Có hiện tượng tuyển 10 nhưng gửi... 100 con em
- Huyệt vị
- 04:27 - 10/11/2016
6 lĩnh vực hoạt động trong khu vực công được “soi” dưới lăng kính xung đột lợi ích gồm: cung cấp dịch vụ công; bổ nhiệm và tuyển dụng; quản lý đấu thầu; cấp phép, phê duyệt dự án; thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.
70% biết rõ việc tặng/nhận quà giúp giải quyết công việc
Nhóm chuyên gia cho biết khảo sát được tiến hành trên địa bàn 10 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Sơn La, Thái Bình, Nghệ An, Thừa Thiên-Huế và Đồng Tháp. Theo khảo sát, xung đột lợi ích là tình huống trong đó một cán bộ công chức, trong thẩm quyền chính thức của mình đưa ra hoặc phải đưa ra các quyết định, hoặc những hành động có thể tác động tới lợi ích cá nhân của họ.
Có trên 2.600 đối tượng tham gia khảo sát chia thành ba nhóm đối tượng: Người dân, doanh nghiệp và cán bộ công chức, trong đó khảo sát người dân được thực hiện qua trang báo điện tử Vnexpress. Ở cấp trung ương, khảo sát thực hiện đối với cán bộ, công chức của 5 bộ: Tài chính, TN&MT, GTVT, Xây dựng, Công Thương.
Theo bà Trần Thị Lan Hương, chuyên gia cao cấp về quản trị công, WB cho biết các tình huống xung đột lợi ích phổ biến là cán bộ công chức đầu tư, chia sẻ lợi ích với doanh nghiệp, hay nói cách khác cán bộ công chức có các doanh nghiệp (DN) “sân sau”; bổ nhiệm, tuyển dụng người thân và quà tặng không còn là tình cảm nữa mà đã trở thành “luật chơi”, trở thành món nợ phải trả...
Quang cảnh công bố khảo sát sáng 9/11
“Có nhiều người xuất phát là lãnh đạo DN... chuyển lên làm lãnh đạo quản lý nhà nước thì quyền lợi kinh tế của họ vẫn còn ở DN. Việc họ vẫn còn lợi ích ở DN, không ai kiểm tra kiểm soát thì họ vẫn duy trì và khi chỉ đạo thì họ phải nương tay cho DN chứ” - nhóm nghiên cứu trích dẫn ý kiến trong quá trình thảo luận nhóm.
Từ đây, TTCP và WB đúc kết có 4 hình thức tác động phổ biến: tặng quà/nhận quà bằng tiền và hiện vật; đầu tư chia sẻ lợi ích; sử dụng lợi thế thông tin để vụ lợi; ra quyết định hoặc tác động có lợi cho người thân.
Đáng chú ý, theo nghiên cứu, khảo sát gần 70% số DN và cán bộ công chức biết rõ việc tặng/nhận quà có mục đích chủ yếu là giúp giải quyết công việc. Cảm nhận chung là tặng quà trở thành trào lưu, thông lệ, thậm chí “luật chơi”. “Cán bộ công chức tặng quà cho cấp trên để thể hiện sự biết điều”- báo cáo nêu.
Nhóm nghiên cứu kiến nghị cần hoàn thiện các quy định về tặng và nhận quà theo hướng quy định nguyên tắc chung giảm thiểu rủi ro xung đột lợi ích trong khu vực công. Không cho phép cán bộ công chức nhận quà tặng dưới mọi hình thức và mọi giá trị, đặc biệt là cán bộ công chức trong những ngành, lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực.
Báo cáo đề cập tới "lỗ hổng" tại Điều 40 của Luật Phòng chống tham nhũng quy định rõ cán bộ công chức viên chức không được nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác từ tổ chức hoặc cá nhân có liên quan tới công việc của mình. “Tuy vậy, các quy định này không áp dụng với bất cứ thành viên nào trong gia đình của CBCC”- Báo cáo nêu.
