THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 07:52

Chuyện về một gia đình hơn 40 năm may cờ Tổ quốc

Nằm sâu trong con ngõ nhỏ ở phố Bùi Thị Xuân, phường Ngọc Trạo, gia đình bà Nguyễn Thị Mai là một trong số ít hộ có “thâm niên” vẫn giữ được nghề may cờ Tổ quốc còn sót lại ở Thanh Hóa. Đã hơn 40 năm qua, gia đình bà vẫn giữ hồn nghề may cờ Tổ quốc như một sứ mệnh thiêng liêng. Công việc này càng trở nên bận rộn trước mỗi dịp đất nước có các ngày lễ lớn như: Cách mạng tháng 8, Quốc khánh 2/9; khai giảng năm học mới hay Tết cổ truyền dân tộc…

Những lá cờ được bà Mai cẩn thận may

Những lá cờ được bà Mai cẩn thận may

Vốn sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống về may mặc, thế nhưng sau khi lập gia đình, bà Nguyễn Thị Mai đã quyết định chuyển sang may cờ Tổ quốc và gắn bó với nghề từ đó đến nay. Đối với bà Mai, may cờ không chỉ là công việc mưu sinh mà trong đó còn là sự đam mê với nghề. Nói về cái duyên gắn với nghề này, bà Mai cho biết: Năm 1976, bà lên đường nhập ngũ và được biên chế vào Trung đoàn 532, đóng quân tại Quảng Trị. 4 năm sau, bà xuất ngũ trở về quê hương công tác tại Quốc doanh may đo Thanh Hóa (thuộc thị xã Thanh Hóa, nay là TP. Thanh Hóa). Cũng từ đây, bà Mai bắt đầu bén duyên với nghề may cờ Tổ quốc. Tuy nhiên, công việc lúc bấy giờ chỉ mang tính thời vụ vào các dịp lễ, Tết.

“Ngày đó, bố tôi là người cắt vải và chỉ dạy cho tôi từng đường kim, mũi chỉ để hoàn thiện một lá cờ Tổ quốc. Bố tôi cũng làm việc tại Quốc doanh may đo Thanh Hóa và là thợ may có tiếng ở thị xã lúc bấy giờ. Cũng từ sự chỉ dạy tận tình đó mà tôi thêm yêu quý, trân trọng và gắn bó với nghề đến tận bây giờ”, bà Mai niềm nở kể.

Để may cờ đẹp, những ngôi sao được gắn kim trước khi may cho khỏi lệch tâm

Để may cờ đẹp, những ngôi sao được gắn kim trước khi may cho khỏi lệch tâm

Sau khi về hưu, bà Mai vẫn tiếp tục cần mẫn với công việc này. Mỗi ngày, bà Mai nhận may cờ Tổ quốc cho các tiểu thương tại chợ Vườn Hoa, các chợ ở thành phố và một số khu vực lân cận. Với tay nghề khéo léo của mình, sản phẩm của gia đình bà Mai được rất nhiều mối hàng yêu thích và tin tưởng. Những năm về sau, bà Mai dừng việc đi may thuê rồi về mở xưởng may cờ Tổ quốc tại gia đình. Cũng kể từ đó, gia đình bà trở thành nơi sản xuất cờ Tổ quốc nức tiếng và lớn nhất tỉnh Thanh Hóa. Thời điểm bận rộn, gia đình bà phải huy động đến 25 thợ may cùng làm. Mỗi ngày sản xuất 500 - 1.000 lá cờ.

“Treo cờ Tổ quốc là nghi thức thiêng liêng, thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào dân tộc. Vào những dịp lễ, Tết hay các sự kiện lớn của đất nước và địa phương, nhu cầu sử dụng cờ Tổ quốc tăng, đây cũng là lúc người may cờ như chúng tôi mới có nhiều việc nên tranh thủ ngày, đêm làm. May cờ Tổ quốc không khó như may quần áo nhưng phải trải qua rất nhiều công đoạn từ chọn vải đến may đo. Tùy theo nhu cầu của khách hàng, mình có thể lựa chọn vải từ bình dân đến chất lượng cao hơn nhưng vải may cờ phải là loại vải sa tanh, bóng, mịn, vải ngôi sao phải cứng hơn. Có như thế khi treo cờ mới bay đẹp, không bị nhăn, bị nhàu. Việc cắt ngôi sao để đính vào lá cờ cũng phải đồng đều. Nếu cánh sao bị lệch tâm với lá cờ sẽ rất xấu và không thể hiện được ý nghĩa của lá Quốc kỳ. Từ vải nguyên liệu, người thợ sẽ vẽ, cắt, dán và may thành từng lá cờ theo đúng quy định với chiều rộng bằng 2/3 chiều dài, ngôi sao 5 cánh màu vàng ở giữa. Một cánh sao có trục vuông góc với cạnh dài của lá cờ và hướng thẳng lên phía trên theo đầu cột treo.

Sau khi may, phần chỉ thừa, vải thừa được bà Mai kiểm tra kỹ để loại bỏ

Sau khi may, phần chỉ thừa, vải thừa được bà Mai kiểm tra kỹ để loại bỏ

Cái khó nhất của việc may cờ Tổ quốc chính là việc cắt, may ngôi sao vào lá cờ. Nhiều người thợ may có tay nghề nhưng chưa chắc đã may được ngôi sao vì dễ bị méo, nhăn hoặc phồng. Đây là công đoạn khó đòi hỏi người thợ phải có độ chính xác cao, có kinh nghiệm, khéo léo, tỉ mỉ, kiên trì và cẩn thận mới làm được, nếu tính toán không chuẩn thì sẽ hỏng cả lá cờ. Với thợ mới làm, mình phải hướng dẫn chi tiết khi thợ cài kim vào ngôi sao để ngôi sao không di chuyển, không lệch. Những lá cờ có kích cỡ nhỏ còn dễ, đối với những lá cờ kích thước lớn thì việc đính sao phải nhiều người làm mới chuẩn xác được…”, bà Mai chia sẻ.

Không chỉ đứng ra trực tiếp may cờ Tổ quốc, gia đình bà Mai còn may cả cờ Đảng. Ngoài ra, bà Mai được chồng và con trai phụ giúp mỗi khi nhàn rỗi. Anh Trần Tiến Quân (39 tuổi, con bà Mai) là thế hệ thứ ba của gia đình được truyền nghề may cờ Tổ quốc. Những lúc rảnh rỗi, anh Quân thường tranh thủ cắt vải, khoét sao, thậm chí sẵn sàng ngồi vào bàn may để phụ giúp gia đình.

Nhắc lại những kỷ niệm trong cuộc đời mình, bà Mai cho biết: “Cách đây rất lâu, một khách hàng xuống đặt một lá “Đại kỳ” dài hơn 15m để treo trong kỳ đại hội thể thao. Qua nhiều người giới thiệu, họ tìm đến xưởng may nhà mình bởi các cơ sở khác không thể làm được. Mình đã từng may nhiều rồi nhưng kích thước bé hơn. Khi nhận lá cờ to như thế, việc may sẽ rất khó nên mình cũng rất lo làm sao đảm bảo lá cờ phải đẹp, cánh sao phải thẳng, vải không được nhăn. Sau này khi trả hàng cho khách, họ mở ra xem và rất ưng ý bởi từng đường may, mũi chỉ, cánh sao đều rất đẹp, thẳng hàng. Khi đấy, gia đình tôi đều rất vui và hạnh phúc…”, bà Mai kể.

“Nghề may cờ không mang lại lợi nhuận cao như may quần áo nhưng mỗi người đều có một cái duyên với nghề. Với nghề may cờ, nó phù hợp với gia đình mình bởi nhiều người trong gia đình có thể phụ giúp. Gia đình tôi vẫn miệt mài gắn bó với nghề hơn 40 năm qua cũng vì niềm đam mê, tự hào làm ra những lá cờ mang hồn thiêng sông núi, tinh thần độc lập dân tộc và là hình ảnh thiêng liêng của Tổ quốc. Sản phẩm mình làm ra được treo ở những nơi trang trọng nhất trong gia đình, nơi cột mốc chủ quyền biên giới quốc gia, theo ngư dân vươn khơi bám biển, tung bay trên các tuyến phố nhân các ngày lễ lớn của đất nước, quê hương… Thực sự tôi cảm thấy rất hạnh phúc, tự hào. Những năm gần đây, nhiều xưởng may công nghiệp lớn, nhiều nơi sản xuất, tiểu thương cũng nhập hàng từ các tỉnh khác nên số lượng cờ sản xuất của gia đình cũng giảm sút. Tuổi đã cao, sức khỏe giảm nhưng còn sức tôi còn tiếp tục gắn bó với nghề này…”, bà Mai nói.

MỘC MIÊN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh