THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 01:42

Cơ hội mới cho lao động vùng ảnh hưởng sự cố môi trường

 

Theo Sở LĐ-TB&XH, để hỗ trợ tạo việc làm cho người dân các tỉnh miền Trung sau sự cố môi trường biển, Bộ LĐ-TB&XH có sự ưu tiên cho người lao động Hà Tĩnh đi XKLĐ tại một số thị trường. Hiện có một số thị trường do Bộ LĐ-TB&XH trực tiếp triển khai với mức chi phí thấp đang được dành hỗ trợ cho lao động có nguyện vọng và đảm bảo yêu cầu tại 4 tỉnh miền Trung, trong đó có Hà Tĩnh. Đó là chương trình đưa thực tập sinh Việt Nam đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản theo thỏa thuận giữa Bộ LĐ-TB&XH và Tổ chức Phát triển nhân lực quốc tế Nhật Bản (IMM Japan); làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS vừa được Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam nối lại với Hàn Quốc.

Người lao động đăng ký nộp hồ sơ thi tuyển sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS ngành ngư nghiệp

Chương trình đưa thực tập sinh Việt Nam đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản có chi phí rất thấp, mức lương từ 800 - 1.000 USD/người/tháng. Ngày 22/9/2016, tại Hà Tĩnh, Tổ chức Phát triển nhân lực quốc tế Nhật Bản (IMM Japan) và Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) đã tổ chức thi tuyển lần 2 (năm 2016) dành cho lao động Hà Tĩnh bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển. Tham gia đợt thi tuyển lần này, Hà Tĩnh có 53 ứng viên và đã có 34 lao động trúng tuyển sẽ được sang Nhật học tập, làm việc.

Thi tuyển lao động các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế tham dự chương trình thực tập sinh kỹ thuật tại Nhật Bản.

Về chương trình làm việc tại Hàn Quốc vừa được Bộ LĐ-TB&XH nối lại, ông Đặng Văn Dũng, Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động - Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh) cho biết, sau sự cố môi trường biển, Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam đã thống nhất với Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc về việc tổ chức kỳ thi trong ngành ngư nghiệp năm 2016 cho người lao động. Bộ LĐ-TB&XH giao Trung tâm Lao động ngoài nước làm đầu mối phối hợp với phía Hàn Quốc và các cơ quan, đơn vị chức năng của Việt Nam chuẩn bị và tổ chức kỳ thi với chỉ tiêu tuyển chọn 1.300 lao động. Phương thức thi tuyển: vòng 1 - thi tiếng Hàn sẽ chọn 2.600 lao động; vòng 2 - kiểm tra tay nghề và đánh giá năng lực, tuyển chọn 1.300 lao động. Những lao động sau khi được chủ sử dụng lao động Hàn Quốc tuyển chọn sẽ tham dự khóa bồi dưỡng kiến thức cần thiết và bổ túc tay nghề trước khi xuất cảnh. Lao động đăng ký dự thi đợt này được tham gia các ngành nghề như: nuôi trồng thủy sản, đánh bắt cá xa bờ và gần bờ.

Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có 1.008 lao động nộp hồ sơ đăng ký dự thi tuyển XKLĐ Hàn Quốc theo chương trình EPS ngư nghiệp, trong đó, huyện Cẩm Xuyên 153 lao động, Kỳ Anh 144, Lộc Hà 102, Nghi Xuân 578 và TX Kỳ Anh 31. Theo ông Dũng, đây là cơ hội lớn cho lao động tại các huyện ven biển bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển. Bởi trong đợt dự thi lần này, tỷ lệ “chọi” thấp hơn so với ngành sản xuất chế tạo (12 lấy 1).

Tuy nhiên, để đạt kết quả cao trong kỳ thi XKLĐ Hàn Quốc theo chương trình EPS ngư nghiệp, ông Dũng khuyến cáo, người lao động cần phải rèn luyện kỹ năng tiếng Hàn Quốc, tự học tập, nghiên cứu nâng cao tay nghề, rèn luyện tư chất, tác phong làm việc trong môi trường có cường độ lao động cao, có ý thức chấp hành pháp luật tại nước sở tại.

“Không dễ dàng để hội đủ các tiêu chuẩn trên nếu người lao động không xác định rõ mục tiêu, quyết tâm rèn luyện và đào tạo cho dù lao động trên địa bàn các huyện vùng biển trong tỉnh nhận được sự ưu đãi lớn về chính sách” - ông Dũng nhấn mạnh.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh