CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:49

Phải biết “moi tiền” du khách Trung Quốc

Mấy tuần qua, dư luận xã hội đang rất bức xúc về những hành vi từ một số du khách Trung Quốc (TQ) như: đốt tiền Việt Nam, đối xử thô bạo với người bán hàng rong, hướng dẫn viên (HDV) xuyên tạc lịch sử, hành nghề không phép... Thay vì quá cảnh giác, hãy tìm cách quản lý và kiếm tiền từ họ.

Cơ hội kiếm tiền

Dự báo năm 2016, du khách TQ vào Việt Nam cao lắm cũng khoảng 2,5 triệu lượt, trong khi vào Thái Lan là khoảng 8 triệu lượt. Năm 2015, du khách TQ qua mặt Đức và Mỹ về khoản chi tiêu bình quân khi du lịch nước ngoài, trái ngược hoàn toàn khi vào Việt Nam. Đó là những du khách ồn ào, tùy tiện, dễ nổi nóng, kém vệ sinh... Dù chỉ là số ít nhưng gây ác cảm với người dân bản địa. Bù lại, đa phần họ dễ tính, rất “chịu khó” vung tiền mua sắm. Đa phần khách đi tour đường dài là lớp trung lưu mới nổi, kiếm tiền khá dễ dàng ở TQ.

 Mỗi ngày có hơn 1.000 du khách Trung Quốc đến TP Nha Trang, tỉnh Khánh HòaẢnh: HỒNG ÁNH

Trước đây, các công ty lữ hành Thái Lan phải “mua” du khách TQ. Du khách TQ không chỉ được đi tour Bangkok - Pattaya miễn phí mà còn được trả mỗi người vài chục USD, bởi số tiền lời mà họ mua sắm và ăn chơi nhiều hơn cả tiền tour. Năm 2015, lượng du khách TQ du lịch nước ngoài hơn 100 triệu người, dẫn đầu thế giới, gấp đôi lượng du khách nước ngoài đến nước này. Ở đâu cũng vậy, du khách đến càng đông thì chủ nhà càng mừng vì có thêm việc làm và nguồn thu. Chẳng nước nào chê du khách cả.

Việt Nam có 7 tỉnh giáp TQ với biên giới chung hơn 1.350 km và hàng chục cửa khẩu. Nếu biết tận dụng và khai thác, lượng du khách TQ vào Việt Nam sẽ tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 trong những năm tới. Tăng mấy vẫn chưa bằng du khách TQ vào Thái Lan hiện nay, dù 2 nước không có biên giới chung. Do những đặc thù về địa lý, văn hóa và cả chính trị - xã hội, du khách TQ vào Việt Nam vẫn luôn áp đảo về số lượng so với các nước khác.

Đầy thách thức

Rõ ràng cơ hội từ du khách TQ quá lớn nhưng thách thức còn lớn gấp đôi.

Thách thức lớn nhất là năng lực quản lý. Chúng ta dự báo quá kém, chưa lường trước những hệ lụy của việc lượng du khách tăng đột biến. Trước đó, du khách Nga tăng đột ngột ở Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) và Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) kéo theo nhiều hệ lụy nhưng vẫn chưa “học thuộc bài”. Khi xảy ra sự cố thì xử lý tình huống lúng túng, bị động, luôn chờ chỉ đạo. Năng động như Đà Nẵng mà phải đợi anh em HDV tiếng Trung tại chỗ họp, mời lãnh đạo sở du lịch đến nghe và cung cấp thông tin, bằng chứng, đề xuất biện pháp xử lý thì TP mới ra tay.

Các doanh nghiệp du lịch thiếu sự phối hợp nhưng lại rất ăn ý với du khách để qua mặt cơ quan quản lý. Du khách và HDV TQ không thể lộng hành nếu không có các công ty du lịch trong nước “cõng rắn cắn gà nhà”.

Thách thức kế tiếp thuộc riêng về ngành du lịch, đó là thiếu hụt nguồn lực, đặc biệt là HDV. Cơ sở hạ tầng, dịch vụ chưa đủ đáp ứng nên có thể làm giảm lượng khách nhưng sự thiếu hụt trầm trọng lực lượng HDV mới cực kỳ nguy hại. Tính đến tháng 6-2016, cả nước chỉ có 9.920 HDV quốc tế nhưng phải phục vụ cho gần 8 triệu lượt du khách nước ngoài, hơn 6 triệu du khách Việt Nam và quốc tế ra nước ngoài.

Thách thức cuối cùng là việc khách TQ chi tiêu quá ít ở Việt Nam. Điều này cũng dễ hiểu bởi hàng lưu niệm không có gì đặc sắc, hàng tiêu dùng tràn ngập “Made in China”. Ăn chơi cũng nghèo nàn vì sợ đủ thứ. Chỉ còn trái cây và hải sản nhưng lại bị đầu nậu thao túng, giá trên trời mà chất lượng dưới đất. Khách mua một lần là tởn và thông tin cho bạn bè tẩy chay để tránh sập bẫy.

Cấp tốc thay đổi

Du lịch Việt Nam đang ở top cuối của ASEAN. Với gần 8 triệu lượt du khách mỗi năm là quá khiêm tốn, dù về dân số lẫn tài nguyên, Việt Nam đều hơn hẳn các nước trong khu vực. Có mấy việc cần làm ngay.

- Xử phạt và trục xuất những du khách và HDV vi phạm pháp luật Việt Nam, bất kể là nước nào, lĩnh vực nào chứ không riêng gì người TQ.

- Cấp tốc đào tạo nghiệp vụ và cấp thẻ hành nghề tạm cho HDV tiếng Trung, tiếng Nga, tiếng Hàn...

- Về lâu dài, phải hoàn chỉnh Luật Du lịch (đang lấy ý kiến sửa đổi).

- Thay đổi mạnh mẽ các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, lưu niệm và tiêu dùng. Xóa bỏ vĩnh viễn các đầu nậu và “bạch tuộc” TQ từ việc tổ chức tour khép kín đến núp bóng mở các cửa hàng buôn bán đặc sản, hàng lưu niệm… Nghiên cứu và mạnh dạn thí điểm các dịch vụ giải trí cao cấp cho người nước ngoài tại Việt Nam.

TS ĐINH THẾ HIỂN, chuyên gia kinh tế:

Kiểm soát chặt nhưng để du khách vui vẻ trả tiền

Dù là du khách TQ hay các nước khác, khi đến Việt Nam đều phải tuân thủ quy định, luật lệ chung. Nếu du khách TQ vi phạm mà chính quyền, ngành du lịch địa phương không quản lý được hoặc làm ngơ là do lỗi của địa phương đó. Du khách TQ không chỉ đến Việt Nam, họ có mặt ở khắp các nước và vẫn được chào đón. Do đó, đừng đánh đồng giữa việc du khách TQ đến Việt Nam thuần túy với những yếu tố khác, rất dễ rơi vào cực đoan. Vấn đề của cơ quan quản lý các địa phương, ngành du lịch là đặt ra quy định chặt chẽ, kiểm soát để thu được phí từ du khách TQ, có sản phẩm dịch vụ tốt để họ vui vẻ trả tiền và chi thật nhiều tiền khi ở Việt Nam.

Ở Nha Trang trước đây từng rất đông du khách Nga, sau này kinh tế suy thoái nên họ không đến và giờ là du khách TQ. Việc du khách TQ tăng mạnh và một số doanh nghiệp, nhà hàng chọn bán những sản phẩm đặc thù riêng cho họ cũng không quá lạ bởi mỗi doanh nghiệp có phân khúc khách hàng riêng để phục vụ. Quan trọng là chính quyền địa phương phải biết doanh nghiệp đang bán gì, cho ai và quản lý không để vi phạm, thu được thuế.

Ông HUỲNH VĂN SƠN, Phó Tổng Giám đốc Công ty A&B:

Cần xem lại mình

Nhiều năm trước, Singapore đặt mục tiêu xây dựng hình ảnh đất nước sạch, đẹp và phạt rất nặng người dân, du khách xả rác… Lúc đó cũng có nhiều ý kiến cho rằng quá nghiêm khắc nhưng lâu dài đã xây dựng được ý thức và tâm lý cho du khách: Đến Singapore là phải nghiêm túc, không được xả rác. Thời điểm đó, tôi có qua Singapore và vẫn nhớ chuyện mình để quên chai nước ở nơi dừng chân, sau đó phải quay lại lấy bỏ vào thùng rác vì sợ bị phạt, bị đánh đòn!

Trở lại với chuyện lộn xộn trong quản lý du khách TQ gần đây, phải chăng chính quyền địa phương chưa làm tốt vai trò quản lý, điều phối nên các doanh nghiệp trên địa bàn mới đua nhau hạ giá, nuông chiều khách quá đáng? Các hiệp hội du lịch cũng chưa liên kết được các doanh nghiệp du lịch, để họ cạnh tranh rồi hạ giá hoặc cho doanh nghiệp TQ “mượn tên, núp bóng” để kinh doanh? Mới đây, Đà Nẵng đã “ra tay” nhưng cũng cần các địa phương khác làm tốt vai trò của mình thì mới mong thu được tiền, doanh nghiệp và cả du khách TQ cũng không dám vi phạm. Không ai chê khách du lịch nhưng phải quản lý được để bảo đảm địa phương và những người làm du lịch ở địa phương đó thu được tiền.

Ông PHAN XUÂN ANH, Chủ tịch HĐQT Công ty Du ngoạn Việt:

Tập trung vào chất lượng du khách

Khi du khách Việt Nam qua Thái Lan hay Singapore, Malaysia, vừa tới nơi là trưởng đoàn phải trả trước toàn bộ chi phí trong thời gian ở đó. Ngược lại, du khách TQ đến Việt Nam lại yêu cầu trả sau, trả chậm vài ngày hoặc nếu không thì “quỵt” luôn vì doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh không lành mạnh với nhau.

Ngành du lịch các địa phương nên tập trung vào quản lý khách du lịch theo hướng quản trị công suất - nghĩa là với hệ thống nhà hàng, khách sạn, phương tiện vận chuyển như hiện nay, chỉ phục vụ được tối đa bao nhiêu khách TQ? Tránh tình trạng quá tải, đầu tư ồ ạt rồi đến khi du khách TQ rút đi hoặc không đến nữa, ngành du lịch địa phương sẽ “chịu trận”. Các địa phương cũng không nên chạy theo số lượng mà tập trung vào chất lượng du khách bởi du khách TQ không ít người chịu chi và có mức chi tiêu cao.

 

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
4 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh