Cơ hội dự Champions League của Man City chưa hết?
- Văn hóa - Giải trí
- 13:50 - 27/02/2020
"CAS đã nhận đơn kháng cáo UEFA từ CLB Man City", thông báo từ CAS có đoạn. "Man City kháng cáo Ban kiểm soát tài chính (CFCB) của UEFA. Hôm 14/2, CFCB cấm Man City dự cúp châu Âu trong hai mùa tới, và phạt 30 triệu Euro (khoảng 33 triệu USD)".
Về quy trình xét xử, CAS nêu rõ: "CAS sẽ thành lập một hội đồng xử lý, trong lúc để Man City và UEFA trao đổi hồ sơ vụ việc. Hội đồng xem xét tài liệu, rồi đặt ra hướng xử lý, bao gồm việc mở phiên điều trần. Sau phiên điều trần, hội đồng sẽ thảo luận rồi đưa ra quyết định cuối cùng. Lúc này, chưa thể xác định khi nào quyết định cuối cùng được đưa ra".
Theo Independent, chưa rõ án phạt của Man City có bị hoãn, trong thời gian kháng cáo hay không. Nếu không, đội đứng thứ năm Ngoại hạng Anh mùa này sẽ thay Man City dự Champions League 2020-2021. Còn nếu án phạt bị hoãn, Man City còn cơ hội dự Champions League 2020-2021.
CAS phải đưa ra quyết định cuối cùng, trước khi một đội bóng Anh dự cúp châu Âu mùa 2020-2021. Nhiều khả năng đó là một đội đá vòng loại thứ hai Europa League, thường diễn ra đầu tháng tám hàng năm. Nếu quyết định đến muộn hơn, Man City vẫn được dự Champions League 2020-2021, trong trường hợp họ đủ điều kiện tham gia. Khi đó, nếu CAS bác đơn kháng cáo của Man City, CLB chủ sân Etihad sẽ mất quyền dự Champions League 2021-2022 và 2022-2023. Man City vẫn có thể tiếp tục "câu giờ", bằng cách kiện lên tòa án có quyền lực cao hơn.
Theo The Guardian, quá trình xử lý đơn kháng cáo của Man City mất vài tháng. Năm 2018, AC Milan cũng kháng cáo lên CAS, sau khi UEFA cấm họ dự cúp châu Âu hai mùa liên tiếp. Quá trình này kết thúc sau ba tháng. CAS ủng hộ việc phạt Milan, nhưng không tán thành thời gian cấm hai năm. Họ chuyển hồ sơ về để UEFA cân nhắc lại. Cuối cùng, UEFA và Milan đạt thỏa thuận, cấm CLB chủ sân San Siro dự cúp châu Âu một năm.
Theo Daily Mail, Man City đã mời luật sư hàng đầu nước Anh - David Pannick, hỗ trợ việc kháng cáo. Họ chi 26.000 USD mỗi ngày cho Pannick.