THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:58

“Có giặc thì ta đánh, có dịch thì ta chống”

Người lính già luôn sống noi gương giản dị của Bác

Ở tuổi 75 với đôi tay không lành lặn, tai đã phải đeo trợ thính, dáng đi khó nhọc vì chịu sức ép của bom đạn, nhưng đôi mắt của người cựu binh già vẫn rực sáng lên, ngập tràn chất lính khi kể về những năm tháng chiến đấu tại chiến trường miền Đông Nam bộ.

Năm 1972, khi đang làm việc tại Trạm máy kéo Thanh Miện (Sở Nông nghiệp tỉnh Hải Dương), ông Đệ được cơ quan cử đi nghĩa vụ quân sự. Ông là lính bộ binh, thuộc lực lượng tăng cường, nay đơn vị này, mai đơn vị khác ở khắp chiến trường miền Đông Nam bộ. Trong một trận đi biệt kích, phục kích, đánh nhau với quân thù, ông bị thương, mất nửa bàn tay và được đơn vị cứu chữa. Sau khi giải phóng miền Nam, đến đầu năm 1977, ông xuất ngũ trở về quê hương và tiếp tục làm việc tại cơ quan cũ.

Trong bối cảnh đất nước vô cùng khó khăn của những năm tháng sau chiến tranh, gia đình ông Đệ cũng như bao gia đình khác trên quê hương Việt Nam đều phải cố gắng tăng gia sản xuất, làm lụng vất vả ngày đêm để có cái ăn. Vợ ông là bà Nguyễn Thị Đào vốn là giáo viên, đồng lương thấp, lại nuôi 4 người con nên cuộc sống lại càng khó khăn vất vả.

Các cụ ta có câu: "Giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay", vậy mà ông Đệ lại bị mất nửa bàn tay, thật khó có thể kể hết được những nỗi cực nhọc mà ông cùng người vợ của mình đã trải qua. Không những thế, trong một lần nấu cơm, cô con gái cả của ông bà sơ ý làm cháy nhà, cũng may có bà con hàng xóm sang giúp dập lửa. Tuy nhiên, toàn bộ hồ sơ, giấy tờ trong gia đình ông đã bị cháy hết.

"Sau khi giải phóng miền Nam, đất nước bước vào thời kỳ phục hồi nền kinh tế, khó khăn là toàn dân chứ không riêng mình nhà tôi. Mình là người dân, dân khổ thế nào mình khổ như thế. Cuộc sống khó khăn thì mình phải lao động vất vả. Mình bị thương ở tay thì phải khắc phục bằng cách chịu khó, kiên trì. Người ta có đủ hai tay, làm một tiếng đồng hồ là xong công việc, mình có một tay thì mình làm hai tiếng…", ông Đệ tâm sự khi được hỏi về nỗi khó khăn khi bị thương tay trái.

“Có giặc thì ta đánh, có dịch thì ta chống” - Ảnh 1.

Vợ chồng ông Đệ nhận Bằng khen vinh danh của chính quyền địa phương sau nghĩa cử cao đẹp.

Chia sẻ về lý do gom hết tiền dưỡng già để tặng Quỹ Vaccine phòng Covid-19, thương binh Lê Văn Đệ cho biết, trước ảnh hưởng to lớn của đại dịch Covid-19, gia đình ông rất thấm thía nỗi vất vả, hy sinh của các lực lượng phòng, chống dịch cùng những tác động tiêu cực đến sức khỏe, đời sống và thu nhập của hàng vạn người dân. Hưởng ứng lời "hiệu triệu" của Thủ tướng Chính phủ và Tỉnh ủy Hải Dương góp vào Quỹ Vaccine phòng Covid-19 (Quỹ của sự nhân ái, của tinh thần đoàn kết, của niềm tin, của trái tim kết nối trái tim) gia đình ông đã dùng toàn bộ số tiền dành dụm trong nhiều năm và tiền các con cho dưỡng già để ủng hộ mua vaccine tiêm phòng cho người dân.

Tôi là người lính, chiến trận ác liệt tôi được may mắn được trở về. Lúc này đây, tôi muốn chung tay để chính quyền địa phương mua vacccine tiêm phòng cho dân, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế trong xã hội. Việc làm của tôi là đem theo tình cảm của một người lính cụ Hồ, một người dân: "Có giặc thì ta đánh giặc, có dịch thì ta chống dịch như chống giặc."

 

Là một người lính bộ đội cụ Hồ, những tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách sống giản dị của Bác luôn ngấm trong con người thương binh Lê Văn Đệ. Đó cũng là phương châm sống của ông trong việc nuôi dạy các con và đối xử với bà con làng xóm. Tinh thần đùm bọc, sẻ chia, "thương người như thể thương thân" luôn được ông coi trọng.

"Tôi còn nhớ, trước khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi ra đi, Tố Hữu có làm câu thơ: "Cuộc đời thanh bạch chẳng vàng son". Mình phải học tập những tấm gương đạo đức của Bác Hồ và của các chiến sĩ cách mạng. Cuộc đời tôi chỉ sống như vậy, tôi chẳng có suy nghĩ gì phức tạp. Hơn nữa, giờ đây tôi tuổi cao rồi, cuộc sống cũng chẳng được bao nhiêu nữa. Tôi có bệnh nặng tai, rối loạn tiền đình, chết hụt về não mấy lần. Cho nên tôi không mong, không cần gì cả, chỉ mình biết là còn sống ngày nào, làm được gì, giúp được gì cho dân thì mình làm. Khi mình ra đi thì tâm hồn mình thanh thản".  – ông Đệ bộc bạch.

"Sống có Phúc, Đức thì có phần"; "Cha mẹ hiền lành để đức cho con"

Đó là kim chỉ nam cho mọi hành động trong cuộc sống của thương binh Lê Văn Đệ. Ông nói, cha ông ta đã dạy: "Lấy nhân nghĩa thắng hung tàn/ Lấy chí nhân thay cường bạo". Vì vậy, trong suốt cuộc đời của ông chỉ làm việc thiện, tuyệt nhiên không làm điều ác. Ông luôn tâm niệm: "Con người sống có đức, có phúc thì có phần; Có đức thì mặc sức mà ăn; Mình phải làm việc thiện, việc đức; Cha mẹ hiền lành để đức cho con".

Chính vì vậy, tuy không giỏi làm kinh tế nhưng nhờ sống hiền lành, phúc đức, thiện lương nên ông bà đã được Trời phú cho cả 4 người con đều ngoan ngoãn, thành đạt và hiếu thảo. Ông Đệ kể: "Khi nghe tôi nói sẽ ủng hộ toàn bộ số tiền 500 triệu dành dụm dưỡng già, các cháu đều phấn khởi nói bố mẹ làm điều tốt đẹp các con rất tự hào. Bọn trẻ còn bàn nhau tặng thêm 4 nghìn tấn xi măng nữa. Chúng nói, đấy cũng là phần bọn con định gửi biếu bố mẹ phòng khi đau yếu, nhưng nếu muốn, bố mẹ có thể thay cả nhà tặng lại cho nhân dân".

"Tôi nghĩ rằng đó là một việc làm hết sức bình thường, là trách nhiệm của người dân đối với quê hương đất nước. Tôi hoàn toàn không muốn phải được tuyên dương, khen thưởng hay lên ti vi, báo đài… Việc đó thật sự không cần thiết". ông Đệ thẳng thắn bày tỏ.

Không chỉ ủng hộ tiền và hiện vật trị giá 4,5 tỷ đồng trong đợt này, trước đó khi xã Thanh Sơn xây dựng nông thôn mới, gia đình ông Đệ đã ủng hộ hơn 300 triệu đồng. Hàng năm gia đình ông luôn tích cực tham gia ủng hộ các phong trào, các đợt vận động vì người nghèo, đóng góp Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, Quỹ khuyến học, ủng hộ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt, sửa chữa, tôn tạo đình, chùa trong xã... với những số tiền có giá trị.

“Có giặc thì ta đánh, có dịch thì ta chống” - Ảnh 3.

Sau cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước trở về, đôi tay của người lính cụ Hồ không còn lành lặn nhưng ông đã chọn cho mình một lối sống nghị lực, kiên trung và đầy trách nhiệm với xã hội.

Xúc động trước tấm lòng của ông Đệ cùng gia đình, ông Nguyễn Đức Tuấn, Chủ tịch Mặt trận tổ quốc tỉnh Hải Dương cho biết: "Hình ảnh đôi bàn tay tật nguyền của người lính già, mang tặng toàn bộ tiền tiết kiệm lên huyện ủng hộ công tác chống dịch thực sự làm đẹp tính cách con người xứ Đông. Tinh thần Hải Dương được hun đúc sâu hơn từ những nghĩa cử đó. Tấm gương này đã lập tức tạo được hiệu ứng mạnh mẽ trong cộng đồng. Đến nay, quỹ vaccine của tỉnh đã nhận được hơn 100 tỷ từ sự đóng góp hảo tâm của doanh nghiệp, nhân dân".

Được biết, tại lễ tiếp nhận ủng hộ 4,5 tỷ đồng vào Quỹ vaccine, lãnh đạo huyện Thanh Hà đã trao tặng Giấy khen của Ủy ban nhân dân huyện cho gia đình ông Lê Văn Đệ và bà Nguyễn Thị Đào vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong phong trào ủng hộ Quỹ vaccine phòng Covid-19 xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà.

Tin rằng, với nghĩa cử cao đẹp, sống có trách nhiệm vì cộng đồng của vợ chồng ông Lê Văn Đệ và bà Nguyễn Thị Đào sẽ được lan tỏa trong cộng đồng để nhiều người dân khác noi gương, góp phần vào thành công chung của cuộc chiến "Chống dịch như chống giặc" của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

 

Theo tâm nguyện của gia đình ông Đệ, 500 triệu tiền mặt và toàn bộ số tiền bán 4.000 tấn xi măng sẽ được dùng để mua vaccine tiêm phòng Covid-19 cho toàn bộ hơn 5.000 người dân xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương.

THÙY HƯƠNG
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh