Cô giáo của ngư dân
- Tra cứu Từ điển y khoa
- 15:30 - 17/11/2016
Lớp học miễn phí cho ngư dân do cô giáo Nguyễn Thị Tâm Hiền đứng lớp.
Lớp học của bà nội, bà ngoại
Tuần nào cũng vậy, từ thứ hai đến thứ sáu, tại nhà sinh hoạt Chi đoàn thôn Phương Diên (xã Phú Diên), bà con ngư dân lại tập trung đông đủ tại lớp học xóa mù. Dù chưa đến giờ học nhưng các mẹ, các chị đã đến đông đủ từ sớm nói chuyện rôm rả từ chuyện con cá con tôm ngoài chợ, chuyện chồng con đi biển đến chuyện các con chữ…
Bà Nguyễn Thị Đủ (63 tuổi, trú tại thôn Phương Diên), một trong những học viên cao tuổi của lớp, kể: “Tối đến, cơm nước xong là tới lớp. Sợ quên chữ, ngày mô mấy chị em đi bán cá ngoài chợ cũng đố vui nhau mấy phép toán, mấy con chữ vui lắm. Biết chữ rồi, đi mô thấy chữ cũng muốn đọc. Ngày trước, đi đâu cũng bất tiện lắm, giấy tờ gì cũng phải lăn tay, thấy người ta biết chữ mà thèm. Nhưng chưa bao giờ nghĩ có ngày mình biết chữ. Rồi cô Hiền mở lớp, nói đi học cho biết, vài buổi nếu không thích thì thôi. Tôi đi học thử, giờ đêm mô cũng đi, chưa nghỉ buổi nào”.
Lớp mở từ đầu tháng 8.2016. Ban đầu, lớp chỉ có trên 10 người học nhưng hiện nay đã lên 40, đa phần 50 - 60 tuổi. Tất cả đều trú tại thôn Phương Diên, một ngôi làng nhỏ bên biển, người dân chủ yếu làm nghề đánh cá.
Bà Nguyễn Thị Thỏa (58 tuổi) dù đôi mắt không còn nhìn rõ nhưng cũng cắp sách đến lớp, tay cầm thêm cây đèn pin để rọi chữ, vừa nắn nót viết tên mình lên bảng vừa khoe: “Hôm qua tui lên xã làm giấy tờ, cô nhân viên bảo tôi lăn tay nhưng tôi nói cho tui mượn cây bút để ký tên, ai cũng bất ngờ và khen tui mới học chữ mà viết được như thế này là tốt lắm rồi. Tui vui lắm. Ngày trước, gia đình khó khăn nên không được học hành, thỉnh thoảng đi đâu cũng xấu hổ lắm nhưng nói chuyện đi học thì ban đầu cũng thấy ngại. Nhiều người nói già rồi, học chữ làm gì nhưng cô Hiền cứ đến nhà động viên đi học. Cô nhiệt tình quá nên tôi mới đi học thử, kiếm ít chữ bỏ trong người ra đường lỡ có chuyện chi…”.
Còn bà Nguyễn Thị Thu (46 tuổi) vừa xếp chồng sách vở vừa nói: “Sách vở, bút viết của mọi người ở đây đều được cô Hiền phát miễn phí. Cô tranh thủ ban đêm dạy cho chị em kiếm ít chữ phòng thân chứ có tiền bạc, công cán chi mô. Thiếu sách thiếu vở, cô đi xin thêm. Mà cô bày chữ dễ hiểu lắm, mới học mà chị em nhiều người đã hát được karaoke, vui lắm...”.
Ông Hồ Văn Quý (47 tuổi), một ngư dân chuyên đánh bắt gần bờ, cho biết: “Hôm nào không đi biển thì tui đến lớp học ít chữ. Trong nhóm đi biển với tui, nhiều người không biết chữ nhưng họ xấu hổ không đi học. Tui thích biết chữ quá nên khi cô Hiền đến nhà nói đi học là tui đi liền. Chừ tui biết viết ít chữ rồi nên về khoe với mấy ông trong xóm, mấy ông không tin. Sắp tới, tranh thủ khi không đi biển, mấy ông ấy cũng xin cô Hiền đến lớp học chữ”.
Niềm vui đến lớp
Cô Hiền kể: “Khi đi sinh hoạt trong hội phụ nữ, tôi thấy trong thôn nhiều chị không biết chữ, rất bất tiện. Nên tôi bàn với chị em đi học, ít nhất là viết được cái tên của mình. Ban đầu, một số chị em ủng hộ, còn lại vẫn ngại nên không đi, vận động mãi mới đi. Bây giờ các chị, các mẹ mê học lắm, đến giờ tan học còn xin học thêm. Đòi học cả ngày cuối tuần nữa. Thấy chị em hào hứng, mình cũng nhiệt huyết theo”.
Ngoài cô Hiền, lớp còn có hai cô giáo trẻ Trần Thị Ngọc và Nguyễn Thị Nở. Các cô cùng dạy tại Trường mầm non Phú Diên với cô Hiền. Không chỉ dạy chữ, cô Hiền cùng mọi người vận động nhiều nhà hảo tâm quyên góp để mua sách vở, bút mực phục vụ cho lớp học này. “Chính quyền địa phương tạo điều kiện nên tôi mượn được nhà sinh hoạt chi đoàn thôn để đứng lớp. Một số nhà hảo tâm hỗ trợ sách vở. Chồng tôi cũng ủng hộ việc làm của tôi nên buổi tối chơi và học cùng hai con để tôi đi dạy. Tôi sẽ vận động thêm các chị khác đến lớp chứ trong thôn còn rất nhiều người mù chữ”, cô Hiền chia sẻ.
Ông Phạm Tăng Đoàn, Chủ tịch UBND xã Phú Diên, cho biết thêm: “Ngày trước, bà con ngư dân khó khăn, chỉ biết đi biển kiếm sống nên nhiều người mù chữ. Mỗi lần làm giấy tờ phải lăn tay. Sau một thời gian tổ chức dạy xóa mù, lớp học do cô Hiền phụ trách đã giúp nhiều bà con biết đọc biết viết. Bà con rất cảm kích trước tấm lòng của cô Hiền”.
CÙNG CHUYÊN MỤC
Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành công văn gửi các Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường, Ban Phụ nữ Quân đội (Bộ Quốc phòng) hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm...
3 năm trước
Tin nên đọc