CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:28

Có một dòng tranh từ hạt gạo

Sáng tạo để yêu quê hương

Chỉ một lần nhìn thấy tranh gạo trên mạng mà Nguyễn Thị Tuyết Phượng ở thị trấn Minh Lương (huyện Châu Thành, Kiên Giang) quyết tâm theo đuổi công việc tỉ mỉ mà cũng dày công, là tự làm những bức tranh từ hạt gạo. Phượng chia sẻ: “Lúc nhìn thấy tranh, tôi đã rất ấn tượng. Tôi nghĩ, tại sao người ta có thể làm được và làm để làm gì? Rồi tôi tìm hiểu và được biết đó là cách thể hiện tình yêu quê hương, thiên nhiên. Tranh gạo thể hiện sự mới lạ, độc đáo được làm từ nguyên liệu sẵn có trong tự nhiên, thân thiện với môi trường”.

Từ đó, Phượng mày mò học cách làm tranh từ hạt gạo. Sau nhiều lần thất bại, bức tranh gạo đầu tay với chủ đề “Quê hương” được làm trên bìa giấy cứng, lồng trong khung kính đã hoàn thành. Ngắm thành quả đầu tiên sau bao lần thất bại, chị mừng rơi nước mắt. Phượng nghĩ mình đã có thêm nghề để thêm thu nhập. Chị tỉ mỉ làm và đúc kết kinh nghiệm để các bức tranh ngày càng mang giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật cao, tạo điểm nhấn, kích thích thị hiếu khách hàng.

Chị Tuyết Phượng hướng dẫn bé Lâm Yến Nhi sáng tác tranh gạo.    Ảnh: Trương Anh Sáng

Chị Tuyết Phượng hướng dẫn bé Lâm Yến Nhi sáng tác tranh gạo. Ảnh: Trương Anh Sáng

Để tạo nên bức tranh mang tính nghệ thuật, người làm tranh phải phác thảo nội dung trên tấm gỗ rồi bôi keo và xếp đặt hạt gạo rang lên theo ý tưởng. Tùy chủ đề sẽ chọn tông màu rồi tỉ mỉ đặt từng hạt gạo vào bức tranh sao cho có hồn, có chiều sâu, thể hiện được ý tưởng của tác giả.

Khác với những thể loại tranh vẽ, nguyên liệu để làm tranh gạo không được nhuộm hay tô vẽ. Màu sắc ấy được tạo ra khi đem rang hạt gạo. Phượng đã nghiên cứu thêm cách tạo hình cũng như tạo ra nhiều màu sắc chỉ bằng kỹ thuật rang. Tùy theo nhiệt độ và thời gian sẽ cho ra những sắc độ màu khác nhau. Gạo có thể rang được hơn 20 sắc độ màu từ trắng, vàng nhạt, cam, nâu đất, cánh gián, đen...

Với mong muốn quảng bá “hạt ngọc” quê hương miền gạo trắng nước trong Cần Thơ, anh Khưu Tấn Bửu, Bí thư Chi đoàn khu vực 1, phường Cái Khế (quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ) đã dành nhiều thời gian và tâm huyết để sáng tạo nên những bức tranh gạo đầy màu sắc, thổi hồn và nâng tầm giá trị cho những tác phẩm nghệ thuật. Tháng 11/2020, UBND TP. Cần Thơ đã chứng nhận sản phẩm tranh gạo của Bửu xếp hạng 4 sao trong chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP).

Bửu cho biết, từ khi học phổ thông (năm 14 tuổi), anh đã tự gắn các hạt gạo thành những bức tranh nhỏ để tặng người thân và bè bạn. Được mọi người khen, Bửu làm nhiều tranh hơn, đồng thời tìm hiểu tài liệu về cách phối màu và cách xử lý để chống ẩm mốc cho hạt gạo. “Muốn tranh đẹp thì phải tạo màu sắc đa dạng cho gạo để khi ghép vào, bức tranh thể hiện được cái hồn của nhân vật, phong cảnh, tạo ấn tượng thị giác người xem”, Bửu chia sẻ.

Khi là sinh viên ngành tài chính ngân hàng, Bửu cũng không ngừng truyền cảm hứng đến bạn bè về dòng tranh này. Bửu cho hay: “Số lượng gạo dùng để gắn lên tranh không nhiều, nhưng khi ghép thành một bức tranh hoàn chỉnh thì giá trị của những hạt gạo ít ỏi đó sẽ được nâng lên gấp nhiều lần”.

Thời gian đầu khi mới bắt tay vào làm, một số người cho rằng, việc đó thật vô nghĩa. Nhưng chỉ đến khi anh bán được một số tác phẩm qua mạng, mọi người mới thấy, việc làm của Bửu không hề vô nghĩa. Năm 2016, Bửu quyết định khởi nghiệp làm tranh gạo với số vốn gần 100 triệu đồng. Năm 2017, anh đã thành công trong công đoạn canh lửa cho ra 32 cấp độ màu gạo rang; đồng thời, theo thị hiếu khách hàng, anh cũng tiến hành nhuộm màu cho hạt gạo bằng nước của các loại rau củ tự nhiên, để cho ra đời 120 cấp độ màu khác nhau.

Khưu Tấn Bửu sáng tạo tranh gạo.

Khưu Tấn Bửu sáng tạo tranh gạo.

Mong muốn thương hiệu vươn xa

Hiện tranh gạo vẫn chưa nhận được sự đánh giá của giới chuyên môn, song với những người sáng tạo, họ cho rằng đây là dòng tranh có đời sống riêng, gắn với văn hóa lúa nước, gần gũi với người nông dân. Người dân có thể có nhiều cách sáng tạo khác nhau để giúp giá trị từ hạt gạo Việt lan tỏa hơn trong đời sống. Đó cũng là cách mà Khưu Tấn Bửu đã làm. Năm 2018, Bửu đã nghiên cứu đưa hạt gạo lên túi xách, móc khóa để khách nước ngoài có những sản phẩm nhỏ gọn có thể mang đi khắp nơi, cũng là cách quảng bá hình ảnh quê hương Cần Thơ.

Ở Sóc Sơn (Hà Nội) chị Nguyễn Thị Vân (sinh năm 1978), giáo viên trường mầm non Phù Lỗ (xã Phù Lỗ), luôn cháy bỏng đam mê với những bức tranh được làm từ gạo. Năm 2015, chị Vân thực hiện bức tranh gạo đầu tiên - bức thư pháp chữ “Tâm” cho trường để đấu giá lấy kinh phí làm từ thiện. Năm 2016, chị Vân cùng chồng mở xưởng sản xuất và chính thức đưa sản phẩm tranh gạo ra thị trường, tạo việc làm cho 11 người. Hiện, mỗi tháng, xưởng tranh gạo của chị sản xuất từ 170 - 200 bức tranh lớn, nhỏ. Chủ đề gồm chân dung, phong cảnh quê hương, danh lam thắng cảnh nổi tiếng (hồ Gươm, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chùa Một Cột); tranh chữ Phúc, Lộc, Thọ, Tài, Tâm, Đức... Tranh gạo của chị Vân không chỉ phong phú về đề tài mà còn có nhiều lựa chọn về mức giá; có những bức chỉ vài trăm nghìn đồng, nhưng có những bức giá hàng chục triệu đồng. Nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị đặt mua tranh gạo của chị Vân làm quà tặng cho đối tác nước ngoài. Việc này đã góp phần quảng bá hình ảnh, nét đẹp văn hóa của Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng đến với bạn bè quốc tế. Mới đây, chị Vân đã đưa 4 sản phẩm tranh gạo dự thi đánh giá, phân hạng Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của TP. Hà Nội năm 2021 và được đánh giá cao.

Vẻ đẹp tranh gạo.

Vẻ đẹp tranh gạo.

Ông Nguyễn Tất Chiến ở thôn Đồng Nanh, xã Tiên Phương (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) cũng dấn thân làm những bức tranh chất liệu gạo độc đáo, đẹp mắt, có hồn. “Năm 2004, khi đang làm việc ở TP. Hồ Chí Minh, một lần tình cờ tôi nghe nói đến tranh làm từ gạo rang, trong tôi đã nảy ra nhiều ý tưởng từ nguồn nguyên liệu thân thuộc mà quý giá này”, ông Chiến bày tỏ.

Trên thị trường đã có các loại tranh chất liệu như tranh ghép gỗ, sơn dầu, nhiều người cũng thể hiện những chất liệu mới như đá quý, vỏ sò, ốc… Còn ông Chiến quyết tâm sáng tạo chất liệu gạo vì nước mình có sản lượng gạo xuất khẩu vào hàng nhất, nhì thế giới. Việc ứng dụng gạo làm tranh vừa tôn vinh sản phẩm nông nghiệp của đất nước, vừa là sự sáng tạo trong nghệ thuật.

Hiện, nhiều bạn trẻ đã tận dụng sự tiện lợi của công nghệ, qua kênh facebook, youtube để giới thiệu sản phẩm tranh gạo. Ngoài sáng tạo mẫu mã, tạo ra những bức tranh có hồn, những người làm tranh gạo còn sáng tạo thêm nhiều đề tài khác nhau, gần gũi và đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Nói về cách làm tranh gạo, nghệ nhân Dương Hữu Cường, người đã có hơn 10 năm trong nghề chia sẻ: “Làm tranh gạo không khó, nhưng để có được một bức tranh gạo đẹp, có hồn thì ngoài sự tỉ mỉ trong từng công đoạn đòi hỏi người nghệ nhân phải đam mê và tình cảm của mình vào tác phẩm. Đó là cách tạo dựng thương hiệu bền vững, góp phần làm phong phú và phát triển dòng tranh gạo”. 

Trung Hiếu

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh