THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:40

Chuyện về người lái chiếc xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập

 

Xếp bút nghiên lên đường đánh giặc

Nằm sâu trong con đường Chiến Thắng, quận Thanh Xuân, Hà Nội là cơ sở sản xuất của hãng sơn Kova nơi ông Nguyễn Văn Tập đang làm thủ kho kiêm lái xe nâng.  Đón tiếp chúng tôi tại nơi làm việc, trong bộ quần áo bộ đội đã bạc màu, người lái chiếc xe tăng 390 năm xưa vẫn toát lên vẻ nhanh nhẹn, dứt khoát của người lính Cụ Hồ.

Sinh ra trong gia đình có 3 anh em trai ở thôn Đại Tỉnh, xã Hoàng Diệu, Gia Lộc, Hải Dương. Học xong lớp 7 ông được tuyển vào trường Cơ khí 2 của Bộ Cộng nghiệp nặng ở tại Vĩnh Phúc. Năm 1970,  cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước diễn ra ác liệt, đặc biệt chiến trường miền nam đang bước vào giai đoạn quyết liệt, rất cần sự chi viện về sức người sức của, nhất là lực lượng trí thức có thể nhanh chóng làm chủ khoa học, kỹ thuật quân sự hiện đại để đánh Mỹ. Là một trong những sinh viên không thuộc diện tuyển nghĩa vụ quân sự (vì lúc bấy giờ ông Tập có 2 người anh trai đang ở chiến trường) nhưng với tinh thần "Nước còn giặc còn đi đánh giặc” ông Tập đã viết tâm thư gửi lãnh đạo nhà trường với mong muốn được lên đường nhập ngũ. Sau 2 lần viết tâm thư đó cuối cùng ông đã được lên đường tham gia chiến đấu bảo vệ tổ quốc.  

 

Nguyễn Văn Tập – người lái chiếc xe tăng 390 húc đổ cánh cổng chính cổng dinh Độc Lập.

 

Thời gian đầu nhập ngũ ông được đưa vào đơn vị 325 ở Triệu Sơn, Thanh Hóa, huấn luyện bộ binh. Huấn luyện bộ binh xong, ông Tập được trúng tuyển vào bộ đội xe tăng tiểu đoàn 512 huấn luyện của trung đoàn 203 xe tăng. Kết thúc thời gian huấn luyện ở đơn vị xe tăng, năm 1971 đơn vị ông bắt đầu nhận nhiệm vụ đi chiến đấu.

Thời điểm ấy, ông thuộc Đại đội tăng 4, Tiểu đoàn tăng 1, Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2. Xe tăng 390 gồm có Trung úy Vũ Đăng Toàn, chính trị viên đại đội kiêm trưởng xe;  pháo thủ số 1 Ngô Sỹ Nguyên (trung sĩ); phó đại đội trưởng kỹ thuật kiêm pháo thủ số 2 Lê Văn Phượng (thiếu úy, lên thay pháo thủ số 2 bị thương) và ông Tập là trung sĩ lái xe.

Ông Tập kể, sau khi ký kết Hiệp định Pari, năm 1974, Đại đội 4, Tiểu đoàn 4 (Lữ đoàn 203) của ông rút về A Sầu – A lưới để huấn luyện, củng cố lực lượng, tăng gia sản xuất chuẩn bị sẵn sàng cho nhiệm vụ chiến đấu mới. Đến tháng 3/1975, cả đơn vị của ông bắt đầu bước vào những trận chiến đấu: Hai ngày 17/3 và 18/3/1975, chiến đấu tiêu diệt địch ở núi Bông, núi Nghệ (phía tây nam Huế); ngày 25/3/1975, đơn vị hành quân tham gia chiến đấu giải phóng thành phố Đà Nẵng. Sau đó đơn vị củng cố, bổ sung đạn dược, vũ khí và quân số. Thời điểm này, Đại đội 4, Tiểu đoàn 4 được chuyển về Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 203.

Đầu tháng 4/1975, đơn vị của ông tiếp tục nhận được lệnh hành quân thần tốc tiếp tục chiến đấu giải phóng các địa phương: Phan Rang, Phan Thiết, Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên, Khánh Hòa… Thời gian này, đơn vị của ông vừa đi, vừa đánh.

 

Ông Nguyễn Văn Tập cùng các đồng đội trên chiếc xe tăng 390 húc đổ cổng chính dinh Độc Lập 30/4/1975.


Mốc son của lịch sử

Ngày 26/4/1975, toàn bộ lực lượng bắt đầu bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh. Ba ngày sau, đại đội 4 đã giải phóng được toàn bộ căn cứ Nước Trong, trường sĩ quan thiết giáp của địch, tạo mũi thọc sâu cho Quân đoàn 2. Khoảng 7 giờ sáng 30/4/1975, Đại đội 4 xe tăng đã chiếm lĩnh được đầu cầu Sài Gòn. Lúc này, Đại đội 2 và Đại đội 3 thuộc Tiểu đoàn 1 bị thương vong rất nhiều, xe tăng của ta bị bắn cháy; đồng chí Ngô Quang Nhỡ - Tiểu Đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 đã hy sinh ngay tại đầu cầu Sài Gòn.

Khi vào đến thành phố để bảo đảm tính “thần tốc”, 7 xe tăng của Đại đội 4 được chia thành các hướng khác nhau tiến vào nội thành Sài Gòn. Xe tăng 390 đến ngã tư Hàng Xanh thì bất ngờ gặp 2 xe tăng M113 của địch lao ra; xe tăng 390 bắn ngay một quả đạn xuyên tiêu diệt luôn tại chỗ 2 xe của địch, không để cho chúng kịp trở tay.

“Khi đến gần dinh Độc Lập, xe chúng tôi phát hiện ra xe tăng 843 của anh Bùi Quang Thận đang tiến về hướng cổng chính dinh Độc Lập nhưng không hiểu sao sau đó lại rẽ sang cổng phụ bên trái và dừng lại. Thấy vậy tôi quay ra hỏi anh Toàn : “Thế nào anh?”, ông Toàn dứt khoát "Cứ tông thẳng vào". Ngay lập tức lái xe tôi đã nhấn ga, húc tung cánh cổng chính của dinh Độc Lập lao vào trong sân” – ông Tập nhớ lại.

Ông Tập cho biết: “Ngay khi xe đi qua cổng dinh Độc Lập, anh Vũ Đăng Toàn liền cầm cờ giải phóng trên nóc xe tăng 390 định xuống xe và chạy lên cắm cờ, thì anh Phương ngăn và trao đổi nhanh với anh Toàn rằng, anh Thận đang cầm cờ và chạy bộ ở phía sau. Anh em mình nên ở lại xe dùng pháo 12,7 ly yểm trợ cho anh ấy lên cắm cờ. Khi anh Thận chạy đến gần xe tăng 390, anh Toàn nhảy xuống xe và cầm theo khẩu AK hỗ trợ anh Thận chạy lên Dinh Độc Lập. Vào trong Dinh Độc Lập, anh Thận chạy lên cắm cờ, còn anh Toàn bước thẳng vào phòng họp khống chế toàn bộ nội các Dương Văn Minh “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Khoảng 10 phút sau, đồng chí Trung tá Bùi Văn Tùng, Chính ủy Lữ đoàn 203 có mặt kịp thời và bắt toàn bộ nội các Dương Văn Minh ra đài phát thành đọc tuyên bố đầu hàng vô điều kiện”.  

 

Cuộc sống đời thường của người lái xe tăng 390 năm xưa.

 

“Sau khi xe 390 húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập, các xe còn lại của Đại đội 4 cũng đã tiến vào bên trong Dinh Độc Lập. Tiếp đến, các xe tăng của Binh chủng tăng thiết giáp theo 5 cánh quân cũng tràn về Sài Gòn. Thời khắc đó, các đường phố trong nội thành Sài Gòn tràn ngập cờ, hoa, tưng bừng ngày hội lớn đón chào quân Giải phóng. Ngay trong sân của Dinh Độc Lập những người lính như chúng tôi vui mừng ôm nhau nhưng nước mắt cứ tuôn trào vì hạnh phúc” – ông Tập xúc động nhớ lại.

Ngay sau khi Miền Nam đã hoàn toàn được giải phóng, non sông đã được thu về một mối. Những người cựu chiến binh trên chiếc xe tăng 390 lại trở về với cuộc sống đời thường. Ông Vũ Văn Tập xuất ngũ năm 1976 và trưởng xe Vũ Đăng Toàn xuất ngũ năm 1985, đều trở về quê cha đất tổ vùng Gia Lộc, Hải Dương với công việc đồng áng. Cuộc sống đồng ruộng vất vả nhưng kinh tế vẫn rất khó khăn với những người lính chỉ quen với việc cầm súng. Đến năm 2004, sau khi chương trình “Huyền thoại chiếc xe tăng 390” được phát sóng trên VTV. Ông Toàn và ông Tập đã được PGS-TS Nguyễn Thị Hòa – Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Cty sơn Kova nhận vào làm việc.

Gắn bó với công ty sơn Kova đã 15 năm với công việc lái xe nâng kiêm thủ kho đã cho người cựu chiến binh Nguyễn Văn Tập mức thu nhập gần 9 triệu đống/tháng. Ông Tập cho biết, mức thu nhập như vậy với người nông thôn thì cao nhưng cuộc sống nơi phố thị cái gì cũng đắt đỏ khiến ông phải chắt chịu tiết kiệm để gửi tiền về quê cho vợ nuôi con. Nhờ nỗ lực cố gắng học hành mà hiện các con ông đã trưởng thành, có nghề nghiệp ổn định trong đó một người con đang là sỹ quan chuyên nghiệp tại một đơn vị xe tăng.

Những người cựu chiến binh trên chiếc xe tăng 390 năm ấy giờ đây họ vẫn tất bật ngược xuôi mưu sinh trong cuộc sống đời thường với bao vất vả nhưng họ chẳng bao giờ kể công hay giành danh lợi cho mình  với họ chỉ đơn giản với một nghĩ suy khi chiến tranh sẵn sàng cầm súng lên đường chiến đấu bảo vệ tổ quốc, lúc trở về họ lại lặng lẽ, khiêm nhường bình dị đúng như phẩm chất của người lính bộ đội Cụ Hồ.

NGUYỄN SÍU

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh