quan tâm, giúp đỡ. Đây cũng là chủ trương, chính sách mang tính nhân văn và ý nghĩa thiết thực giúp học viên cai nghiện tiếp cận tốt nhất với các nguồn trợ giúp từ xã hội khi trở về cộng đồng. Về phía các cơ sở CNMT, bên cạnh việc điều trị nghiện còn tổ chức nhiều chương trình như dạy văn hóa, đào tạo nghề… cho học viên. Tạo môi trường xanh - sạch - đẹp trong cơ sở cai nghiện cũng là yếu tố giúp cho các đối tượng thấy thân thiện hơn, gắn bó hơn, và có trách nhiệm với bản thân hơn trong công tác cai nghiện ” – ông Lê Đăng Thanh nhấn mạnh.