“Cò”… khởi nghiệp – tại sao không?
- Huyệt vị
- 13:43 - 09/05/2019
Có một trong nhiều lý do, là sau thời gian “tăng trưởng nóng” với hàng loạt ý tưởng thúc đẩy khởi nghiệp nhằm biến Việt Nam trở thành “đất nước khởi nghiệp”, hiện chất lượng khởi nghiệp ở nước ta vẫn bị đánh giá rất thấp so với mặt bằng chung của toàn cầu.
Phong trào khởi nghiệp đã thu hút đông đảo người trẻ tham gia
Được biết, hiện trên cả nước đã có hàng nghìn doanh nghiệp, 50 cơ sở ươm tạo và tổ chức thúc đẩy kinh doanh, hình thành thêm nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm của các tập đoàn lớn trong nước; chất lượng và số lượng đơn vị đầu tư các startup có xu hướng tăng mạnh trong năm 2018 với tổng số vốn đầu tư 889 triệu USD, tăng ba lần so với năm 2017.
Theo nhiều chuyên gia, khởi nghiệp gắn liền với sáng tạo, phát triển trên nền tảng sáng tạo để cho ra những mô hình kinh doanh mới. Đó là những mô hình chưa từng hiện diện trong hoạt động kinh tế từ trước tới giờ, được đánh giá là có khả năng tạo ra dịch vụ, sản phẩm mới hoặc phương thức mới, có khả năng nhân rộng trong thực tiễn. Bản chất của mô hình mới này không dựa trên giá rẻ, thâm dụng lao động, mà phải dựa trên tài sản trí tuệ, công nghệ mới – tức khẳng định được tính mới, tính sáng tạo và khả năng áp dụng công nghệ.
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung Ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận xét, hệ sinh thái khởi nghiệp của chúng ta hiện đang thiếu rất nhiều, tạo ra những rào cản đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, khởi nghiệp ở Việt Nam cũng đang “đói” vốn trầm trọng. Bởi các nhà đầu tư “cá mập” thì thường hướng tới lợi nhuận và khả năng thoái vốn thành công, nên không phải startup nào cũng có khả năng gọi vốn, khi trong phương án kinh doanh chưa cho thấy rõ, chắc chắn khả năng sinh lợi nhuận. Bên cạnh đó, việc xác lập mối quan hệ với các cơ quan quản lý cũng gặp nhiều vướng mắc, trong khi hầu hết các startup đều phải tự “bơi”, và đã có không ít người đã… chết đuối giữa “biển” hồ sơ thủ tục, quy trình, quy định…!
Giới khởi nghiệp cần có sự hỗ trợ thiết thực từ những nhà đầu tư và chuyên gia có nhiều kinh nghiệm
Chính vì thế, đã có những ý kiến đề xuất nên có sự hiện diện của “cò”… khởi nghiệp – hay đúng hơn là những trung gian, môi giới hỗ trợ cho các startup. Cũng giống như “cò” bất động sản, “cò” khởi nghiệp đóng vai trò trung gian, môi giới giữa các startup với các nhà đầu tư “cá mập”, để hai bên có thể tìm thấy nhau và kết nối với nhau. Nhưng quan trọng hơn, họ còn đóng vai trò trung gian để hỗ trợ giải quyết các thủ tục, hồ sơ cho các startup, đồng thời có khả năng tư vấn cho các startup để xử lý nhiều vấn đề khó khăn, quan trọng.
Để làm được việc này, những “cò” khởi nghiệp không chỉ cần phải có mối quan hệ rộng, am tường về chính sách, pháp luật, mà còn phải có kiến thức về đầu tư, kinh doanh. Tức, họ phải là những người “rất giỏi”, làm việc hết sức chuyên nghiệp, có trình độ chuyên môn cao, chứ không phải đơn thuần “buôn nước bọt ăn tiền” như các loại “cò” theo cách hiểu thông thường của người dân.
Theo nhu cầu thực tế, rất có thể trong thời gian tới sẽ xuất hiện thêm một nghề mới - một dạng “nhân sự cao cấp” đòi hỏi chất lượng và uy tín, mà không phải ai cũng làm được. “Cò” khởi nghiệp với những tiêu chí như vừa nêu thực sự cần thiết để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, biến Việt Nam trở thành “quốc gia khởi nghiệp” đúng nghĩa.