THỨ HAI, NGÀY 25 THÁNG 11 NĂM 2024 03:05

Có bao nhiêu tiền mà nhà vợ Thanh Bùi đập bỏ Thuận Kiều Plaza?

 

Theo tin tức cập nhật, khu cao ốc liên hợp gia cư và thương mại Thuận Kiều Plaza (quận 5, TP Hồ Chí Minh) đã được một nữ đại gia bất động sản mua lại.

Cụ thể, chủ mới của Thuận Kiều Plaza - nữ doanh nhân gốc Hoa Trương Mỹ Lan đang có ý định phá dỡ toàn bộ công trình này để đầu tư xây dựng một dự án khác.

Thuận Kiều Plaza đang được chuẩn bị sang nhượng cho chủ mới

 Bà Mỹ Lan là chủ tịch HĐQT, đang sở hữu khối tài sản ước tính lên đến hơn 6.700 tỷ đồng tại Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát.

Theo giới thiệu trên trang web, tập đoàn Vạn Thịnh Phát thành lập năm 1992 với tiền thân là công ty TNHH Vạn Thịnh Phát.

Ban đầu, doanh nghiệp này chuyên hoạt động trong lĩnh vực thương mại và kinh doanh nhà hàng - khách sạn, nhưng hiện nay, Vạn Thịnh Phát kinh doanh trên nhiều lĩnh vực liên quan đến bất động sản. Hiện nay, đây là một trong những công ty hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực bất động sản.

Trong cơ cấu tổ chức của Vạn Thịnh Phát, thì có 2 pháp nhân mang tên “Tập đoàn Vạn Thịnh Phát”. Công ty thứ nhất là Công ty TNHH Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, tên viết tắt là VTP Group Holdings với vốn điều lệ 6.000 tỷ đồng. Đây có thể coi là công ty trung tâm của hệ thống Vạn Thịnh Phát. Tại VTP Group Holdings, bà Lan sở hữu 80% cổ phần, tương đương lượng vốn góp trị giá 4.800 tỷ đồng.

Công ty thứ hai là CTCP Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát, tên viết tắt là VTP Group. Đây chính là công ty có vốn điều lệ 12.800 tỷ đồng được đề cập trên website của Vạn Thịnh Phát. VTP Group Holdings góp hơn 5.200 tỷ đồng vào công ty này và là cổ đông chính sở hữu 41% cổ phần. Cá nhân bà Trương Mỹ Lan cũng góp 1.920 tỷ đồng, tương đương 15% cổ phần của VTP Group.

Bà Trương Mỹ Lan (bên phải) là một nữ doanh nhân giàu có và bí ẩn

 Như vậy, chỉ riêng tại 2 công ty trên, bà Lan đã sở hữu lượng cổ phần trị giá tới hơn 6.700 tỷ đồng. Với khối tài sản này, bà Lan có thể coi là một trong những người giàu nhất Việt Nam, tương đương với ông Dương Công Minh, Chủ tịch tập đoàn Him Lam hay bà Lê Thị Thúy Ngà, Chủ tịch tập đoàn Nam Cường. Tất nhiên, đây chỉ là con số tính theo mệnh giá.

Năm 2007, tập đoàn Vạn Thịnh Phát hợp tác với công ty cổ phần đầu tư Times Square Việt Nam và tập đoàn Sài Gòn Peninsula để hình thành nên nhóm công ty chuyên liên kết đầu tư bất động sản.

Doanh nghiệp này được cho là có liên quan đến nhóm cổ đông của ngân hàng Sài Gòn (SCB) và tập đoàn VIPD - đơn vị đã bỏ ra số tiền lên tới 10.000 tỷ đồng để mua lại tòa tháp Vincom Centre A vào tháng 6/2013.

Tuy nhiên, cái tên Vạn Thịnh Phát thực sự được chú ý khi tại phiên xét xử bị cáo Dương Tự Trọng ngày 7/1/2014, ông Dương Chí Dũng (anh trai Dương Tự Trọng, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam - Vinalines, nguyên Cục trưởng Cục Hàng Hải, Bộ GTVT) khai nhận 20 tỷ đồng để được làm dự án chuyển đổi công năng Cảng Sài Gòn của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát do bà Trương Mỹ Lan làm chủ tịch.

Được biết, tòa Thuận Kiều Plaza có vốn đầu tư lên tới 55 triệu USD, đang được công ty Vạn Thịnh Phát hoàn tất thủ tục mua lại và đang có ý định phá dỡ toàn bộ công trình này để đầu tư xây dựng một dự án khác.

Theo một nguồn tin đáng tin cậy của báo Trí thức trẻ, quá trình chuyển nhượng lại dự án sẽ không diễn ra nhanh được và phải mất ít nhất 2 năm nữa mới hoàn tất, mặc dù giá cả của thương vụ này đã được thống nhất.

Bên cạnh Thuận Kiều Plaza là dự án mới nhất, Vạn Thịnh Phát còn đầu tư vào nhiều danh mục bất động sản khác như Times Square, Sherwood Residence, Trung tâm dịch vụ văn phòng Vạn Thịnh Phát, Khách sạn Windsor – An Đông Plaza, hay dự án Saigon Peninsula…

Đặc biệt trong đó phải nhắc tới Times Square thuộc sở hữu của Vạn Thịnh Phát, là một trong những tòa nhà cao nhất thành phố nằm trên hai cung đường sầm uất, sang trọng nhất TPHồ Chí Minh - Nguyễn Huệ và Đồng Khởi.

Times Square lừng lững bên cạnh tòa Bitexco

Tổng thể kiến trúc Times Square gồm tòa tháp cao 39 tầng thiết kế theo hình chữ L, có khối bệ 6 tầng và 3 tầng hầm với tổng diện tích xây dựng khoảng 90.000m2.

Tờ báo LATimes của Mỹ từng đăng tải thông tin và hình ảnh về khách sạn The Reverie bên trong tòa nhà Time Square. Đây là khách sạn 6 sao duy nhất tại TP.Hồ Chí Minh với nội thất được thiết kế vô cùng sang trọng, lộng lẫy.

Tòa nhà Times Square có quy mô 3 tầng hầm và 40 tầng cao, gồm hai tháp đôi cao khoảng 165m và cách nhau 21,25m. Tháp xoay ra mặt đường Nguyễn Huệ được sử dụng là khách sạn 5 sao với 300 phòng; tháp phía mặt đường Đồng Khởi là khu căn hộ cao cấp với 100 căn hộ đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Times Square có phòng khánh tiệc với sức chứa 650 người. Tòa nhà này cũng có bãi đỗ trực thăng đặt trên nóc nhà và phần đế 6 tầng dành cho khu mua sắm, giải trí.

Đặc biệt, điều khiến nhiều người phải choáng ngợp là giá phòng thấp nhất tại khách sạn 6 sao này là 5,7 triệu đồng/đêm và cao nhất là... 320 triệu đồng/đêm.

Ở mảng kinh doanh nhà hàng, Vạn Thịnh Phát sở hữu nhà hàng cà phê Central Nguyễn Huệ, nhà hàng Hữu Nghị và nhà hàng Đức Bảo, đều nằm ở trung tâm quận 1, TP.Hồ Chí Minh.

Vạn Thịnh Phát được xếp vào hàng những công ty gia đình lớn và bí ẩn nhất Việt Nam, thông tin về những người chủ đều chỉ có một vài dòng ngắn gọn trên website và họ gần như không tiếp xúc với giới truyền thông.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh