THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 11:10

Cơ cấu lại nền kinh tế phải đặt trong bối cảnh của dịch COVID-19

Trình bày báo cáo thẩm tra về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, về mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch, Ủy ban Kinh tế đề nghị cân nhắc điều chỉnh một số mục tiêu, chỉ tiêu do tác động của dịch COVID-19 dẫn tới khó khả thi như mục tiêu về số lượng doanh nghiệp; đồng thời nghiên cứu đề xuất chỉ tiêu, mục tiêu về chất lượng doanh nghiệp, nhất là việc đánh giá đóng góp của doanh nghiệp vào GDP theo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Theo Ủy ban Kinh tế, cơ cấu lại nền kinh tế phải đặt trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 có thể kéo dài và có những yếu tố bất định để có giải pháp phù hợp, sát với tình hình thực tế hơn để không lỡ nhịp với kinh tế thế giới.

Cơ cấu lại nền kinh tế lấy hoàn thiện thể chế, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo làm đột phá. Huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, gắn kết tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh; đặc biệt bảo đảm đa số người dân được hưởng lợi từ quá trình phát triển.

“Kế hoạch cần rõ nét hơn về các trọng tâm, trọng điểm các ngành, lĩnh vực và vùng, lãnh thổ. Tập trung để hoàn thành cơ cấu lại ba lĩnh vực trọng tâm giai đoạn trước chưa hoàn thành. Tiếp tục cơ cấu lại ngân sách nhà nước, giữ vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương. Phối hợp điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả với liều lượng hợp lý, tại thời điểm phù hợp và phối hợp chặt chẽ giữa hai chính sách để hỗ trợ tăng trưởng trên cơ sở bảo đảm an toàn nợ công và ổn định kinh tế vĩ mô. Có giải pháp tổng thể và phù hợp để giải quyết dứt điểm năng lực sản xuất dư thừa, nhất là đối với các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt, các dự án yếu kém, thua lỗ.”, báo cáo thẩm tra nhấn mạnh.  

chieu 29.10

Bên cạnh đó, theo Ủy ban kinh tế, Kế hoạch phải gắn với Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, tăng cường tính tự chủ, khả năng thích ứng của nền kinh tế. Xuất nhập khẩu, đầu tư công, tiêu dùng vẫn là trụ cột tăng trưởng nên phải xác định rõ những khó khăn cần tháo gỡ, những nội dung cần cơ cấu lại.

Cơ cấu lại ngân sách nhà nước cần kiểm soát chặt chẽ các nguồn vốn vay để đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; ưu tiên nguồn lực đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng; tăng tỷ trọng ngân sách nhà nước đưa giáo dục - đào tạo, khoa học, công nghệ trở thành nền tảng quan trọng và là động lực chủ yếu trong phát triển.

Cần cải thiện các yếu tố để tăng cường năng lực cho các loại thị trường, nhất là thị trường vốn, thị trường khoa học, công nghệ và thị trường lao động. Có giải pháp mở rộng năng lực thị trường vốn, vay trong khả năng huy động và khả năng trả nợ của nền kinh tế. Cải thiện các yếu tố để tăng cường năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế, nhất là vấn đề phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công; nâng cao chất lượng, tiến độ công tác chuẩn bị đầu tư; nâng cao năng lực quản trị, điều hành các dự án đầu tư; giải quyết các vấn đề về dự án chậm tiến độ, các yếu tố về quy hoạch.

Xây dựng và hoàn thiện nền tài chính quốc gia, nâng cao quy mô và hiệu quả hoạt động của thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm; khuyến khích phát triển các quỹ hưu trí, bảo hiểm thiên tai, nông nghiệp.

Hình thành các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu thực sự là động lực chính của tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế số ở tất cả các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Cơ cấu lại thị trường lao động phải gắn với chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành, lĩnh vực.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025

Thiết lập khung pháp lý cho thị trường sơ cấp, thứ cấp về quyền sử dụng đất. Kinh tế hóa ngành tài nguyên, xây dựng cơ chế minh bạch đánh giá giá trị đất đai, bất động sản theo cơ chế thị trường; huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo đảm công khai, minh bạch và khắc phục tình trạng tranh chấp, khiếu kiện, tham nhũng, lãng phí.

Thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển mạnh doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân cả về số lượng, chất lượng, hợp lý về cơ cấu ngành, nghề, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế. Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, thu hút các dự án FDI có chọn lọc phù hợp với định hướng trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030.

Theo Ủy ban Kinh tế, cơ cấu lại không gian kinh tế phải bao hàm được nội dung về phát triển các mô hình kinh tế xanh, kinh tế bao trùm nhưng phải tính đến đặc thù của từng địa phương, từng vùng kinh tế để thúc đẩy liên kết vùng, liên kết đô thị - nông thôn; đổi mới mạnh mẽ và nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị, phát triển hệ thống đô thị trung tâm phù hợp với chức năng của từng vùng.

Chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm dịch vụ quốc gia, thương hiệu cho một số mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam trên thị trường quốc tế; khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, sạch, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp theo hướng phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ có liên quan đến thiết bị vật tư y tế, dược phẩm và vắc - xin; dịch chuyển lên các công đoạn có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị của từng ngành công nghiệp.

Thái An

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh