CMCN 4.0: Lao động không đáp ứng nhu cầu sẽ bị đào thải
- Bài thuốc hay
- 19:05 - 22/06/2019
Định hướng nghề nghiệp phải gắn với nhu cầu thị trường lao động
Tác động của cuộc CMCN 4.0 đang ngày càng gia tăng, ảnh hưởng trực tiếp lên thị trường lao động. Theo đó, sẽ có rất nhiều ngành nghề buộc phải cắt giảm nhân công (như dệt may, da giày) để đảm bảo bắt kịp xu thế và duy trì sản xuất. Hàng loạt công nhân sẽ có nguy cơ mất việc làm, thậm chí, trong khu vực sản xuất kinh doanh, nếu lao động không đáp ứng được nhu cầu thì ngay lập tức sẽ bị đào thải, loại khỏi dây chuyền sản xuất.Tuy nhiên, đổi lại, một số ngành nghề sẽ “lên ngôi” trong thị trường lao động 5-10 năm tới
Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. HCM, có 5 nhóm ngành sẽ phát triển trong xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 Dẫn đầu là nhóm ngành công nghệ thông tin (phân tích dữ liệu, kỹ thuật phần mềm, an ninh mạng,....) và công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh tài chính và nhiều lĩnh vực khác. Tiếp đó là công nghệ tự động hóa (cơ điện tử, điện tử, điều khiển tự động, chế tạo ô tô, chế tạo vật liệu…); Các ngành kỹ thuật xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng cao cấp, năng lượng, công nghệ in 3D; Các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ chế biến, kỹ thuật y sinh (tích hợp kỹ thuật số - vật lý - sinh học)…Nhóm ngành quản trị, dịch vụ quản trị tài chính - đầu tư, logictis, du lịch, dinh dưỡng...; Nhóm ngành nghệ thuật, xã hội, nhân văn và sáng tạo (như kiến trúc, thiết kế, dịch thuật...)
Trong những nhóm ngành nghề trên, Công nghệ thông tin (CNTT) được coi là ngành cốt lõi của CMCN 4.0, có khả năng miễn dịch với khủng hoảng kinh tế. Dự báo từ nay đến năm 2020, Việt Nam sẽ thiếu 400.000 nhân lực làm CNTT, mỗi năm Việt Nam thiếu 80.000 người. Trong khi đó, mỗi năm thị trường chỉ cung cấp 32.000 sinh viên tốt nghiệp CNTT và các ngành có liên quan đến CNTT. Ngoài ra, các ngành công nghệ kỹ thuật điện; robot và trí tuệ nhân tạo – tâm điểm của CMCN 4.0 cũng sẽ phát triển rất mạnh. Bên cạnh đó, các ngành: Công nghệ sinh học - tạo ra năng suất lao động cao và tạo ra sản lượng cho doanh nghiệp ; các ngành về dịch vụ và dịch vụ tài chính cũng sẽ “lên ngôi” trong thời kỳ CMCN 4.0.
CMCN 4.0 mang đến cơ hội cho nhiều ngành nghề
Hiện nay nước ta có khoảng 1,1 triệu người thất nghiệp, trong đó, người thất nghiệp có trình độ đại học là trên 200.000 người. Lựa chọn việc làm trong tương lai luôn là vấn đề "đau đầu" của nhiều người, đặc biệt là những học sinh, sinh viên đang đứng trước ngưỡng cửa tìm ngành nghề phù hợp cho bản thân. Việc nắm bắt thông tin và định hướng nghề nghiệp trong tương lai gắn với nhu cầu thị trường lao động vô cùng quan trọng. Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết , những tác động của cuộc CMCN 4.0 ảnh hưởng đến sự chuyển dịch và thay đổi các ngành, nghề như thế nào đã cơ quan soạn thảo được dự báo trước trong quá trình làm Luật Việc làm, "Công việc dự báo về thị trường lao động của cơ quan quản lý Nhà nước là rất quan trọng. Chúng ta giao việc đó cho trung tâm dịch vụ việc làm; điều tra, đánh giá tình hình lao động, tình hình thất nghiệp và dự báo thị trường lao động để kết nối giữa cung lao động và cầu lao động" - ông Lợi nhấn mạnh.
Chú trọng đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực
Để đáp ứng yêu cầu cơ cấu ngành nghề sẽ thay đổi rất nhanh trong cách mạng công nghiệp 4.0, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM cho rằng, thanh niên cần thay đổi quan điểm, tác phong lao động và thay đổi công việc. Đối với thế hệ trước đây, người lao động giỏi chuyên môn, tay nghề giỏi là có thể thành công, nhưng ngày nay hai điều đó chỉ một phần, quan trọng nhất là người lao động phải có sáng tạo, đổi mới gắn liền với sự phát triển của công nghệ.
Theo ông Trần Anh Tuấn, tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 khiến cho các ngành nghề sẽ chuyển đổi, phát triển, người lao động phải thích ứng được điều đó. Để chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho cuộc cách mạng 4.0, ngành nghề đào tạo phải phát triển theo hướng tích hợp của nhiều lĩnh vực; trong đó cốt lõi là công nghệ thông tin.
Còn ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh: "Chúng ta cần đi trước đón đầu cuộc CMCN 4.0. Song không chỉ đơn thuần là đào tạo nhân lực cho tương lai mà còn là đào tạo lại nguồn lao động đã có, đang làm việc trong các dây chuyền sản xuất. Nhà nước và doanh nghiệp cần phối hợp trong vấn đề này. Vì vậy, ngay trong các cơ quan, doanh nghiệp, cần đào tạo bổ sung thêm các ngành nghề dịch vụ khác cho người lao động để phục vụ tương lai. Các doanh nghiệp cần phát huy tính năng động trong vấn đề này. Đồng thời, các trung tâm dịch vụ việc làm cần định hướng cho các doanh nghiệp”