CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 05:58

Cô bé “chim cánh cụt” Hoài Thương: Chưa bao giờ cảm thấy thiệt thòi, hờn trách ba mẹ vì sinh ra em không lành lặn

Nguyễn Hoài Thương là con gái thứ 2 của vợ chồng anh Nguyễn Văn Lợi và chị Trần Thị Cẩm Giang (ngụ ấp Cây Sộp, xã Tân An Hội, huyện Củ Chi, TP.HCM). Không có tay, chân nhưng cô bé Nguyễn Hoài Thương chưa bao giờ cảm thấy mình khiếm khuyết, thậm chí em cảm nhận mình rất đặc biệt. 

Cô bé Hoài Thương dễ ăn, dễ ngủ và đặc biệt có đôi mắt to tròn, gương mặt bụ bẫm, hay cười. Nỗi đau của vợ chồng chị Giang, anh Lợi cũng nguôi ngoai dần khi thấy nụ cười lạc quan của con.

Cô bé “chim cánh cụt” Hoài Thương: Chưa bao giờ cảm thấy thiệt thòi, hờn trách ba mẹ vì sinh ra em không lành lặn - Ảnh 1.

Cô bé Hoài Thương dễ ăn, dễ ngủ và đặc biệt có đôi mắt to tròn, gương mặt bụ bẫm, hay cười.

Cô bé 11 tuổi thổ lộ: “Ba con làm ở công ty in, mẹ ở nhà đi bán cá và thỏ. Con thường phụ mẹ đi bán. Trong các môn học, con thích nhất là vẽ. Con thích vẽ ba mẹ, chị hai và bác sĩ. Con ước mơ làm bác sĩ để chữa bệnh cho người nghèo nhưng con bị khuyết tật, nên chỉ ước mơ như vậy thôi!”, cô bé “chim cánh cụt” Nguyễn Hoài Thương (học sinh lớp 7 Trường THCS Thị trấn 2, huyện Củ Chi, TP HCM) bộc bạch. 

Chị Cẩm Giang kể khi mang thai, chị đến nhiều bệnh viện, siêu âm 8 lần nhưng nhận kết quả thai không có dấu hiệu bất thường. 9 tháng mang nặng, đẻ đau, vừa sinh con ra, nỗi đau thể xác còn chưa hết, chị Giang đã phải đối mặt với một nỗi buồn lớn hơn - con gái chị không có tay, chân như người bình thường. 

Chị Giang xuất viện, về nhà khóa chặt cửa, không cho ai đến thăm. Mấy tháng, đêm nào chị cũng khóc ướt gối. Đâu chỉ có nỗi đau, sự thất vọng, dằn vặt vì sinh con khuyết tật, chị Giang còn phải chịu đựng sự gièm pha của người đời. Khi ấy, chị nhiều lần nghĩ quẫn, chồng chị phát hiện can ngăn. Anh hiền lành, thương con và suy nghĩ tích cực, khuyên chị cố gắng sống vì hai con. 

“Sinh con bình thường nuôi dạy đã khó, nhưng với một đứa trẻ khuyết tật còn khó hơn. Tôi và chồng nhiều đêm ôm nhau khóc nhưng không bao giờ để con biết. Vợ chồng tôi vẫn may mắn khi Hoài Thương luôn vui vẻ, lạc quan, chúng tôi lấy đó làm niềm vui, phấn chấn, vươn lên cùng con”, chị bộc bạch.

Cô bé “chim cánh cụt” Hoài Thương: Chưa bao giờ cảm thấy thiệt thòi, hờn trách ba mẹ vì sinh ra em không lành lặn - Ảnh 2.

Tranh của bé Hoài Thương vẽ.

Ý thức được cơ thể khuyết tật, Hoài Thương luôn tự nhủ phải cố gắng học giỏi để không phụ lòng ba mẹ. Ở trường, cô bé có những người bạn tốt, nhiều bạn thân thường giúp đỡ, giúp Thương đẩy xe vào lớp. Ở nhà, cô bé có thể tự làm tất cả những việc như vệ sinh, thay quần áo, chải tóc… Cô bé còn giúp mẹ quét nhà, nấu cơm, xếp quần áo. Những buổi mẹ đi bán, Hoài Thương tự chiên trứng, nấu mì. Cô bé sử dụng hai cùi tay và răng để làm mọi việc.

Chị thú nhận bản thân hạnh phúc nhất khi Hoài Thương không buồn vì khiếm khuyết, luôn nỗ lực trong các công việc hằng ngày. “Một lần đi bán về, thấy con đang chiên trứng, tôi đứng quan sát, thấy con dùng cùi tay đập trứng, cầm nĩa, nghiêng hết người để lật trứng. Con vẫn tự làm và không cần tôi hỗ trợ. Con giúp mẹ phơi quần áo. Từ lúc con ra đời đến nay, tôi chưa bao giờ thấy con buồn. Tôi từng hỏi con có bao giờ cảm thấy thiệt thòi vì không có tay chân giống các bạn nhưng con thổ lộ không buồn. Tính cách Hoài Thương giống ba luôm mềm mại, hòa nhã. Hôm nay đến với chương trình, con dặn tôi kiềm chế cảm xúc, tôi hứa với con nhưng vẫn rớt nước mắt khi nghe những lời Hoài Thương tâm sự”.

Cô bé “chim cánh cụt” Hoài Thương: Chưa bao giờ cảm thấy thiệt thòi, hờn trách ba mẹ vì sinh ra em không lành lặn - Ảnh 3.

Hoài Thương thổ lộ: “Con vẫn kệ, miễn về nhà có ba mẹ. Con chưa bao giờ hờn trách ba mẹ đã sinh ra con không lành lặn”.

Chị Giang tiết lộ Thương là cô bé rất hiếu học. Lên 5 tuổi, mỗi lần đi qua một trường mẫu giáo, em đều ngước nhìn vào trong. Đến năm 6 tuổi, gia đình cố gắng đưa em đến trường và rất may mắn, em được trường Tiểu học Liên minh công nông xã Tân An Hội nhận. Đi học, em được lắp chân giả và chế một cái tay giả có đục lỗ tròn để đặt vừa cây bút. Đối với những trẻ em khác, việc có thể học tốt ở trường đã là điều chẳng hề dễ dàng gì còn đối với Thương, đó là một sự cố gắng mà không thể dùng từ ngữ để diễn tả được. Hoài Thương không có những ngón tay để đếm số, phải dùng que tính, sau này em được cô giáo hướng dẫn cách tính nhẩm. Thỉnh thoảng ở lớp, có những bạn nghịch ngợm, chọc ghẹo em bị “chất độc màu da cam, không có tay chân” nhưng Hoài Thương thổ lộ: “Con vẫn kệ, miễn về nhà có ba mẹ. Con chưa bao giờ hờn trách ba mẹ đã sinh ra con không lành lặn”.

Cô bé “chim cánh cụt” Hoài Thương: Chưa bao giờ cảm thấy thiệt thòi, hờn trách ba mẹ vì sinh ra em không lành lặn - Ảnh 4.

Chị Cẩm Giang trải lòng, bất cứ ba mẹ cũng có tình thương đối với con cái nhưng sinh ra con khuyết tật, ba mẹ khổ một, con khổ mười.

MC Ốc Thanh Vân nhận xét Hoài Thương mạnh mẽ, hạnh phúc, yêu đời. Cô động viên Hoài Thương bằng câu chuyện của “kình ngư không chân” Nguyễn Hồng Lợi, người từng đạt đạt 8 Huy chương Vàng bơi lội và vượt qua số phận, có một gia đình rất hạnh phúc. Cô tin Hoài Thương sẽ luôn nỗ lực, vững vàng khi trưởng thành: “Con chơi đá banh, đá cầu, bơi lội và làm công việc nhà giúp mẹ. Chúng ta nghĩ con có những điều hạn chế nhưng con luôn nỗ lực. Câu chuyện hôm nay minh chứng tình yêu thương của gia đình có thể giúp trẻ vượt qua đươc mọi trở ngại và số phận nghiệt ngã để vươn lên trong cuộc sống”.

Chị Cẩm Giang trải lòng, bất cứ ba mẹ cũng có tình thương đối với con cái nhưng sinh ra con khuyết tật, ba mẹ khổ một, con khổ mười bởi con phải sống với hình hài đó suốt đời. Vì vậy, chị cố gắng làm chỗ dựa cho con, bù đắp cho mất mất mát về hình hài của Hoài Thương.

PHA LÊ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh