Chuyện về con đường huyền thoại mang “bí số” 111
- Văn hóa - Giải trí
- 14:30 - 27/03/2016
Cầu Hang Tôm – điểm bắt đầu của con đường mang bí số 111 năm xưa.
Ngày 7/5/1954, khi lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc hầm Đờ Cát, ghi dấu chiến thắng toàn diện của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp ròng rã ngót 3000 ngày. Sau chiến thắng này, các đơn vị quân đội thuộc nhiều binh chủng, các lực lượng dân công... rầm rập hành quân “về xuôi” để học tập, chỉnh huấn, tổng kết chiến dịch, chuẩn bị nhận nhiệm vụ mới, thì lại có một cuộc hành quân ngược dòng, ngược sông Đà men theo sông Nậm Na, tiến về Ma Lù Thàng để thực thi nhiệm vụ mới: Thi công Công trường 111!
Trong bối cảnh chiến dịch Điện Biên Phủ vừa kết thúc, sau Hiệp định Giơnevơ, Trung ương Đảng, Chính phủ giao cho Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông Vận tải, Đoàn Thanh niên xung phong (TNXP) và UBND tỉnh Lai Châu mở con đường chiến lược quốc phòng đặc biệt này. Đây là công trình lớn đầu tiên của miền Bắc XHCN. Đường dài 82km từ thị xã Lai Châu lên cửa khẩu Ma Lù Thàng (giáp giới tỉnh Vân Nam - Trung Quốc) với mục đích đề phòng nếu đế quốc Mỹ và bọn ngụy phá hoại Hiệp định. Bên cạnh ý nghĩa chiến lược về mặt quốc phòng dự phòng con đường còn có vai trò xung yếu nối liền Việt Nam với các nước XHCN Đông Âu, nối Lai Châu với biên giới phía Bắc.
Đội TNXP 34 và 40 những năm về trước.
Đội TNXP 34 và 40 (thuộc Đoàn TNXP Trung ương) là hai đơn vị TNXP được giao trọng trách. Đường được khởi công từ tháng 10/1954 và kết thúc vào tháng 6/1957 đã thu hút đến 8.000 TNXP thuộc các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh. Do yêu cầu nhiệm vụ cấp bách, các đơn vị vừa khảo sát, vừa mở đường tìm tuyến, vừa thi công.
Để thông suốt tư tưởng từ cán bộ đến đội viên, Liên chi ủy của hai đội 34 và 40 đã kết hợp phổ biến nhiệm vụ mới của Đảng, Chính phủ, Bác Hồ. Đoàn TNXP đã tin tưởng giao cho hai đội, với việc học tập, chỉnh huấn tại chỗ về mặt tư tưởng và chấn chỉnh tổ chức. Trước hết làm trong chi bộ rồi trong chi đoàn thanh niên, thực hiện lời dạy của Bác: “Thắng lợi tuy lớn, nhưng mới chỉ bước đầu… Chúng ta phải đấu tranh trường kỳ gian khổ, mới đi đến thắng lợi hoàn toàn.”
Hơn 8.000 TNXP thuộc hai đội 34 - 40, những người vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phục vụ thắng lợi chiến dịch Điện Biên Phủ, tiếp tục hành quân trên quãng đường dài ngót 300km. Vượt sông Đà, vượt bốn đèo “kinh hoàng” nhất Tây Bắc về độ dài và độ cao như Pha Đin, Cờ ra vô, Sìn Hồ. Vượt hơn 100km từ Lai Châu lên vùng giáp giới Ma Lù Thàng. Đây là vùng rừng nguyên sinh, chưa có đường, phải lần theo từng đoạn đường mòn đi xuyên trong núi cao, rừng rậm. Một cái khó nhất của việc thi công con đường này đấy là yếu tố bí mật “ngay trong thời bình”. Công trường này thi công theo kiểu âm thầm, giữ bí mật với UB Kiểm soát, giám sát Quốc tế theo hiệp định Giơnevơ đang đồn trú lúc đó tại cửa khẩu Hữu Nghị quan (Lạng Sơn). Ngoài số lượng TNXP hiện có, để có sức mạnh, Ba liên phân đội chủ lực cầu đường khoảng 500 - 600 quân gồm các dân tộc Thái, Mông, Xá, Khơ Mú cũng được huy động.
Nghĩa trang TNXP Chăn Nưa nằm tựa lưng vào bản Chiềng Chăn.
Thi công đường, theo thiết kế, nhiều nơi đường phải đi qua những nương, rẫy, nhất là qua các nhà mồ của người dân tộc Thái, Mèo, Hoa, Xá nên phải làm công tác dân vận. Thế nhưng trước ý nghĩa của con đường, nhiều bà con sẵn sàng di dời phần mộ cha ông, nhường đất cho cán bộ Cụ Hồ mở đường. Những đoạn đường mở qua núi, thi công rất nguy hiểm. Chỗ vách núi cao 35 - 45 mét, anh em phải bạt ta luy theo tiêu chuẩn kỹ thuật 1/1. Mặt đường rộng 4,5 mét, thì chiều cao 45 mét, tức phải mở sâu vào núi gần 50 mét. Có những chỗ khi thi công, anh em không dùng được cuốc xẻng, chỉ dùng xà beng cạy, chọc theo thớ.
Sau hơn 600 ngày lao động khẩn trương, con đường chiến lược xuyên giữa rừng sâu núi hiểm, qua ba huyện vùng sâu, vùng xa của Lai Châu là Phong Thổ, Mường Lay và Sìn Hồ, qua hai bến phà và hàng trăm cầu, cống, kè chống lở mặt đường đã hoàn tất. Ngày 13/6/1956, lễ “thông xe” đã diễn ra tại thị xã Lai Châu thực sự là một ngày hội lớn của nhân dân Tây Bắc. Hàng ngàn bà con các dân tộc Mèo, Thái, Lô Lô, Xá... mặc quần áo mới từ các bản làng xa xôi vượt núi vượt đèo về dự. Lần đầu tiên, bà con được nhìn thấy con ngựa có bốn cái chân chạy nhanh hơn ngựa nhà, có đôi mắt sáng và tiếng kêu rất lạ...
Đã gần 60 năm những người con miền xuôi lặng lẽ nằm lại với núi rừng Tây Bắc.
Nhưng để có con đường chiến lược ấy, hơn 100 TNXP đã vĩnh viễn nằm xuống khi đang làm nhiệm vụ vì khí hậu khắc nghiệt, ăn uống kham khổ, lao động nặng nhọc vất vả, phải lo đối phó thêm với bọn tàn quân thổ phỉ phục kích giật mìn, bắn lén... Con đường chiến lược hoàn thành. Đầu năm 1957, những người lính TNXP trước khi về xuôi, đã quy tập đồng đội và khởi công xây dựng nghĩa trang Chăn Nưa (thuộc bản Chiềng Chăn - xã Chăn Nưa, huyện Sìn Hồ, Lai Châu ngày nay).
Dọc tuyến đường 111 ngày ấy, cứ 20km lại có một điểm quàn hài cốt. Những người con xa xứ ấy đến nay vẫn mãi mãi nằm lại miền Tây Bắc và chỉ có 70 mộ chí có danh tính. Số còn lại mãi mãi không được định danh và quy tập do mất dấu tích vì cường độ gấp gáp của việc thi công tuyến đường. Gần 60 năm đã trôi qua, vết thương đã lành trên mảnh đất lửa đạn, tuyến đường chiến lược bí mật năm xưa giờ đã trở thành đường giao thông huyết mạch từ Điện Biên đi Mường Lay - Pa Tần lên thị xã Lai Châu mới, kéo dài đến biên giới Ma Lù Thàng. Con đường đã nhựa hóa và không còn rải đá cấp phối như thuở trước.
“Ở lại” với Tây Bắc và dòng Nậm Na ngày nay không chỉ có con đường mang bí danh “công trường 111”, hay đường 111 nữa. Bây giờ là con đường quốc lộ 12 từ thị xã Mường Lay (cũ) chạy lên thủ phủ hành chính của tỉnh mới Lai Châu và những người không bao giờ trở lại. Vì vận mệnh Tổ quốc thời kỳ ấy những thanh niên mười tám, đôi mươi ấy đã nằm lại nơi thượng nguồn của dòng Nậm Na.