THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 12:02

“Cô gái thép” bên kia giới tuyến

 

“Cách mạng toàn tập”

Mùa hè Quảng Trị, mới bảnh sáng, nắng đã như đổ lửa. Hỏi nhà chị, một thằng bé đen nhẻm, gầy như cái dải khoai ngoắc tay chỉ ngôi nhà bên cạnh đường. Tôi sợ nó nhầm, vì tôi đang đến thăm ngôi nhà của một người nổi tiếng, ấy thế mà nó lại chỉ cho tôi một ngôi nhà hết sức giản đơn. Hỏi lại, với cái giọng chắc nịch, không dài dòng của người Thành cổ, nó bảo: “Tui hàng xóm mà. Tin thì vào, không thì thôi”.Đẩy cánh cổng, tôi cất tiếng, một phụ nữ tóc đã “bời bời sương gió” tập tễnh chạy ra đón, chao chát mời vào nhà. Sau khi nghe giới thiệu, đưa đôi bàn tay còn dính đầy bọt nước rửa bát đũa, chị sởi lởi: “Mời các chú vô nhà. Đang rửa mấy cái chén (bát) ăn sáng cho một gia đình ngoài miền Bắc, đâu ấy nhỉ, à, ở Bắc Ninh vào tìm di cốt của ông chú. Lặn lội cả tuần, thế mà thương thật, chả tìm thấy nhúm cốt nào của người thân. Tội ghê cơ! Nhà mình nghèo, họ ở nơi xa đến, chả có cái gì để đãi đằng. Toàn cơm cá, canh cà cho nhau thôi”. Hỏi, được biết bà làm công việc này khá thường nhật mà chả đòi hỏi người đằng xa đến làm cái việc tri ân cho người nằm xuống kia cái gì. Tất tật, vẫn mình và gia đình “nhường cơm, xẻ áo đãi người đằng xa” vậy thôi. Và cũng lâu lắm rồi, nhờ cái lòng này mà người ta càng quý trọng cái “cô gái thép” một thời hơn.

Hạnh phúc đời thường của “cô gái thép” và người chồng thương binh.

Nắng, gió, se se và khô khắt! Bà tiếp chuyện chúng tôi. Câu chuyện ngược về một thời quá khứ hào hùng. Lại là câu hỏi muôn thuở của lũ nhãi con làm báo, rằng, cô đến với cách mạng từ nguyên do nào. Không chấp, bà sởi lởi: “Nguyên do mô gì. Nhà tôi vốn được mệnh danh là “cách mạng toàn tập” mà. Sao không toàn tập cho được. Ngay từ hồi thực dân Pháp đô hộ, trước áp bức, bóc lột, không chịu được, cùng một số người, cha mẹ tôi đã tham gia cách mạng ngay tắp lự. Rồi hai người nhanh chóng trở thành những chiến sỹ cách mạng trung kiên của miền đất Hải Lăng”. Bà Hoa là con út trong gia đình có 7 anh em. Các anh lớn đều theo bố mẹ, ngùn ngụt chí khí tham gia cách mạng. Gia đình bà đã trở thành “gia đình điển hình”, được mật thám Pháp luôn để mắt tới. Năm Hoa 5 tuổi, ấy là năm 1952, giặc Pháp tổ chức càn, mẹ bị bắt, và Hoa đã đớn đau khi tận mắt chứng kiến cái chết hết sức thảm thương của mẹ.

Đau đớn, lại ngùn ngụt chí khí, bà tham gia cách mạng ngay khi bước vào tuổi 13. Lúc này, Mỹ đã “hất cẳng Pháp”, theo hồ sơ tiếp quản được, gia đình bà cũng nhanh chóng được Mỹ đưa vào diện “theo dõi đặc biệt”. Để giúp đỡ cách mạng, trong những lần đi chăn trâu, theo sự phân công của tổ du kích xã, bà Hoa lại tay cặp lồng cơm để đánh trâu lên rừng. Nhưng cất giấu trong cặp lồng cơm ấy là tài liệu, công văn hỏa tốc mà bà đã nhận và chuyển lên rừng cho bộ đội. Năm 1962, ngoài nhiệm vụ đưa thư, bà còn nhận thêm trách nhiệm “tổ chức” tụi trẻ trâu cùng tuổi tham gia giao liên. Ngày đi chăn trâu, ngoài việc không để trâu ăn lúa, giẫm nương thì bà và các bạn còn nhận thêm trách nhiệm phát hiện ra các bãi bom, mìn mà binh lính Mỹ ngụy gài để báo cho bộ đội biết và tránh trong những đêm công đồn. Với sự khôn khéo và tận tụy này, bà liên tục được bầu làm chiến sỹ thi đua và năm 1967, lúc mới 19 tuổi bà đã được bầu làm Phó Bí thư huyện Đoàn Hải Lăng, một chức danh rất hiếm ở độ tuổi như bà thời ấy.

Năm 1968, trong cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân, bà đã được tỉnh giao phụ trách một mũi quân riêng, đánh vào một số cứ điểm của địch để góp phần “chia lửa” cùng đồng đội. Ngày 16/4/1968, trong một trận đánh đáng nhớ, do chênh lệch lực lượng, sau những giờ khắc quyết liệt, địch tăng cường thêm quân, ngoài việc tiêu diệt mũi quân thì chúng còn quyết tâm bắt và tiêu diệt bằng được “cô gái thép” đã tạo ra những ảnh hưởng quá lớn này. Để bảo toàn lực lượng, bà quyết định cùng nữ đồng đội Nguyễn Thị Chuyên trụ lại, cản đường cho anh em khác rút. Bà và nữ đồng đội bị vây hãm. Địch hăm hở lùa quân, ngoài việc gọi loa kêu chiêu hồi chúng còn dùng gậy sắt để thuốn tìm các bà.

Trong tình cảnh “ngàn cân treo sợi tóc” ấy, bà Hoa đã hội ý cùng người bạn. Một quyết tâm được đưa ra là thà hy sinh chứ nhất định không thể chiêu hồi, không để rơi vào tay địch mà làm tổn thương đến nhuệ khí của anh em còn sống. Với 2 quả lựu đạn đã rút chốt, bà Hoa bật nắp hầm vọt lên, ném thẳng vào tụi giặc. Hai chớp lửa bùng lên. Nhưng ngay sau đó, một loạt đạn đã nhằm bà lia thẳng. Bà Hoa ngã xuống và rơi vào tay địch.

Người để lại sự mến phục cho hàng ngàn sinh viên

Khi vừa bị bắt, hai chiếc trực thăng đã hạ xuống và đưa bà đi. Tiếp sau đó là những trận đòn dã man, thế nhưng bọn chúng chẳng khai thác được gì ở người con gái kiên trung này. Ngày hôm sau chúng chuyển bà đến bệnh viện cho tiêm thuốc mê và cưa đứt chân phải của bà. Tỉnh dậy, thấy mình đã mất một chân, sự căm thù trong lòng bà lên tới đỉnh điểm. Tên địch canh chừng nói, bà là đối tượng nguy hiểm cần phải làm như vậy để bà hết đường hoạt động. Ngay lập tức, chỉ vào mặt tên sỹ quan, bà chửi: “Trừ lúc chết, tao còn sống sẽ chiến đấu đến cùng”.

Cuộc sống tuy tùng tiệm nhưng “cô gái thép” một thời vẫn hết sức lạc quan, yêu đời và luôn giúp đỡ người khác.

Cưa xong chân nhưng chúng cũng không thả bà ra, mà tiếp tục giam cầm trong nhà lao Quảng Trị. Một năm sau chúng đưa bà vào Đà Nẵng và đưa ra tòa xử. Chúng kết án bà 15 năm tù, 10 năm tội giết người, 5 năm cho tội hoạt động cách mạng. Lúc đó hàng ngàn sinh viên tại Đà Nẵng đã bao vây tòa án để phản đối, nhưng bản án vẫn được tuyên. Tuyên án xong, chúng hỏi bà còn muốn nói gì không? Giữa sự chứng kiến của nhiều sỹ quan binh lính Mỹ, bà Hoa chỉ thẳng vào mặt chúng và nói: “Chúng mày chờ tao ra tù, tao sẽ bắt chúng mày phải trả giá”. Dứt câu nói chúng đã đưa bà ra chiếc máy bay chờ sẵn ở sân và cùng với 7 đồng chí khác bay thẳng ra Côn Đảo.

3 tháng trên Côn Đảo, chúng lại đưa bà về nhà tù Tam Hiệp, Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh). Nhà tù Tam Hiệp lúc đó là nơi giam cầm các tù nhân nữ. Trong nhà tù có những tên tuổi nổi tiếng như Trương Mỹ Hoa, Võ Thị Thắng... Chế độ nhà tù tàn khốc, những lần tra tấn dã man nhưng phong trào đấu tranh của các nữ tù nhân vẫn rất mạnh mẽ. Kết quả của những lần đấu tranh mạnh mẽ là buộc chúng phải thả bà Hoa vào năm 1972.  

“Cổ tích” một chuyện tình

Về quê hương, gia đình ly tán, anh em người còn kẻ mất. Gác lại nỗi buồn, bà bắt tay ngay vào hoạt động cách mạng. Ngôi nhà quen thuộc năm nào lại trở thành nơi nuôi giấu cán bộ, bộ đội đi B. Năm đó Sư đoàn 308 cũng đóng tại nhà bà Hoa. Như bao đoàn trước đó, bà Hoa chăm sóc chu đáo từng bữa ăn, giấc ngủ, đêm đêm lại chân cao chân thấp ngồi canh chừng giặc. Chiến sỹ Ngô Quang Phú, chàng trai đất Thuận Thành, Bắc Ninh trong Sư đoàn 308 đã rất cảm động trước việc làm của cô thương binh Nguyễn Thị Hoa. Nhìn Hoa chống nạng nhưng vẫn toát lên sự mạnh mẽ khiến anh cảm động mất ăn, mất ngủ. Trước lúc lên đường vào Nam, anh đã kịp viết một bức thư đưa lại cho Hoa. Ánh mắt lưu luyến cùng cái chạm tay nhau lúc trao thư khiến trái tim Hoa lần đầu tiên trong đời loạn nhịp. “Đứng trước kẻ thù hay lúc bị cưa chân tôi chưa bao giờ run sợ nhưng không hiểu sao lúc anh Phú trao thư tôi bối rối đến thế”, bà Hoa nhớ lại.

Năm 1973, bà ra Bắc để làm chân giả và sau đó học tại trường Văn hóa Trung ương miền Nam tại Hưng Yên. Có lần bà gửi thư về Thuận Thành hỏi thăm gia đình anh Phú nhưng không thấy hồi âm. Dù trong lòng chưa bao giờ quên được hình ảnh anh Phú nhưng Hoa nghĩ rằng chiến trường ác liệt, thư đi không thấy hồi âm, chắc anh Phú đã hy sinh. Năm 1975, đất nước thống nhất, Phú trở về quê hương. Điều đầu tiên anh làm là đi tìm tung tích Hoa. Tiếng gọi tình yêu giúp hai người gặp được nhau. Sau bao năm xa cách, hai người  không thốt được ra lời, chỉ có những giọt nước mắt nhớ thương, hạnh phúc dồn nén bấy lâu rơi lã chã. Thế nhưng tình yêu của họ cũng gặp không ít trở ngại. Bản thân anh Phú khi trở về cũng là thương binh, ai cũng nói hai người thương binh lấy nhau sẽ rất khó khăn. Tuy nhiên, tình yêu mãnh liệt của họ cũng vượt qua mọi lời khuyên can. Năm 1977 họ tổ chức lễ cưới. Một năm sau đứa con trai đầu lòng chào đời được đặt tên là Ngô Thuận Lăng. Thuận là Thuận Thành, Lăng là Hải Lăng, quê hương của ông, bà kết thành tên con trai. Sau Lăng, một trai một gái nữa cũng lần lượt chào đời. Ba đứa con càng lớn, vợ chồng thương binh càng gặp nhiều khó khăn. Đầu năm 1990 cả gia đình phải dắt nhau vào Quảng Trị mưu sinh, với hy vọng sẽ vượt qua đói nghèo.

Được tỉnh Quảng Trị cấp cho ngôi nhà tình nghĩa nhưng bà Hoa nhất định không nhận. Bà xin mảnh đất mặt đường gần bên Thành cổ. Lý do bà Hoa chọn ở đó vì trong Thành cổ có nhiều người đã ngã xuống. Ở bên cạnh các anh, vợ chồng bà sẽ có quyết tâm hơn trong việc vượt qua khó khăn thường nhật. Ngày ngày, bà buôn thúng bán mẹt khắp mọi ngõ ngách ở Quảng Trị, hai con trai, đứa đi bán kem, đứa vớt bèo bên sông Thạch Hãn bán. Sự chịu thương chịu khó của cả nhà đã giúp ông bà vượt qua khó khăn và có của ăn của để. Bây giờ dù tuổi đã cao nhưng bà Hoa vẫn mở quán cơm nhỏ bên đường, ông làm thêm nghề cây cảnh.

Điều ông bà hạnh phúc nhất lúc này không phải là làm ra nhiều của cải vật chất. Đã nhiều năm nay gia đình ông bà trở thành “trạm giao liên” của những chiến sỹ năm xưa, mỗi lần họ có dịp về thăm đất lửa Quảng Trị, ông bà lại mời về nhà mình để nghỉ ngơi, để tâm sự về một thời máu lửa. Căn nhà nhỏ bên Cầu Trắng đối diện với Thành cổ Quảng Trị luôn tràn ngập tiếng cười, nhất là dịp kỷ niệm những ngày tháng lịch sử của dân tộc.

PHÚ MINH NGUYÊN/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh