Có nên giảm thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu?
- Bài thuốc hay
- 16:43 - 01/12/2017
Liên quan đến ý kiến của đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) về việc có thể điều chỉnh thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 10, 15 năm, nhiều ý kiến cho rằng thoạt nghe tưởng có lợi cho người lao động (NLĐ) nhưng nếu phân tích đầy đủ các góc độ thì thấy vấn đề hoàn toàn không đơn giản.
"Sẽ suy nghĩ lại"
Chị Nguyễn Thị Ngọc Huyền (Công ty FAPV, KCX Tân Thuận, TP HCM) cho biết đồng nghiệp của chị làm việc tại các KCX-KCN TP HCM hầu như không có ai được lương hưu. Hơn 70% công nhân (CN) làm việc tại các KCX-KCN TP là lao động ngoại tỉnh, chỉ gắn bó với doanh nghiệp (DN) một thời gian ngắn (7 đến 10 năm) rồi về quê sinh sống. Do vậy, tâm lý chung của CN là muốn lãnh "một cục" để có một số vốn về quê làm ăn. "Tôi vào TP HCM làm việc 10 năm và từng có ý định "cày" thêm vài năm nữa rồi nghỉ việc để nhận trợ cấp một lần, sau đó về quê mở một tiệm tạp hóa sinh sống. Nói thật, CN ít ai có kiên nhẫn làm đủ 20 năm để lãnh lương hưu. Nhưng nếu rút ngắn thời gian đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu xuống còn 15 năm, có thể tôi sẽ suy nghĩ lại".
Công nhân trực tiếp sản xuất tuổi nghề rất ngắn, khó đóng BHXH để hưởng lương hưu. Ảnh: VĨNH TÙNG
Người lao động làm thủ tục BHXH tại BHXH TP HCM Ảnh: MAI CHI
Có lương hưu để ổn định cuộc sống khi về già luôn là mong mỏi của CN nhưng không phải ai cũng có đủ điều kiện "đi đến đích". Chị Đinh Thị Hồng Ngọc (Công ty TNHH SC Hoàng Gia Việt Nam) cho rằng đây là đề xuất hợp lý. "Nên đưa ra 3 thời hạn: 10 năm, 15 năm, 20 năm cho NLĐ lựa chọn song song với chính sách chi trả một lần. Thực tế có tình trạng NLĐ không làm việc, đóng BHXH đủ 20 năm, có người chỉ làm khoảng 10 đến 15 năm là nghỉ để làm công việc tự do và không tiếp tục tham gia BHXH nữa. Nếu thay đổi quy định, rút ngắn thời gian đóng BHXH tối thiểu để được nhận lương hưu khi đủ tuổi thì chắc chắn sẽ có nhiều người được hưởng" - chị Ngọc chia sẻ.
Phải tính toán kỹ
Đồng tình nhưng thận trọng là ý kiến của nhiều cán bộ Công đoàn (CĐ). Ông Nguyễn Văn Phê, Chủ tịch CĐ Công ty Domex (KCX Linh Trung I, TP HCM), cho rằng có một thực tế là số lượng CN đủ điều kiện hưởng lương hưu rất thấp. Ngoài nguyên nhân khách quan thì nguyên nhân chính khiến NLĐ không thể hưởng lương hưu là số năm đóng BHXH tối thiểu để đủ điều kiện hưởng lương hưu quá dài (20 năm) trong khi tuổi nghề của họ lại ngắn. Đề xuất giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu sẽ là giải pháp tốt để CN tiếp cận với chính sách an sinh xã hội này. Tuy nhiên, vẫn phải tính toán kỹ, nếu không thì NLĐ khi nhận lương hưu với tỉ lệ thấp sẽ sống dưới mức nghèo khó.
Đồng tình với nhận định trên, ông Huỳnh Tuấn Kiệt, Chủ tịch CĐ Công ty Vĩ Châu (quận 7, TP HCM), nêu hiện tượng khoảng 70%-80% lao động nữ trên 35 tuổi tự bỏ việc hoặc chấm dứt hợp đồng khi hết hạn… "Lương không đủ sống, nền lương đóng BHXH thấp thì chắc chắn kéo theo lương hưu thấp nên NLĐ chọn giải pháp "nhận một cục" là điều dễ hiểu. Vì vậy, việc điều chỉnh thời gian tối thiểu đóng BHXH cho NLĐ là cần thiết. Tuy nhiên, phải tính toán thế nào chứ nếu như hiện nay, đóng BHXH 20 năm hưởng lương hưu đã thấp; giờ giảm còn 10 năm, 15 năm thì chắc chắn lương hưu sẽ càng thấp hơn" - ông Kiệt bày tỏ.
Là chuyên viên nghiên cứu thị trường, ông Lưu Thanh Hưng cho biết khi thực hiện khảo sát về tiêu dùng với nhiều NLĐ, ông thấy còn nhiều bất cập trong việc đóng BHXH và hưởng lương hưu khiến NLĐ không hào hứng tham gia. Do vậy, để thu hút, mở rộng đối tượng tham gia BHXH thì cần thực hiện nhiều giải pháp khác như cải cách thủ tục, tăng các phúc lợi đi kèm chứ không chỉ là giảm thời gian đóng BHXH. "Nhiều DN đóng BHXH theo mức lương cơ bản rất thấp, nếu rút ngắn thời gian dẫn đến mức lương hưu còn quá ít thì không còn ý nghĩa gì. Vậy rút ngắn thời gian mà vẫn bảo đảm lương hưu tương đối thì phải tăng số tiền đóng BHXH hằng tháng. Khoản tăng này chia sẻ như thế nào giữa DN và NLĐ? Ngay với mức đóng hiện nay, nhiều DN còn né tránh huống chi tăng thêm?’ - ông Hưng băn khoăn.
Phải có "cơ chế" để người lao động lựa chọn
Suy nghĩ thật kỹ trước vấn đề giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu khi đủ tuổi từ 20 năm xuống 10 hoặc 15 năm mà chúng tôi đặt ra, bà Nguyễn Thị Thanh Tuyền, CN Công ty TNHH M.R.G (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), lắc đầu: "Không đơn giản đâu. Tôi năm nay 37 tuổi, đóng BHXH được 11 năm. Vừa rồi, tôi bị công ty cho nghỉ việc. Sau khi mất việc, tôi nộp hồ sơ nhiều nơi nhưng không được tuyển dụng vì lớn tuổi, đành phải xin làm thời vụ, không được tham gia BHXH. Nếu điều chỉnh thời gian tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 10 năm thì trường hợp của tôi sẽ được hưởng lương hưu khi đủ tuổi. Mới nghe thì tưởng có lợi nhưng tính kỹ lại thì không phải vậy".
Bà Tuyền cho rằng nếu giảm thời gian đóng BHXH xuống còn 10 năm thì với 11 năm đóng BHXH, bà sẽ không được hưởng BHXH một lần mà phải chờ để hưởng lương hưu. Nhưng với mức lương đóng BHXH cuối cùng hơn 4 triệu đồng thì sau 18 năm nữa (trường hợp tuổi hưu không thay đổi), mức lương hưu mà bà nhận được không biết có đủ mua một tô phở? "Tôi cho rằng sự thay đổi này nếu được thông qua sẽ chỉ siết lại việc hưởng BHXH một lần của những người đóng BHXH trên 10 năm hay 15 năm chứ chưa phải là giải pháp để hấp dẫn NLĐ tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí" - bà Tuyền nhìn nhận.
Ở góc độ của một chuyên gia pháp luật lao động, ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung trâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM, cho rằng vấn đề điều chỉnh thời gian tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm hay 10 năm cần phải xem xét thấu đáo, cần thiết phải có cuộc khảo sát rộng rãi từ phía NLĐ. Bởi nếu giảm thời gian tối thiểu xuống thì tất yếu tỉ lệ tính lương hưu được hưởng cũng sẽ giảm tương ứng (hiện nay tỉ lệ lương hưu được hưởng là 45% cho 15 năm đóng, như vậy khi giảm xuống 10 năm đóng, tỉ lệ lương hưu được hưởng có thể chỉ có 30%). Với tỉ lệ lương hưu thấp như vậy, không thể bảo đảm cuộc sống đối với những người có số năm đóng thấp (10 năm), từ đó cũng không hấp dẫn được đối tượng tham gia.
Đối với những người chỉ mới đóng BHXH được 10 năm hoặc 15 năm (trong khi tuổi đời còn trẻ) nhưng sau đó không có điều kiện tham gia tiếp BHXH sẽ phải chờ có khi đến 20-30 năm sau mới được hưởng lương hưu. Đó là khoảng thời gian chờ đợi quá dài, cộng với sự mất giá của đồng tiền sẽ không đủ sức hút để NLĐ kiên nhẫn chờ đến cùng.
Một vấn đề khác được đặt ra là nếu thực hiện theo giải pháp này thì có điều chỉnh các điều kiện hưởng chế độ BHXH một lần cho tương ứng hay không? Nếu điều chỉnh điều kiện hưởng BHXH một lần theo hướng thời gian tham gia BHXH dưới 10 năm hoặc 15 năm thì sẽ ảnh hưởng đến quyền chủ động lựa chọn của người tham gia. Ông Triều bày tỏ: "Theo tôi, nên thiết kế chính sách BHXH theo chế độ ngắn hạn và dài hạn, có tính chất linh hoạt cao để NLĐ lựa chọn (kể cả được lựa chọn nhận trợ cấp một lần hoặc chờ hưởng lương hưu nếu chưa đóng đủ 20 năm BHXH)".
Đang tính toán tác động
Liên quan đến thông tin người tham gia BHXH, thay vì phải đóng BHXH 20 năm mới được hưởng lương hưu như hiện nay, Bộ LĐ-TB-XH sẽ xây dựng lộ trình điều chỉnh thời gian tối thiểu đóng BHXH từ 20 năm xuống 10, 15 năm để hưởng lương hưu, ông Phạm Trường Giang, Vụ trưởng Vụ BHXH - Bộ LĐ-TB-XH cho biết, quy định thời gian tham gia tối thiểu hưởng lương hưu 20 năm là quá dài. Do đó, theo định hướng phải giảm thời gian đóng BHXH để linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia BHXH. "Tuy nhiên, về lộ trình cụ thể của chính sách này, tỉ lệ đóng - hưởng ra sao, chúng tôi đang tính toán các tác động chi tiết, trước khi trình cụ thể vấn đề này" - ông Giang cho hay.
NLĐ sẽ hào hứng tham gia BHXH
Bà Đinh Thu Hiền, Phó Ban Thực hiện chính sách BHXH Việt Nam, cho rằng điều chỉnh thời gian tối thiểu để được hưởng lương hưu xuống 15 năm, 10 năm là có cơ sở. Thực tế, qua nghiên cứu và thăm dò ý kiến của các viện, tổ chức, có nhiều ý kiến cho rằng thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu tối thiểu 20 năm là quá dài. Hiện tỉ lệ tham gia BHXH mới đạt 24% lực lượng lao động, để thu hút NLĐ tham gia BHXH thì việc rút ngắn thời gian được hưởng xuống còn 10- 15 năm thay vì 20 năm cũng là phương án giúp thu hút lực lượng lao động tham gia BHXH. "Ai cũng biết nếu đóng BHXH trong thời gian ngắn sẽ hưởng mức lương thấp hơn nhưng nếu thời gian là 10 năm thì họ sẽ hào hứng hơn. Dĩ nhiên, chúng ta phải làm thế nào cho chính sách hấp dẫn và có thể chế chặt chẽ để khi người ta đã tham gia rồi thì không ai muốn dừng lại ở 10 năm mà sẽ tiếp tục tham gia đến khi nghỉ hưu. Ngoài ra, nếu rút ngắn thời gian này thì những người có khi đến 40-50 tuổi mới đóng BHXH thì vẫn đủ điều kiện hưởng lương hưu" - bà Hiền nói.
Sẽ tạo gánh nặng cho quỹ lương hưu
Theo luật sư Hồ Nguyên Lễ (Đoàn Luật sư TP HCM), lương hưu là khoản thu nhập của NLĐ sau khi hết tuổi lao động, là chỗ dựa quan trọng cho NLĐ khi về già. Lương hưu được tích lũy trong quá trình lao động, nếu tỉ lệ đóng BHXH càng cao thì mức lương hưu cũng cao tương ứng. Nếu thời gian đóng BHXH ngắn thì mức lương hưu cũng thấp tương ứng. Hiện nay, thời gian đóng BHXH đủ để hưởng lương hưu là 20 năm. Điều kiện tuổi để hưởng lương hưu là 60 đối với nam và 55 đối với nữ (điều kiện lao động bình thường). Thời gian bắt đầu tham gia BHXH để đủ 20 năm hưởng lương hưu thì nam chậm nhất là năm 40 tuổi, nữ 35 tuổi. Nếu bây giờ hạ thời gian còn 10 hoặc 15 năm đóng BHXH đủ để hưởng lương hưu thì nam 50 tuổi, nữ 45 tuổi mới bắt đầu tham gia BHXH thì chỉ sau 10 hoặc 15 năm là được hưởng lương hưu sẽ tạo thêm gánh nặng cho quỹ lương hưu, đồng thời mức lương hưu cũng sẽ thấp, không giúp người hưởng lương hưu đủ sống. Việc này cũng tạo sự ỷ lại của NLĐ khi không quan tâm đến thời gian tham gia BHXH để có chế độ hưu trí. Do đó, quy định thời hạn tối thiểu 20 năm tham gia BHXH để hưởng lương hưu là phù hợp.
Ồ ạt giám định sức khỏe để "chạy" hưu non
Theo quy định của Luật BHXH năm 2014 thì những NLĐ nghỉ việc hưởng lương hưu từ ngày 1/1/2018 trở đi sẽ có sự thay đổi trong cách tính tỉ lệ hưởng lương hưu theo hướng tăng thời gian đóng BHXH để đạt được tỉ lệ hưởng tối đa 75% từ 30 năm lên 35 năm đối với nam và từ 25 năm lên 30 năm đối với nữ. Quy định này được cho rằng tác động không nhỏ đến quyền lợi của NLĐ khi thời điểm ngày 1/1/2018 đang đến gần.
Bác sĩ Dương Đức Hùng, Viện trưởng Viện Giám định y khoa trung ương (thuộc Bộ Y tế), cho biết thời gian gần đây, số trường hợp đến viện để giám định sức khỏe tăng đột biến, đến 300% so với cùng thời điểm năm 2016. Nhóm đối tượng đi giám định sức khỏe nhiều nhất là người sắp đến thời điểm nghỉ hưu. Ông Hùng cho rằng nguyên nhân có thể do NLĐ sợ thiệt thòi khi nghỉ hưu sau ngày 1/1/2018 nên cố gắng xin được "mất sức". Có những thời điểm viện tiếp nhận tới 40 người lao động ở Hải Phòng được đưa lên trong cùng một chuyến xe. Tuy nhiên, theo bác sĩ Hùng, để được cấp giấy chứng nhận không còn đủ điều kiện tiếp tục lao động, cần phải theo một quy trình khám tổng quát, sàng lọc kỹ lưỡng nên không phải ai muốn "mất sức" cũng được.
Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cho rằng việc này cũng không có gì lạ bởi NLĐ tính toán nếu thấy có lợi thì họ sẽ nghỉ hưu non. Cùng suy nghĩ, ông Nguyễn Duy Cường, Vụ phó Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB-XH), thừa nhận khi thời gian áp dụng cách tính lương hưu mới cận kề thì việc nhiều người "chạy" thủ tục để kịp về hưu trước thời điểm 1-1-2018 cũng là điều dễ hiểu. "Bởi cũng là phụ nữ có cùng số năm công tác là 25 năm, chỉ chênh nhau một ngày đã bị mất 10% lương hưu. Điều này không có lợi, thậm chí là bất công cho nhiều chị em" - ông Cường nói.
Cũng theo ông Cường, bộ đã báo cáo Chính phủ và Thường trực Chính phủ. Vấn đề này được quy định trong Luật BHXH nên điều chỉnh là thẩm quyền của Quốc hội. Hiện nay, Chính phủ đang báo cáo Quốc hội về nội dung này. Phương án thế nào thì vẫn phải chờ Quốc hội quyết định. N.Dung