Đánh giá cao việc cấm cán bộ công chức, viên chức nhận quà biếu song TTCP và WB chỉ ra vẫn chưa cấm vợ, người thân của họ được nhận quà. So sánh quy định về nhận quà của Việt Nam so với các nước Đông Nam Á cho thấy có sự khác biệt rõ ràng. Các nước này áp dụng quy định kiểm soát nhận quà với cả thành viên gia đình CBCC. Cụ thể, ở Hàn Quốc, Singapore, CBCC phải ngăn không cho vợ/chồng, họ hàng thân thích được nhận quà.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Tổng TTCP đánh giá xung đột lợi ích là một chế định được phổ biến rộng rãi ở nhiều quốc gia nhưng ở Việt Nam chưa có vấn đề này. “Nhận thức trong giới chính sách về vấn đề này càng tăng cao để xây dựng một Chính phủ liêm chính”- ông Thanh đánh giá.
Đấu thầu cũng đầy... "móc ngoặc"
Kết quả thảo luận nhóm cho thấy dù quy trình đấu thầu chính thức được công bố ra bên ngoài có thể không thể hiện hết tính phức tạp của quy trình thực sự. Về bề ngoài, các cuộc đấu thầu thường tuân thủ đúng quy trình, đảm bảo tính minh bạch, khách quan. Tuy nhiên, ở một số cuộc thầu, những tiêu chí minh bạch đó có thể đã được điều chỉnh trước cho phù hợp với các mục tiêu thiếu khách quan, công bằng.
Tính khách quan ở quy trình chính thống có thể bị “bóp méo” bởi một số thủ thuật như: Chủ thầu có thể đưa ra các tiêu chí phù hợp với DN "sân sau" của mình và loại bỏ các đối thủ cạnh tranh, mặc dù nhiều tiêu chí không nhất thiết giúp nâng cao chất lượng công việc; Các DN sân sau có thể có lợi thế thông tin (tiếp cận sớm hơn) để có thể chuẩn bị thầu; Một số DN tham gia thầu chỉ là để bảo đảm yêu cầu “có cạnh tranh”, không làm ảnh hưởng đến kết quả.
“Đấu thầu cũng đầy móc ngoặc. Rất nhiều DN thắng thầu mặc dù hoàn toàn không có khả năng. Thắng xong thì quay lại bán thầu cho DN của tôi”; “Có trường hợp cài thầu: Một số DN biết đề bài trước và muốn thắng thầu thì đưa thêm vào một số tiêu chí để loại đối thủ, mặc dù tiêu chí đó hoàn toàn không làm tăng thêm chất lượng gói thầu”- Đây là những ý kiến thảo luận được nhóm chuyên gia trích dẫn trong báo cáo.
Liên quan đến tình huống xung đột lợi ích trong bổ nhiệm, tuyển dụng, nhóm chuyên gia cho biết DN và người dân lại đánh giá hai yếu tố quan trọng nhất là con cháu hoặc có quan hệ thân thiết với người có chức vụ, quyền hạn và dùng lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Viện trưởng Viện Quản lý châu Á- TBD (Trường ĐH kinh tế quốc dân) - đại diện nhóm nghiên cứu trích dẫn nhiều ý kiến đáng chú ý trong quá trình khảo sát: “Bộ em tuyển dụng 100 bạn trong đó hồ sơ dự tuyển 500 bạn, trong đó cơ quan em tuyển 10 người mà theo sếp em nói gửi gắm từ cấp vụ trở lên hơn 100 người con em trong ngành, chưa kể ngoài ngành vì vậy sức ép kinh khủng luôn”; “Vấn đề bổ nhiệm cũng có tiêu chí nhưng những tiêu chí này đều đã “gọt chân cho vừa giày” nên chẳng qua cũng chỉ là cách hợp thức hóa việc cất nhắc người quen”...