Chuyện về người lái xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập
- Văn hóa - Giải trí
- 16:47 - 23/04/2015
Thế hệ đầu tiên của Binh chủng Tăng thiết giáp
Về xã Yết Kiêu (huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) hỏi thăm ông Vũ Đăng Toàn, mọi người dân đều hỏi “ có phải ông Toàn xe tăng 390 không” và tận tình chỉ đường đến ngôi nhà nằm sâu trong ngõ nhỏ ở thôn Thượng Bì.
Đón chúng tôi trong bộ quân phục chỉnh tề với quân hàm đại úy, ông Toàn bảo “làm việc với nhà báo phải nghiêm túc chứ”. Bước sang tuổi 68 với mái tóc bạc trắng, song ở ông vẫn toát lên vẻ tinh anh, minh mẫn, tác phong nhanh nhẹn, dứt khoát theo kiểu “nhà binh”.
Ánh mắt ông ngời lên khi nhắc đến thời khắc lịch sử cách đây 40 năm, khi ông- Trung úy, Chính trị viên đại đội- chàng trai 28 tuổi, ra mệnh lệnh “cứ tông thẳng vào” và chiếc xe tăng 390 dũng mãnh gầm lên húc đổ cổng dinh Độc Lập, như một lời cáo chung cho chính quyền Sài Gòn.
Ông Vũ Đăng Toàn.
Ông Toàn nhập ngũ khi vừa tròn 18 tuổi, 3 năm sau (1968) ông là lớp người đầu tiên của binh chủng Tăng thiết giáp, đưa xe vào chiến trường Quảng Trị. Ngày 7/2/1968, lúc đó ông là chiến sĩ lái xe tăng, tham gia chiến đấu trận đầu tiên ở cứ điểm "Tà Cơn, Làng Vây", đường 9- Khe Sanh- Quảng Trị.
Trong chiến dịch giải phóng miền Nam và chiến dịch Hồ Chí Minh, ông Toàn là Chính trị viên Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2. Đơn vị ông tham gia nhiều trận như: Giải phóng TP. Huế, Tp. Đà Nẵng và các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ.
Càng về cuối cuộc chiến, áp lực đến với các đơn vị chủ lực như Tăng - Thiết giáp càng nặng nề, bởi vì binh chủng này được coi như lực lượng cơ giới hỏa lực mạnh có nhiệm vụ đột phá, là mũi nhọn thọc sâu vào sào huyệt cuối cùng của chế độ Sài Gòn.
Trong khi đó, ngụy quân trong cơn giãy dụa, hấp hối, điên cuồng chống trả quyết liệt. Chúng huy động hết mọi phương tiện khí tài, lực lượng dự bị ra chống cự, tử thủ. Những trận chiến đấu vô cùng quyết liệt giữa ta và địch liên tiếp diễn ra.
Ông Vũ Đăng Toàn (giữa) và đồng đội trên chiếc xe tăng lịch sử 390.
Đường tiến về Sài Gòn…
Sáng 30/4/1975, Tiểu đoàn tăng 1 do đồng chí Ngô Văn Nhỡ làm Tiểu đoàn trưởng được giao nhiệm vụ chủ công mở đường vào Sài Gòn. Mũi thọc sâu bắt đầu đánh từ tổng kho Long Bình, qua cầu Đồng Nai, ngã ba Thủ Đức, ngã ba Thủ Dầu Một, đến cầu Sài Gòn. Tại tuyến phòng thủ này quân ngụy chống trả rất quyết liệt.
Các hỏa lực mạnh từ xe tăng M48, M41, M113 bắn sang, tàu dưới sông Sài Gòn bắn lên, máy bay thả bom chặn bước tiến của quân giải phóng ở phía bờ bắc. Quân ta bị tổn thất khá nặng nề, hướng tiến quân bị chặn lại…
Ông Toàn kể: “Đại đội tăng 4 lúc đó có 7 xe, Ban chỉ huy đại đội gồm 3 người là trung úy Bùi Quang Thận (Đại đội trưởng), trưởng xe 843; thiếu úy Lê Văn Phượng, Phó đại đội trưởng Kỹ thuật và tôi là chính trị viên, trưởng xe 390. Sau khi hội ý, Ban chỉ huy quyết định không thể chậm trễ, phải tổ chức lại đội hình, tiếp tục tấn công mở đường, thọc sâu vào nội thành.
Sau khi được tổ chức lại, hỏa lực quân ta tập trung bắn mạnh sang bên kia sông để uy hiếp tinh thần. Cùng lúc đó, xe của trung đội trưởng Lê Tiến Hùng dẫn đầu, đến xe 390 rồi xe 843, lần lượt vượt cầu Sài Gòn, địch vỡ trận, tháo chạy.
Đến ngã tư Hàng Xanh, xe 390 bắn cháy 2 xe thiết giáp M113 của địch, sau đó rẽ trái, tiến về hướng dinh Độc Lập. Đến gần cầu Thị Nghè thì xe của Trung đội trưởng Lê Tiến Hùng bị địch bắn cháy, ông và các chiến sĩ bị thương, xe 390 vượt lên dẫn đầu đội hình gấp rút tiến về hướng dinh Độc Lập theo đường Nam Kỳ khởi nghĩa (Công Lý) và đường Nguyễn Thị Minh Khai. Xe 843 của Đại đội trưởng Bùi Quang Thận đi sau nhưng theo đường Lê Duẩn (đường Thống Nhất) ngắn hơn, thẳng trước cổng dinh nên tới trước.
Xe 843 lao vào cổng phụ nhưng bị kẹt không vào được bên trong dinh, lúc này xe 390 cũng vừa đến trước cổng chính. Lái xe 390 Nguyễn Văn Tập hỏi: “Thế nào Anh Toàn?”, tôi ra lệnh: “Tông thẳng vào”. Lái xe 390 lập tức tăng ga xe lao thẳng vào húc tung cánh cổng chính, tiến vào trước cửa dinh thì xe dừng lại.
Bước ra khỏi xe, tôi thấy Đại đội trưởng Thận đã mang cờ nên xách vội khẩu tiểu liên AK chạy theo ông Thận hỗ trợ và sẵn sàng chiến đấu. Khi chúng tôi đến đầu nhà thì có người tiến ra và giới thiệu "Tôi là chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, phụ tá của Tổng thống Dương Văn Minh. Tổng thống mời các ông lên làm việc".
"Có thêm người ra chỉ đường cho anh Thận lên nóc dinh cắm cờ, tôi theo Nguyễn Hữu Hạnh vào bên trong. Nội các của chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ có hơn 50 người, ông Hạnh dồn hết vào phòng khánh tiết và sang phòng phía sau mời Dương Văn Minh lên", ông Toàn kể.
Lúc này, Ngô Sĩ Nguyên cũng lên tới nơi, sau khi tham gia dồn nội các của Dương Văn Minh vào một chỗ, ông đứng gác ở cửa. Lái xe Nguyễn Văn Tập ở lại giữ xe tăng còn đại đội phó Lê Văn Phượng thì ngồi trên xe giữ khẩu 12 ly 7 chĩa lên phía lá cờ trên nóc dinh Độc Lập để sẵn sàng yểm hộ cho Bùi Quang Thận cắm cờ.
Tác giả (bên phải) với ông Vũ Đăng Toàn.
“Chúng tôi may mắn hơn đồng đội”
Ông Toàn giọng xúc động: “Khi ông Minh đi đến chỗ tôi, anh Phạm Xuân Thệ vừa lên tới. Thấy Tổng thống, anh Thệ nói “ tôi- đại úy Phạm Xuân Thệ, Trung đoàn phó Trung đoàn 66...”, tôi mừng quá thấy người cùng quân đoàn đã kịp thời tiếp sức cho minh. Tôi với anh Thệ chưa kịp tổ chức được việc gì thì đồng chí Trung tá Bùi Văn Tùng Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 lên kịp. Tổng thống Minh thấy đồng chí Tùng chào và nói: “ Thưa ông, chúng tôi đợi các ông vào để bàn giao chính quyền”.
Đồng chí Tùng đáp lại: “Các ông là người bại trận không còn gì để bàn giao, mà phải đầu hàng vô điều kiện”. Đồng chí Tùng, đồng chí Thệ và một số cán bộ của ta đưa Tổng thống Dương Văn Minh và Thủ tướng Vũ Ngọc Mậu ra đài phát thanh để tuyên bố đầu hàng vô điều kiện”.
Sau ngày 30/4/1975, chiếc xe tăng 390 cùng với kíp lái lại tiếp tục chi viện cho các mặt trận Tây Nam đánh đuổi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ, rồi trở ra bảo vệ biên giới phía Bắc. Cho đến năm 1985, bốn người lính trên xe tăng 390 mới chia tay nhau để trở về quê hương.
“Sau năm 1995, khi nữ nhà báo Pháp Francoise Demulder đưa ra những tấm hình bà đã chụp vào trưa ngày 30/4/1975 thì mọi người mới biết việc xe tăng 390 mới chính là chiếc xe húc đổ cổng dinh Độc Lập và 4 chiến sỹ trên chiếc xe tăng ấy mới là những người đầu tiên đặt chân vào sào huyệt cuối cùng của chế độ Sài Gòn”, ông Toàn nói.
Chúng tôi hỏi Ông Vũ Đăng Toàn nghĩ gì về chuyện này? Ông cười hiền lành và bảo rằng: "Đối với những người lính chúng tôi, xe nào vào trước, xe nào vào sau đâu có quan trọng gì, quan trọng là chúng ta đã giành chiến thắng.
Lịch sử chỉ diễn ra một lần, trong một thời khắc và chúng tôi là những người may mắn được chọn mà thôi. Chúng tôi thực sự may mắn và hạnh phúc hơn những đồng đội đã nằm xuống trên đường tiến về Sài Gòn- đến thắng lợi cuối cùng”.
Năm 2012, hai chiếc xe tăng T59 số hiệu 390 và T54B số hiệu 843 đều được công nhận là bảo vật quốc gia. Hiện xe tăng 390 được trưng bày tại Bảo tàng Tăng thiết giáp (đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội), còn chiếc tăng 843 được trưng bày trong Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam (28B Điện Biên Phủ- Hà Nội), được đặt ở vị trí trang trọng giữa những hình ảnh về chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975.