Cơ hội ngắm sao chổi đẹp kỳ lạ
- Văn hóa - Giải trí
- 13:07 - 05/03/2015
Trước đó, người dân ở châu Âu và châu Á đã được chứng kiến sao chổi này bay trên bầu trời. Ông Terry Lovejoy, nhà nghiên cứu vũ trụ người Australia đã phát hiện ra sao chổi tuyệt đẹp này nói rằng, lần tới khi quay trở về, nó có thể sẽ còn gần Trái Đất hơn thời điểm hiện tại.
Sao chổi Lovejoy có màu xanh lục rất đặc biệt do được cấu thành từ hai loại khí, xyanogen và đi-các-bon. Cả hai loại khí này đều chuyển thành màu xanh khi có ánh sáng chiếu qua.
“Việc khám phá sao chổi rất lý thú, không chỉ nằm ở việc phát hiện ra nó mà còn nằm ở thời gian dành ra để tìm ra cách để phát hiện sao chổi”, ông Lovejoy trả lời hãng tin CNN.
“Ngoài ra việc tìm hiểu hoạt động của sao chổi cũng rất thú vị, và chúng ta vẫn còn vài ngày trước khi mất dấu ngôi sao chổi này. Điều này sẽ giúp chúng ta biết độ gần và độ sáng của sao chổi trong lần xuất hiện tiếp theo của nó ở Trái Đất”.
Sao chổi Lovejoy (còn có tên gọi C/2014 Q2), cách Trái Đất khoảng 70 triệu km và được cho là có vận tốc khoảng 25m/s, được phát hiện bởi nhà thiên văn không chuyên người Australia Terry Lovejoy.
Cho đến nay, ông Lovejoy đã phát hiện được 5 sao chổi, chỉ bằng những dụng cụ đơn giản so với những thiết bị tối tân ở một đài thiên văn thực thụ.
Sao chổi Lovejoy được phát hiện lần đầu vào ngày 17/08/2014, và mới đây, nhiều người trên khắp thế giới đã chụp lại hình ảnh của ngôi sao chổi này.
Sao chổi có cấu tạo gồm những khối đá, sỏi và bụi được kết dính với nhau bằng một lớp băng cấu thành từ nước và carbonic. Khi sao chổi bay gần mặt trời, phần đuôi có băng bốc hơi thành khí và bay đi do áp suất của gió mặt trời và ánh nắng.
Ngoài ra, phần sỏi và bụi của sao băng cũng bị phân tách, nếu gặp bầu khí quyển của Trái Đất, chúng bị đốt cháy và trở thành mưa sao băng.
Sao chổi Lovejoy được chụp lại trên bầu trời đêm ở Nhật Bản.
Cứ mỗi ngày trôi qua, sao chổi ngày càng sáng hơn và nhờ thế mà người dân ở Bắc Bán Cầu có thể nhìn thấy nó. Với độ sáng hiện tại, sao chổi Lovejoy có thể được nhìn bằng mắt thường.
Độ sáng của sao chổi được đo bằng đơn vị cấp sáng và theo thang điểm thiên văn học, con số càng nhỏ thì sao càng sáng.
Ban đầu, sao chổi có độ sáng cấp 15 và từ đó đã giảm xuống chỉ còn cấp 5, là độ sáng có thể nhìn thấy mà không cần kính thiên văn.
Hình ảnh sao chổi Lovejoy chụp từ Singapore vào ngày 29/12/2014 - Nguồn: Justinngphoto.com
Theo một báo cáo, sao chổi Lovejoy đạt cấp 4,1 vào giữa tháng 1. Người dân có thể quan sát sao chổi ngay cả khi đang trong môi trường “ô nhiễm ánh sáng” ở thành phố. Một số người đã thấy sao khi sao mới đạt cấp 5,3.
Mặc dù sao chổi Lovejoy có thể được nhìn thấy bằng mắt thường, nhưng các nhà khoa học vẫn khuyến cáo người dân hãy sử dụng ống nhòm để chiêm ngưỡng để tránh sự phân tán của ánh sáng quá mạnh gây hại cho đôi mắt.
Những địa điểm ngắm sao tốt nhất
Điều kiện cần để chiêm ngưỡng ngôi sao chổi Lovejoy là bầu trời phải thật tối và ít ánh sáng xung quanh. Người xem có thể nhìn về phía bên phải chòm sao Orion cách cụm sao Pleiades khoảng 2 gang tay.
Một bản đồ các vị trí có thể nhìn rõ sao chổi Lovejoy đã được đưa ra. Tại Vương Quốc Anh, tờ Telegraph đã gợi ý một số điểm ngắm sao cụ thể:
London: Khu bảo tồn các công trình của nước, nằm giữa ga tàu Clapton và đường Leyton Midland. Bạn có thể tới vùng ngoại ô Surrey hoặc Kent để chiêm ngưỡng ngôi sao.
Manchester: Câu lạc bộ nghiên cứu vũ trụ ở công viên Heaton.
Birmingham: Warley Woods.
Newcastle: Công viên quốc gia Dark Sky.
Cadiff: Brecon Beacons.
Belfast: Khu dự trữ tài nguyên biển đảo Oxford.
Edinburgh: Đại học Newbattle Abbey.
Trên diễn đàn thiên văn, thông tin về địa điểm tại Việt Nam được cho là có thể chiêm ngưỡng Sao chổi xanh Lovejoy là khu vực Trị An (Đồng Nai), Phan Thiết, Đak Nông.