THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 11:31

Cơ quan chức năng vào cuộc vụ chuỗi shop Con Cưng bị tố tráo nhãn mác sản phẩm

Trưa 22/7, Chi cục QLTT TPHCM đã phối hợp cùng Cục QLTT đồng loạt kiểm tra 3 cửa hàng Con Cưng trên đường Tôn Thất Tùng, Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1) và cửa hàng trên đường Hồng Bàng (quận 6). Lực lượng chức năng đã kiểm tra kỹ từng dòng sản phẩm quần áo, mỹ phẩm, thực phẩm, hóa mỹ phẩm… về nguồn gốc xuất xứ, tem nhãn, chứng từ có hợp lệ hay không. 

Lực lượng chức năng đang kiểm tra một shop thuộc hệ thống Con Cưng ở quận 1, TP.HCM

Tại cửa hàng trên đường Tôn Thất Tùng, ông Trần Hùng trực tiếp tham gia kiểm tra từng sản phẩm, sau đó đã đưa ra một số nhận định ban đầu xung quanh những nghi vấn, ví dụ như với một chiếc áo, ông nhận thấy tem nhãn không rõ ràng, do đó cần phải xem xét kỹ để xác định có đúng xuất xứ hay không. Hay đối với sản phẩm kem thoa da, khi thấy sản phẩm được dán nhãn chồng lên thông tin nhà sản xuất trên bao bì, ông Hùng đã yêu cầu cán bộ QLTT rà soát, kiểm tra cho thật kỹ. 

Bước đầu, cơ quan chức năng nhận thấy có một số dấu hiệu nghi vấn cần tiếp tục làm rõ

Ông Hùng cho biết thêm, khi kiểm tra một sản phẩm áo, tuy có chữ Made in Thailand treo bên ngoài nhưng áo trong không có bất cứ nhãn mác gì thể hiện nguồn gốc. Thậm chí, có thông tin in trên áo chỉ cần giặt sẽ phai ngay. Bên ngoài có tem với chữ rất nhỏ sản xuất tại Thái Lan dán lên, gắn ở miếng nhựa không liên quan gì đến chiếc áo. Điều này “chứng tỏ “họ” (tức doanh nghiệp Thái Lan sở hữu thuong hiệu sản phẩm - PV) không chịu trách nhiệm gì về sản phẩm này. Về nguyên tắc là có dấu hiệu vi phạm”, ông Hùng phân tích. 

“Cục QLTT đã chỉ đạo Chi cục QLTT TP.HCM vào cuộc để xác minh, làm rõ sự việc nói trên. Nếu phát hiện vi phạm, sẽ xử lý nghiêm và triệt để”, ông Hùng nhấn mạnh khi trao đổi với báo giới tại TP.HCM. Ông khẳng định sẽ đấu tranh mạnh mẽ với các vi phạm tương tự như trường hợp Khai Silk hay Mumuso.

Nhiều sản phẩm bị nghi ngờ về nhãn mác

“Người kinh doanh đừng vì lợi ích, phải trung thực với chính sản phẩm của mình. Người tiêu dùng cũng nên tỉnh táo khi mua sắm, phát hiện các dấu hiệu lừa dối của doanh nghiệp để làm rõ”, ông Hùng nói.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng liên quan bao gồm hải quan, cơ quan quản lý xuất nhập khẩu, cơ quan cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, cơ quan đo lường chất lượng… không nên đổ lỗi cho nhau mà phải có biện pháp phối hợp đồng bộ để kiểm tra, kiểm soát, kịp thời đưa các vi phạm ra ánh sáng.

Trước đó, một khách hàng là anh Trương Đinh Công Vĩnh (phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM) đã gửi ý kiến khiếu nại của mình đến nhiều cơ quan, đơn vị về việc sản phẩm của chuỗi siêu thị Con Cưng có dấu hiệu tem nhãn bị cắt và thay thế bằng tem nhãn CF ghi xuất xứ là Made in Thailand.

Khi anh Vĩnh mang sản phẩm lỗi đến Con Cưng để làm rõ sự việc, phía công ty Con Cưng đã thu hồi sản phẩm lỗi của anh và các sản phẩm lỗi đang bán tại cửa hàng.

Con Cưng là một trong những hệ thống cửa hàng kinh doanh sản phẩm cho mẹ và bé có quy mô lớn nhất Việt Nam hiện nay

Trả lời báo chí, ông Lưu Anh Tiến, nhà sáng lập của Công ty CP Con Cưng, cho biết những lỗi được khách hàng chỉ ra là “do sai sót” của đối tác Thái Lan – doanh nghiệp gia công các sản phẩm may mặc với Con Cưng.

Chuỗi cửa hàng Con Cưng được thành lập từ năm 2011, tập trung chủ yếu ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Con Cưng hiện là chuỗi cửa hàng kinh doanh sản phẩm cho  mẹ và bé có quy mô lớn trên thị trường với 318 cơ sở trên toàn quốc, bao gồm 288 siêu thị với thương hiệu Con Cưng và 30 cửa hàng ToyCity.

VIỆT HÙNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh