THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:36

Cố hương xa vời

1. Nhớ lại năm 1958, một chàng trai trắng trẻo hiền lành vào nhà tôi chơi. Chẳng cần hỏi cũng biết anh là người Quảng Nam. Anh bảo đi bộ đội rất sớm, đánh trận liên miên, định về thăm nhà thì có lệnh tập kết ra Bắc, bây giờ ở quê không biết ai còn, ai mất. Nghe thấy thế, ba má tôi rất thương vì cùng cảnh xa quê và anh đã trở thành con nuôi của gia đình. Anh là Phạm Văn Thảo.

Một hôm anh đưa chị Ngà về giới thiệu với ba má là người yêu. Má rất vui và giục: “Cưới lẹ đi con, mày cũng bộn tuổi rồi còn gì”. Anh điềm tĩnh thưa: “Không kịp đâu, con đã nhận quyết định đi B gấp rồi”. Chị Ngà thoáng buồn mắt ngấn lệ. Anh ngồi xích lại cầm tay chị, giọng xúc động: “Con vào trong đó chỉ 2 năm sau ra Bắc, chúng con cưới cũng không muộn”. Rồi anh âu yếm ôm vai chị: “Từ nay anh gửi em cho ba má rồi nhé!”.

Từ ngày anh tạm biệt đất Bắc vào Nam chiến đấu, không một lá thư, không lời nhắn gửi. Một buổi chiều chị Ngà xuất hiện. Cả nhà rất vui vì nghĩ rằng chị sẽ có thông tin về anh. Nước mắt lưng tròng, chị nức nở: “ Bốn năm qua con không có tin tức gì của anh ấy…”. Rồi chị ở lại nhà tôi một đêm. Lúc chia tay, má ôm chị vào lòng và khuyên: “Chờ nó như thế là giỏi rồi, con gái có thì, gặp ai thương thì kết luôn nghe con”. Sáng đó chị lầm lũi ra đi. Không hiểu vì sao trời đang nắng lại đổ mưa tầm tã.

2. Mùa thu năm 1965, giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc. Cả nhà tôi rời thị xã Bắc Giang đi sơ tán lên vùng đất Tân Yên cách đó gần 20km.

Đã 8 năm trôi qua, thỉnh thoảng trong bữa cơm má vẫn nhắc tới anh. Ba im lặng, nhưng trong lòng vẫn đau đáu hình bóng đứa con nuôi chẳng khác gì con đẻ, hiền lành, ít nói.

Hôm ấy là tháng 5. Mới vào hè mà trời đã oi ả. Đi chợ về, vượt qua hai con dốc, má dừng chân nghỉ. Nhìn xuống phía dưới một người đàn ông đầu đội nón rách, chân đi dép cao su mòn vẹt, tay cầm roi lùa đàn bò. Gương mặt xanh xao, chiếc áo bộ đội bạc màu sũng mồ hôi. “Dáng điệu thật giống thằng Thảo, nhưng nó là bộ đội đặc công đi B đã 8 năm rồi, sao bây giờ lại đi chăn bò? Chẳng lẽ nó bị kỷ luật, không dám báo tin về nhà?’’. Má thoảng chút hồ nghi, cũng là lúc người đàn ông ấy lên đến đỉnh dốc. Anh bỏ nón ra quạt. Má không giữ được bình tĩnh, đứng dậy thốt lên: “Thảo đấy phải không con?”. Anh mặc kệ đàn bò đang chạy tứ tung, nhào tới ôm chầm lấy má. Hai má con mừng mừng tủi tủi.

Vợ chồng cựu chiến binh Phạm Văn Thảo (thuở ông còn sống).

Vợ chồng cựu chiến binh Phạm Văn Thảo (thuở ông còn sống).

Trưa đó anh ghé lại nhà ăn cơm, kể lại hành trình đi tìm ba má sau 5 năm bị thương từ chiến trường miền Nam ra: Đến cơ quan ba, không một bóng người. Về ngôi nhà cũ thân quen bên hồ, chỉ còn vườn không nhà trống… buồn bã, thất vọng, trời tối mịt mới quay về trại điều dưỡng ở Hải Dương.

Ba năm sau anh lấy vợ. Chị là nữ thanh niên xung phong làm đường và đã có 2 đứa con. Cu Thanh, đứa thứ 2 mới 4 tháng tuổi, mẹ phải địu theo khắp các cung đường phía Bắc, trong lúc anh vẫn ở trại điều dưỡng. Đàn bò này là đơn vị cử đi mua để về cải thiện đời sống cho anh em. Thương anh, má nài nỉ: “Nghỉ lại một đêm để lấy sức mai còn lùa đàn bò về Hải Dương ngót trăm cây số, đường còn xa lắm con!”. Nhưng anh quả quyết: “Đây là tài sản lớn, đơn vị đã tin tưởng, cử con đi mua, về sai hẹn sẽ bị kỷ luật”.

Thương vợ chồng anh lận đận, ba đã tìm mọi cách đưa cả nhà về đoàn tụ ở Tân Yên. Hợp tác xã sẵn sàng chia sẻ khó khăn với gia đình cựu chiến binh này. Họ đã cất một căn nhà và cấp mấy sào ruộng để anh chị an cư lạc nghiệp. 5 đứa con xinh xắn, nhà đầy ắp tiếng cười, không chỉ anh chị vui, mà ba má cũng thấy yên lòng.

3. Năm 1975, thống nhất đất nước, anh theo ba về Quảng Ngãi. Đến Đà Nẵng, ba bảo anh hãy về Quảng Nam xem tình hình thế nào, nếu được đưa vợ con vào luôn, không gì bằng quê hương ruột thịt. Anh đi có nửa ngày rồi quay lại. Ba ngạc nhiên hỏi, anh buông một câu gọn lỏn: “Chết hết rồi!”. Ba tin anh nói thật. Vì Quảng Nam là đất “trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ”.

Chỉ có anh Hai tôi là tinh ý. Gặng hỏi, anh mới giãi bày: Khi đến đầu làng, thấy có rất nhiều thanh niên đứng ngồi lố nhố, nét mặt bặm trợn. Hình như họ là những người làm việc trong chính quyền ngụy cũ, đang phải tập trung chuẩn bị đi cải tạo. Một cậu thanh niên, anh nhìn thấy rất quen, có thể là họ hàng, nhưng xa quê lâu ngày nên không biết con cái nhà ai. Nó nhìn anh chằm chằm rồi nói rất to như để mọi người cùng nghe: “Tưởng đi tập kết ra Bắc đem cục tiền bự về xây dựng quê hương, ai dè chỉ trên răng dưới cắc tút!”.

Câu nói đó khiến anh tức nghẹn cổ. Là lính đặc công, máu trong người như sôi lên. Anh chỉ muốn xông tới táng cho thằng đó vỡ mồm. Nhưng anh đã kiềm chế được, quay gót đi ngay.

Một lần nữa, anh âm thầm rời quê hương. Bước chân trĩu nặng. Bỏ lại quê nhà với tháp Mỹ Sơn trầm mặc, nơi anh đã cùng lũ bạn lên bắt chim. Bỏ lại núi rừng Trà My, Tiên Phước, Núi Thành, nơi anh đã chiến đấu sống chết với quân thù…

Câu nói của cậu thanh niên ngày nào có lẽ đã làm anh đau mãi. Một con người hiền lành, chẳng màng tới tiền bạc, quyền lợi cho riêng mình. Mặc dù anh thừa sức được cấp thẻ thương binh, được xét tặng Huân chương cao quý. Ngay cả những tài sản có giá trị đã gửi Ban thống nhất Trung ương trước khi vào Nam chiến đấu năm 1960, anh thản nhiên bảo “Không cần thiết, thủ tục rắc rối!”.

Bao nhiêu năm sống yên ổn bên vợ, con, chưa bao giờ anh nhắc tới quê hương bản quán. Tân Yên bây giờ là quê hương thân thiết nhất của anh. Ở đây anh có Hội cựu chiến binh gắn bó đồng cảm như những ngày vào sinh ra tử, có hàng xóm láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau và đàn con cháu đông vui quây quần.

4. Một đêm đang ngủ, thì điện thoại reo. “Có lẽ là hung tin nên mới gọi muộn thế này”, tôi thoáng nghĩ và nhấc máy, lòng phấp phỏng âu lo. Đầu dây bên kia tiếng chị dâu buồn rười rượi: “Cô ơi, dạo này anh yếu lắm. Chẳng chịu ăn uống gì. Luôn mồm đòi về quê. Mà chị có biết quê anh ở nơi nào của tỉnh Quảng Nam đâu?”.

Thương chị, tôi chỉ biết an ủi vài câu với tâm trạng rối bời. Đêm đó tôi không sao chợp mắt được. Vài ngày sau chị lại thông báo: “Anh đỡ hơn rồi, nhưng cứ lảm nhảm đòi về quê chạp họ vào 26 tháng 11 âm này…”. Thương anh nhưng cũng trách anh. Giá đừng im lặng với vợ con bấy lâu nay về quê hương bản quán, đừng quá nặng nề về câu nói của đứa cháu năm xưa thì đâu đến nỗi.

“Phải tìm cho được nơi nào trên đất Quảng Nam có nhiều người họ Phạm cư trú nhất”. Tư duy này của tôi đã được một anh bạn ở Quảng Nam cho biết đó là huyện Duy Xuyên. Tiếp máy tôi là Bí thư Huyện ủy Duy Xuyên. Khi nghe tôi trình bày nguyện vọng, ông như reo lên: “May quá, một đồng chí họ Phạm ở đây đang xin nghỉ phép về chạp họ”. Tôi mừng quýnh. Rồi anh bạn họ Phạm tốt bụng đó đã thân chinh về quê, kết nối điện thoại của những người ruột thịt ở Duy Thu - Duy Xuyên - Quảng Nam với Cao Xá - Tân Yên - Bắc Giang.

5. Một chuyến đi thần tốc về quê anh được thực hiện ngay. Lạ thay, lúc mới lên xe, anh cứ u u mê mê như mộng du. Tôi hơi lo. Nhưng khi về đến sông Thu Bồn anh lại tỉnh như sáo. Nói cười rổn rảng, kể lại rành rọt những kỷ niệm thời thơ ấu.

Con sông Thu Bồn sau cơn mưa lụt trời đày thật thảm thương. Rác rưởi, quần áo, lá khô còn mắc trên lưng chừng ngọn tre. Cả một bức tường tre chắn sóng đang oằn mình gánh chịu hậu họa. Con sông trở lại yên bình như một dải lụa mềm đang phơi mình trong nắng. Bến đò xưa người thân tiễn anh đi tưởng không có ngày trở về vẫn còn đó…

Cuộc đi thần tốc đưa anh về tìm lại cội nguồn đã được hơn 3 năm ở cái tuổi 80 khi xa quê hương quá nửa đời người. Riêng chị, thật sự mãn nguyện khi được cùng anh đứng trước bàn thờ làm lễ gia tiên đúng ngày chạp họ. Cơn bạo bệnh ập đến với anh. Các cụ xưa từng nói: “Bệnh chữa được, nhưng mệnh không chữa được”. Với anh, mọi cái giờ đã kết thúc. Anh nằm đó nét mặt trầm tĩnh như người lính sắp ra trận. Hãy để anh yên. Hồn vía anh đang phiêu lãng nơi cố hương xa vời…   

Lê Chín

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh