THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 05:48

Có đủ cơ sở pháp lý để nâng độ tuổi trẻ em là dưới 18 tuổi

Thứ trưởng Đào Hồng Lan.

 

Xin Thứ trưởng cho biết về tiến độ xây dựng Luật BVCS&GD TE (sửa đổi) tại thời điểm này?

- Đến tháng 5/2015, dự thảo Luật BVCS&GD TE (sửa đổi) đã được chính thức gửi xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương và đăng trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ để lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân trong xã hội. Theo kế hoạch, dự án Luật sẽ được hoàn thiện để trình Chính phủ trong phiên họp tháng 6 của Chính phủ.

Sau khi được các thành viên Chính phủ nhất trí, dự án Luật sẽ được trình Quốc hội vào tháng 8/2015 để các đại biểu Quốc hội xem xét, cho ý kiến cụ thể tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII.

Dư luận vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về việc nâng độ tuổi trẻ em đến dưới 18 tuổi của dự Luật, so với Luật hiện hành là dưới 16 tuổi. Quan điểm của Thứ trưởng về việc này như thế nào?

-Luật BVCS&GD TE ban hành năm 2004 quy định: “Trẻ em là công dân Việt Nam dưới 16 tuổi”. Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em, cũng quy định “Trẻ em có nghĩa là người dưới 18 tuổi, trừ trường hợp luật pháp áp dụng với trẻ em đó quy định tuổi thành niên sớm hơn”. Trong dự thảo Luật sửa đổi quy định “Trẻ em là người dưới 18 tuổi”.

Việc điều chỉnh độ tuổi trẻ em trong dự thảo Luật này trên cơ sở các lý do cụ thể như sau: Về mặt thể chất và trí tuệ, các nghiên cứu khoa học trong nước và ngoài nước đều chỉ ra rằng độ tuổi dưới 18 là độ tuổi còn chưa trưởng thành đầy đủ về thể chất, trí tuệ và tinh thần.

Vì vậy, nhóm đối tượng dưới 18 tuổi cần được quan tâm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, tạo điều kiện để phát triển toàn diện đúng hướng cả về thể chất, trí tuệ và nhân cách. Đó cũng là giải pháp phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao trong tương lai.

Việt Nam đã phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em từ năm 1990. Năm 2012, Ủy ban về Quyền trẻ em của Liên hợp quốc đã khuyến nghị Việt Nam cần sớm sửa đổi các quy định luật pháp liên quan đến tuổi của trẻ em là dưới 18.

Việc điều chỉnh độ tuổi trẻ em là dưới 18 tuổi phù hợp với các quy định về độ tuổi trong giáo dục phổ thông, cũng như bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam về ngưỡng tuổi thành niên (18 tuổi) được quy định tại Hiến pháp, Bộ luật Lao động, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật hôn nhân và gia đình,...

Đa số ý kiến của các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án Luật và các đại biểu tại nhiều hội nghị, hội thảo góp ý cho dự thảo Luật BVCS&GD TE (sửa đổi) đều ủng hộ việc điều chỉnh độ tuổi của trẻ em là dưới 18. Kết quả thăm dò ý kiến trẻ em về những nội dung chính trong dự thảo Luật BVCS&GD TE (sửa đổi), có 34.557 trẻ em ở 63 tỉnh, thành phố tham gia, trong đó 53,5% trẻ em muốn tuổi trẻ em được điều chỉnh là dưới 18 tuổi.

Hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH đang xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương về dự án Luật, tiếp tục tiếp thu ý kiến để hoàn thiện dự thảo Luật BVCS&GD TE (sửa đổi) và rà soát các quy định pháp luật có liên quan đến việc điều chỉnh độ tuổi của trẻ em cho phù hợp.

Thứ trưởng Đào Hồng Lan(thứ 2, bên phải) tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, vươn lên học giỏi.

           Quy định bảo vệ trẻ em trong quá trình tố tụng và xử lý vi phạm pháp luật là một vấn đề mới. Xin Thứ trưởng cho biết thêm về nội dung này được quy định trong dự thảo Luật như thế nào?

-Bảo vệ trẻ em trong quá trình tố tụng và xử lý vi phạm pháp luật là một nội dung mới, tiến bộ và có nội hàm khá rộng đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện và đưa lại hiệu quả tốt. Bảo vệ trẻ em trong quá trình tố tụng và xử lý vi phạm pháp luật nhằm mục đích bảo vệ các quyền của trẻ em trong quá trình tư pháp, tránh việc gây tổn hại thêm cho trẻ em.

Nội dung bảo vệ trẻ em trong quá trình tố tụng và xử lý vi phạm pháp luật trong dự thảo Luật bao gồm các quy định mang tính nguyên tắc và định hướng cho việc sửa đổi, bổ sung các biện pháp áp dụng với trẻ em của hệ thống pháp luật cả về hình sự, dân sự và xử lý vi phạm hành chính.

Mọi trẻ em đều được đối xử công bằng, theo các nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng ý kiến của trẻ em và vì lợi ích tốt nhất cho trẻ em; được bảo vệ đầy đủ các quyền trẻ em trong tất cả các quá trình tố tụng dân sự, hình sự và xử lý vi phạm pháp luật về hành chính; được tự do bày tỏ ý kiến, nguyện vọng riêng; được hỗ trợ trong quá trình tố tụng; được luật sư đại diện và hỗ trợ pháp lý miễn phí; được bảo vệ quyền riêng tư.

Cơ quan tiến hành tố tụng phải bảo đảm tôn trọng quyền trẻ em trong suốt quá trình tố tụng, áp dụng các biện pháp cần thiết và thích hợp theo luật định để bảo vệ nhân phẩm, danh dự, an toàn, tài sản và các quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em.

Khi áp dụng các biện pháp tư pháp bổ sung cho trẻ em là người bị hại, trẻ em là người làm chứng trong quá trình tố tụng hình sự, cơ quan tố tụng phải thực hiện các biện nghiệp vụ phù hợp với mức độ phát triển tâm lý, sinh lý của trẻ em để hạn chế sự tổn hại của trẻ em trong quá trình phát hiện, điều tra, truy tố và xét xử; các cơ quan, tổ chức có liên quan phải phối hợp để trẻ em nhận được các hỗ trợ, trợ giúp trong quá trình tố tụng.

Tương tự, khi áp dụng các biện pháp tư pháp bổ sung cho trẻ em vi phạm pháp luật, cơ quan có thẩm quyền phải cân nhắc độ tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng hiểu biết về hậu quả hành vi của trẻ em, hoàn cảnh gia đình, tình trạng cá nhân của trẻ em; hướng đến mục đích giáo dục trẻ em và áp dụng các biện pháp để bảo vệ danh dự, nhân phẩm và tránh gây tổn hại cho trẻ em. Hình phạt tù áp dụng với trẻ em chỉ là biện pháp xử lý cuối cùng phù hợp.

Dự thảo Luật cũng quy định các nhiệm vụ của nhân viên công tác xã hội bảo vệ trẻ em trong quá trình tố tụng dân sự, hình sự và xử lý vi phạm pháp luật đối với trẻ em.

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Vân Khánh (ghi)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh