THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:23

CMCN 4.0 đòi hỏi cao hơn về chất lượng lao động xuất khẩu

CMCN 4.0 đòi hỏi  cao hơn về chất lượng lao động xuất khẩu - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Gia Liêm- Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước

Ông có thể đánh giá đôi nét về hiệu quả của công tác XKLĐ trong thời gian qua?

Trong những năm gần đây, số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tăng tăng đều hàng năm, trung bình mỗi năm tăng khoảng gần 10.000 người. Năm 2015 là 116 nghìn người; 2016 hơn 126 nghìn người; 2017 là gần 135 nghìn người; 2018 gần 143 nghìn người. Năm 2019, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 152.530 lao động  đạt 127,1% kế hoạch (kế hoạch đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2019 là 120.000 lao động). Số lao động đi làm việc ở nước ngoài nói trên, tập trung phần lớn vào các thị trường có thu nhập khá cao như: Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc (chiếm 90 – 95%) và một số nước Đông Âu với các ngành nghề cơ khí, sản xuất chế tạo.

Kết quả đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài nói trên đóng góp không nhỏ vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cụ thể:

Giải quyết và tạo việc làm cho người lao động: theo số liệu thống kê hàng năm, số lao động đi làm việc ở nước ngoài chiếm tỷ lệ khoảng 8 – 10% tổng số lao động được giải quyết việc làm (khoảng 1,4 đến 1,6 triệu người),

Tăng thu nhập cho người lao động: thu nhập của người lao động đi làm việc ở nước ngoài thường cao hơn nhiều so với thu nhập của họ ở trong nước. Tại Nhật Bản và Hàn Quốc khoảng 1400 – 1800 USD, Đài Loan, Châu Âu khoảng 800 – 1300 USD, các nước khác khoảng 500 – 800 USD, đặc biệt đối với lao động có tay nghề cao thu nhập khoảng 1500 – 2000 USD.

Đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề:  người lao động đi làm việc ở nước ngoài có cơ hội tiếp cận được với các công nghệ, máy móc hiện đại, tiếp thu được kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm ở nước ngoài dế dàng tìm kiếm được việc làm trong nước ở vị trí công việc tốt và thu nhập khá. Bên cạnh đó, đây cũng là nguồn nhân lực có chất lượng, có trình độ nghề và chuyên môn để góp phần trong việc thu hút đầu tư nước ngoài và thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam

An sinh xã hội được nâng lên: với thu nhập tích lũy có được từ đi làm việc ở nước ngoài, giúp cho người lao động và gia đình ổn định cuộc sống, có thể nói là đổi đời, đời sống gia đình người lao động được nâng cao, xóa đói giảm nghèo, đồng thời góp phần xây dựng và phát triển thôn, xóm nơi người lao động sinh sống.

Vậy, nhu cầu nhân lực tại các thị trường lao động ngoài nước hiện nay ra sao, thưa ông?

Khu vực Đông Bắc Á với sự tăng trưởng kinh tế ổn định, các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ tiếp tục phát triển, trong khi tình trạng già hóa dân số đã khiến cho nhu cầu về nhân lực tăng lên mạnh mẽ mà nguồn nhân lực trong nước không thể đáp ứng, đòi hỏi các nước có sự điều chỉnh chính sách trong việc nhập cư lao động nước ngoài. Nhật Bản chỉ trong ba năm gần đây đã thông qua 2 luật về tiếp nhận lao động nước ngoài, như luật về chương trình thực tập kỹ năng người nước ngoài (năm 2016) và luật sửa đổi luật xuất nhập cảnh và tị nạn trong đó cho phép tiếp nhận lao động kỹ năng đặc định người nước ngoài làm việc ở Nhật Bản (năm 2018), theo đó kéo dài thời hạn làm việc của người lao động làm việc tại Nhật Bản; Đài Loan cũng sửa đổi chính sách cho phép người lao động nước ngoài được tái nhập cảnh vào làm việc, cũng như kéo dài thời hạn làm việc cho lao động nước ngoài; Hàn Quốc mặc dù tình trạng thất nghiệp của lao động trong nước tăng lên so với trước đây, nhưng vẫn duy trì mức hạn ngạch nhập lao động nước ngoài đến làm việc, đồng thời mở ra hướng tiếp nhận lao động đến làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và ngư nghiệp.

Khu vực Đông Nam Á, chủ yếu là thị trường Malaysia, mức lương và thu nhập không cao hơn nhiều so với trong nước, nên người lao động và doanh nghiệp không còn quan tâm nhiều đến thị trường này. Mặc dù gần đây Malaysia đã đưa ra một số chính sách có lợi cho người lao động, nhằm giảm các khoản chi phí và đóng góp của người lao động nước ngoài.

CMCN 4.0 đòi hỏi  cao hơn về chất lượng lao động xuất khẩu - Ảnh 2.

Điều dưỡng viên Việt Nam tham gia khóa đào tạo trước khi sang Nhật Bản làm việc.

Khu vực Trung Đông, do ảnh hưởng của giá dầu mỏ nên tình hình tăng trưởng kinh tế có chững lại, nhu cầu về nguồn nhân lực không nhiều như trước đây, đồng thời mức lương và thu nhập không cao nên không sức hấp dẫn đối với lao động Việt Nam giảm mạnh so với trước đây; một số nước trong khu vực như Cô-oét, Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất Emirate (UAE), Ả-rập Xê-út … cũng đang xem xét thay đổi chính sách nhằm thu hút sự quan tâm của các nước xuất khẩu lao động và người lao động đặc biệt là lao động có trình độ tay nghề.

Khu vực Châu Âu, do sự di chuyển lao động từ các nước Đông Âu sang các nước phát triển Tây Âu, do đó các nước Đông Âu có nhu cầu lao động nước ngoài đến làm việc để bù đắp sự thiếu hụt trong một số lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nông nghiệp.

Có thể nói, thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam đang được mở rộng theo hướng tích cực, trước đây chúng ta phải tích cực tìm kiếm, khai thác thị trường lao động ngoài nước, nhưng hiện nay nhiều nước, thị trường lao động ngoài nước đã chủ động đề nghị ta cung ứng lao động sang, đặc biệt là lao động có trình độ chuyên môn, kỹ năng.

Theo ông, cuộc cách mạng 4.0 sẽ tác động thế nào đến thị trường xuất khẩu lao động trong thời gian tới?

Trong bối cảnh hiện nay, tình hình kinh tế thế giới có những chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ khủng hoảng quốc tế và khu vực tác động sâu sắc đến nền kinh tế và thương mại toàn cầu. Tăng trưởng kinh tế thế giới, sự tiến bộ khoa học công nghệ với tốc độ nhanh và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trở thành lực lượng sản xuất thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Những vấn đề nói trên đã tác động rất lớn đến nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực ở các nước và khu vực trên thế giới theo cả chiều hướng tích cực và tiêu cực.

 Trong thời gian qua, do nhu cầu tiếp nhận lao động ở các thị trường không đòi hỏi phải là lao động có trình độ, chuyên môn kỹ thuật nên phần lớn lao động ta đi làm việc ở nước ngoài là những người lao động phổ thông, lao động qua đào tạo nhưng chỉ ở trình độ thấp. Tuy nhiên, với sự tiến bộ của khoa học công nghệ và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thị trường lao động sẽ có những đòi hỏi và yêu cầu cao hơn đối với người lao động về chất lượng, trình độ, kỹ năng và chuyên môn. Nhu cầu đối với lao động không nghề, hoặc nghề giản đơn sẽ giàm xuống, nếu còn cũng không hấp dẫn đối với người lao động để đi làm việc ở nước ngoài.

Làm thế nào chúng ta có thể  đẩy mạnh việc đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và tăng cường hơn nữa việc đưa lao động sang các thị trường có thu nhập cao?

Như trên đã nói, xu hướng của thị trường lao động hiện nay và tới đây đòi hỏi nguồn lao động chất lượng cao được đào tạo cả về trình độ, kỹ năng nghề và kiến thức làm việc trong môi trường khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại. Bên cạnh đó, việc đưa lao động có trình độ, kỹ năng và chuyên môn sẽ vừa tạo cơ hội cho lao động ta vào được các thị trường lao động khó tính (thị trường chỉ tiếp nhận lao động có trình độ, chuyên môn kỹ thuật), vừa đàm bảo cho người lao động có nguồn thu nhập khá, công việc ổn định và có vị thế làm việc ở nước ngoài. Do đó để nâng cao chất lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài một cách căn bản cần phải có một số giải pháp sau:

Xây dựng và triển khai thực hiện các chính sách tạo điều kiện, hỗ trợ việc đào tạo, giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao;

Tạo sự kết nối và gắn kết giữa các doanh nghiệp XKLĐ với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để triển khai thực hiện việc ký kết các hợp đồng đặt hàng, tuyển chọn lao động được đào tạo bài bản cả về kiến thức, kỹ năng, trình độ và ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động;

Mở rộng thị trường lao động ngoài nước trong đó chú ý đến khai thác thi trường lao động đối với các ngành nghề chuyên môn, kỹ thuật nhằm nâng cao điều kiện làm việc, thu nhập và vị thế của người lao động ở nước ngoài;

Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo, giáo dục nghề nghiệp thông qua việc trao đổi với một số nước để ký kết thỏa thuận hợp tác trong đào tạo nghề đạt chuẩn của các nước đó, hoặc công nhận chứng chỉ nghề được đào tạo tại các trường nghề của Việt Nam tương đương với các trường chuyên môn của nước tiếp nhận lao động;

Đẩy mạnh công tác truyền thông cung cấp thông tin về nhu cầu lao động ở từng thị trường, lĩnh vực, ngành nghề, các yêu cầu về trình độ chuyên môn, tay nghề để người lao động và cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động trong việc tuyển sinh và đào tạo chuẩn bị nguồn nhân lực.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh