Chuyện về “ông trùm hoa hậu”
- Văn hóa - Giải trí
- 13:52 - 22/06/2018
Ông Dương Kỳ Anh tại nhà vườn Sóc Sơn (Hà Nội).
Từng có lần ông tâm sự với báo chí: “Vì tôi yêu thơ, yêu cái đẹp nên mới tổ chức thi hoa hậu. Thời điểm năm 1988, việc làm ấy bị cho là tuyên truyền lối sống Mỹ. Nếu tôi không phải là nhà thơ, không yêu cái đẹp thì không nghĩ đến thi hoa hậu. Việc đó lúc đó mạo hiểm lắm, có thể mất chức, thậm chí có khi còn hơn thế…”. Tức là tổ chức thi hoa hậu cũng bắt nguồn từ yêu thơ. Và cuối cùng, sau tất cả sự nghiệp cùng danh vọng đã có, “ông trùm hoa hậu” trở về điểm xuất phát: Một nhà thơ. Từ ngày về nghỉ, ông chọn lối sống “ẩn dật”, các sáng tác hầu hết được viết ở nhà vườn Sóc Sơn. Thỉnh thoảng tôi nhận được email của ông, có khi giới thiệu một bài viết mới đăng hoặc một bài thơ vừa sáng tác. Một sáng mở hộp thư, nhận được bài thơ thế này: “Ta về, hoa dại nở đầy lối đi…/Người khôn ở chốn kinh kỳ/Biết đâu hoa dại nở vì người khôn/Sáng nay một trận mưa nguồn/Dại khôn như nước chảy tuôn ngang trời/Người khôn ở chốn xa xôi/Có bông hoa dại nở vì người khôn”. Nếu ai hay đọc thơ Dương Kỳ Anh sẽ phát hiện “ông trùm hoa hậu” thường xuyên bị ám ảnh sự “dại, khôn” trong đời: “Bây giờ đi giữa mùa xuân/Ngày xanh lẫn vào tóc bạc/Bước dại vẫn còn ngơ ngác/Bước khôn sao cứ ngập ngừng”. Không đợi đến khi về ở ẩn, có thời gian thong thả ông mới ngẫm về dại, khôn, ngay trong tập thơ “Và anh đợi” (NXB Lao động, 1989) khi đó Dương Kỳ Anh còn bận bịu với “chiếc ghế” của mình, ông đã viết: “Gặp em chỉ một lần thôi/Mà đi cuối đất, cùng trời vẫn đi/Mới hay cái bệnh, tình si/Dại, khôn, ai biết đường đi lối về”…
Từng có thời Dương Kỳ Anh khiến đàn ông nước Việt phát ghen, khi là người đội vương miện lên đầu biết bao mỹ nhân. Sau cuộc thi, người ta còn thấy ông đi làm từ thiện cùng hoa hậu, rồi viết sách về hoa hậu, kể biết bao chuyện thâm cung bí sử. Không ít lần, ông say mê tán dương vẻ đẹp của các hoa hậu: “Trong buổi sáng tinh khôi của mùa hè, hình như con người cũng trở về thuở nguyên sơ. Gương mặt trái xoan, đôi mắt mơ màng, nụ cười bỡ ngỡ… Cổ tay, bờ vai, thân hình tròn lẳn, trẻ trung… tất cả toát lên một vẻ đẹp cũng tinh khôi. Tôi đứng nhìn Phương, không khỏi ngỡ ngàng…”. Còn đây là những lời “ngọc ngà” ông dành cho Nguyễn Thị Huyền, khi ông và lái xe mang cam đến thăm Huyền bị mệt: “Huyền vừa ngủ dậy, đang ngồi trên giường, mặc một chiếc váy ngủ màu hồng. Chưa bao giờ tôi thấy Huyền đẹp như vậy. Một vẻ đẹp rất nữ tính, “rõ ràng trong ngọc trắng ngà”… “Ông trùm hoa hậu” thật thà khai báo cảm xúc của mình về hoa hậu Nguyễn Thị Huyền khi được ngắm cô mới thức dậy: “Tôi bỗng run lên một cảm giác khó tả. “Anh ngồi xuống đây”, Huyền cầm lấy tay tôi rất tự nhiên. Suýt nữa tôi đã ngồi xuống giường và có thể không đứng dậy được…! Tôi bảo Huyền, giọng lạc đi: “Anh mang đến cho em ít cam… giờ anh phải về duyệt bài…”. Tôi đi như chạy ra khỏi căn phòng chỉ có một mình Huyền và ánh nê ông xanh… Ngồi trên ô tô, tôi vẫn còn run…”. Mê cái đẹp, run rẩy trước cái đẹp và không cần che đậy cảm xúc. Thế mới là Dương Kỳ Anh, thi sĩ!
Khi tôi về báo Tiền Phong, “ông trùm hoa hậu” vẫn đang tại vị. Sáng nào cũng thấy ông đi giày ba ta bước bộ từ nhà đến tòa soạn, cỡ hai cây số. Thỉnh thoảng thấy ông ăn sáng ở hàng bún riêu, bún ốc. Buổi trưa, Dương Kỳ Anh thường ghé một quán cơm bình dân ở gần cơ quan. Nghe nói, cái tên “Cơm hến” vẫn tồn tại đến bây giờ cũng là do Dương Kỳ Anh đặt cho quán. “Ông trùm hoa hậu” hồi ấy sở hữu chiếc xe ô tô cũ. Một lần, anh họa sĩ của báo mới tậu chiếc xe ô tô mới đã đưa tôi và Dương Kỳ Anh lên trang trại của ông. Trên đường đi chúng tôi nói chuyện phiếm. Dương Kỳ Anh cười đùa: “H. (tên anh họa sĩ) mới cần đổi xe mới chứ tớ cần gì. Xe cũ chở vợ già mới hợp tình, hợp lí”. Trong câu nói đùa của Dương Kỳ Anh có một phần sự thật. Cấm thấy Dương Kỳ Anh chở gái đẹp bao giờ. Cũng có thể ông sợ (hoặc nể) vợ. Song có lẽ ông sợ điều tiếng thì đúng hơn. Ngày ấy, tôi nghe một số chị em trong cơ quan thách nhau: “Đố ai cưa đổ sếp nhà mình”. Có câu chuyện hình như rất nhiều người đã biết. Một người đẹp, một nghệ sĩ piano từng dành tình cảm cho “ông trùm hoa hậu”, biết người ta thương mình, Dương Kỳ Anh cảm động lắm song không dám đón nhận, nỗi lòng được ông gửi gắm vào thơ: “Tiếng đàn em, bến bờ mờ âm thanh/Những bến bờ anh không sao đến được/Có những bến bờ biết là hạnh phúc/Thương mình đã nặng hai vai…”. Đến tầm mỹ nhân, giỏi cầm kỳ thi họa, “sếp” còn từ chối, “vì đời đã nặng hai vai”, thì còn ai có “cửa”?
“Ông trùm hoa hậu” và nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.
Có một nhà văn nổi tiếng không ít lần thắc mắc hỏi tôi: “Anh chẳng hiểu sao em “mê” được Dương Kỳ Anh? Tay ấy nhạt kinh khủng”. Rồi anh kể ấn tượng về “ông trùm hoa hậu”: “Một lần, anh nhìn thấy tay này đến báo Văn Nghệ, mặc bộ đồ sáng màu, đội cái mũ cũng sáng màu. Anh nhớ mãi hình ảnh nhạt nhẽo ấy. Cứ có cảm giác ngồi với tay này mình sẽ nhạt lây”. Tôi chỉ cười. Ở đời người ta chơi được với nhau còn do duyên, người ta không chơi được với nhau chưa chắc đã vì thâm thù gì ghê gớm, chẳng qua là sự vô duyên. Thế nên, người ưa, người không ưa Dương Kỳ Anh cũng là chuyện quá bình thường, như mọi sự trong cuộc đời này, vậy thôi.
Nhưng nói gì thì nói, không thể phủ nhận Dương Kỳ Anh là một nhà thơ, một người say đắm, nâng niu thơ ca hiếm thấy. Chính vì tôi là một độc giả hết sức chịu khó lắng nghe thơ ông nên may mắn được ông quí mến. Ngay cả khi ông về hưu, tôi và ông vẫn thường trao đổi với nhau qua email. Mồng 8/3 năm nào ông cũng gửi cho tôi một lời chúc qua email, ngoài chúc xinh tươi, vui vẻ như người đời vẫn thế, ông còn chúc tôi mãi yêu thơ ca. Suốt vài năm chúng tôi không gặp nhau ngoài đời, chỉ gặp nhau trên hộp thư điện tử. Khi Dương Kỳ Anh còn đương chức, một số người ở cơ quan đặt cho tôi biệt danh “nàng thơ” của “sếp”. Chẳng là, “ông trùm hoa hậu” có viết tặng tôi một bài thơ, “Người về Cao Bằng mùa xuân”, vì Tết nào tôi cũng “bỏ phố về rừng”: “Người về Cao Bằng mùa xuân/Mõ trâu lóc cóc/Mõ trâu điểm nhịp/Thời gian luân hồi/ Mùa xuân trên lưng trâu/Người thả/ Hoang sơ giữa đại ngàn/Buộc vào cổ trâu tiếng mõ/Buộc vào cổ trâu/Thời gian…”. Vẫn còn nhớ, từ Hà Nội ông gọi điện lên Cao Bằng cho tôi và đọc bài thơ này vào một mùa xuân đã xa. Sau này, bài thơ xuất hiện trên báo, trong sách, trở thành một trong những bài thơ được đọc nhiều của Dương Kỳ Anh. Thi phẩm viết theo thể tự do, không ngắn, không dài, bị người ta suy luận ở câu: “Người về Cao Bằng mùa xuân/ Núi đồi căng nở”. Ai bảo “Ông trùm hoa hậu” nhìn núi đồi ra dáng hình chị em? “Chết” ở đó. Tôi cũng từng nhận được những câu hỏi, đại loại như: Có gì với Dương Kỳ Anh không? Tôi không có thói quen giãi bày, bởi có bao giờ sự giãi bày của ta đủ thỏa mãn trí tò mò và năng lực tưởng tượng của người đời? Nhưng “có gì với nhau” quả thật là câu chuyện quá bình thường, đâu có gì để nói? Giống như câu hát của Trịnh Công Sơn: “Từng người tình, bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ”. Và nếu “có gì” với nhau, giờ này chắc tôi không thể ngồi đây để viết lại những câu chuyện thế này.