THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:23

Có những lời ru tự thức

 

Một thiếu phụ đã dốc toàn bộ vốn liếng tâm hồn cho tình yêu và luôn khát khao vĩnh cửu hóa tình yêu, nhưng hồ như khát vọng đó đã trở thành hư huyễn, vô vọng. “Em muốn yêu anh hơn, chẳng được/ Em muốn hỏi anh, anh nói để làm gì/ Sau cuộc yêu anh trở về hóa đá/ Ánh tóc lóng lánh-bạch kim chiều”. (Bạch kim chiều).

Không gian, thời gian trong tập thơ của Ngọc Phương là sinh quyển của một miền khói sương ký ức, kỉ niệm. Giữa sa- mạc- đời, chị khắc khoải tìm lại những mảng màu kí ức để giải tỏa những cơn khát và định vị lại chính mình. Chiếc xe đẩy của người cha thuở ấu thời, người đã lau từng giọt buồn chảy dài trên đôi mắt ấu thơ của chị, và cả câu chuyện ngụ ngôn ngày đó còn đọng mãi những âm ba đong đầy ám ảnh trong tâm tư của người thiếu phụ làm thơ. “Con lớn theo chuyện cổ tích của cha/Giọng trầm ấm hát tu con thay mẹ/Cha đỡ tay mỗi khi con vấp ngã/ Lau nước mắt con bằng câu chuyện ngụ ngôn”. (Ký ức tuổi thơ).

 

Tập thơ Bạch kim chiều của Nguyễn Ngọc Phương, NXB Hội Nhà văn

Có lẽ địa hạt thi ca đã chọn Ngọc Phương như một định số, ở đó chị được ký thác bằng một thứ ngôn ngữ khác; cho dù gián cách đằng sau từng con chữ vẫn là nội cảm của một người phụ nữ đi đã trải qua nghiệm sinh nặng mang niềm hạnh phúc lẫn những mất mát, khổ đau. Thơ như chính con người chị: Chân mộc, chân tình, dấn thân và chấp nhận với từng ngọn phong ba rát bỏng của biển đời quất vỗ vào mình.

Mỗi bài thơ là một trang nhật ký bằng thơ- đứng dọc bờ thời gian níu gọi, làm sống lại thuở tinh khôi của tuổi thanh xuân, cho chị một bến đậu bình yên của tâm hồn mỗi khi cõi lòng chao nghiêng, hoang hoải giữa từng phen lận đận. “Hà Nội vào thu, anh đi xa/ Em ngơ ngác đợi đếm lá vàng/ Xếp lá vào rương ươm kỉ niệm/ Mấy mùa thu lại tiễn thu đi” (Cho một thời thu).


Nguyễn Ngọc Phương với những mảng màu của ký ức

Có lẽ đó là khoảnh khắc tịnh mặc nhất của tâm tư khi người thơ lặng lẽ suy niệm về thân phận, chìa tay tiễn lá thu rơi như tiễn tuổi mình xuôi về viễn phương… Không dừng lại ở đó, thơ của chị còn biết hóa thân, hoán vị vào từng kiếp sống để sẻ chia, để nhận ra sự mong manh, vô thường của đời sống.

Trong nghịch cảnh, khát vọng giải phóng bản thể, bản năng gốc của con người càng mãnh liệt. Ngọc Phương khoác chiếc khăn trùm của người phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ để cộng cảm với niềm ước mơ tháo bỏ những định kiến tôn giáo khắc kỉ ở xứ người, nhất là đối với nữ giới. Một khát vọng muôn thuở của nhân loại. “Đôi mắt ướt mở to làn mi rợp/ Như giếng đen sâu thẳm giấu bao điều/ Những luật lệ, những điều cấm kị/ Bỗng rơi nhanh xuống đất dưới chân(Người đàn bà Turkye).

Có một nhà thơ nổi tiếng từng nói: Thơ là tuổi thơ của loài người còn sót lại. Tập thơ “Bạch kim chiều” của Ngọc Phương có sở nguyện làm một  tấm vé để trở về với miền tuổi thơ ấy. Và với chị, hành trình ấy cũng mới chỉ bắt đầu.

Bảo Trung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh