THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:49

Chuyện rợn tóc gáy về chân người treo gác bếp

Bàn chân kinh dị

Trong chuyến tìm hiểu về bom mìn còn sót lại cán bộ Hà Giang, một sĩ quan bộ đội biên phòng tỉnh bảo rằng: “Ở xã Minh Tân, giữa rừng nghiến, có cái bản kỳ lạ lắm, có mấy cái chân người treo gác bếp”. Tuy nhiên, cụ thể của ai, tên người đó là gì thì ông... không biết.

Trong quá trình đi rà phá bom mìn, ông được người dân kể lại, chứ cũng chưa tận mắt. Bản Mã Hoàng Phìn nằm lọt thỏm giữa rừng nghiến, toàn núi đá tai mèo bao vây, chỉ có cách cuốc bộ cả ngày mới vào tới nơi. Đến cán bộ biên phòng còn chẳng mấy khi vào tới đó được, nên hành trình đến Mã Hoàng Phìn quả là gian nan. Nhưng chỉ cần có ít thông tin như vậy, tôi đã tìm đường lên Mã Hoàng Phìn.

Thiếu úy Âu Văn Dậu, Đồn biên phòng Thanh Thủy hộ tống tôi vào biên giới. Sau gần một ngày đánh vật với đèo dốc, với đá hộc lởm chởm, thì chúng tôi cũng có mặt ở Mã Hoàng Phìn, cái tên bản gợi lên sự mông muội, xa xăm.

Hỏi chuyện chân treo gác bếp, trưởng bản Vàng Seo Quả bảo: “Nhà thằng Hoa sau cánh rừng kia, trên đỉnh núi cao ấy. Nó là bạn mình mà. Hôm nó trúng mìn, mình còn đưa nó xuống viện cơ. Nó chính là thằng đã mang cái chân ấy về sấy trên gác bếp. Chính mắt mình cũng được xem cái chân nó mấy lần rồi”.

Tôi cuốc bộ theo chân trưởng bản Vàng Seo Quả tìm đến nhà Thào Mìn Hoa. Tuy nhiên, từ sáng sớm Thào Mìn Hoa đã chống nạng khập khiễng sang nhà bố vợ, ở xã Tả Van, (huyện Quản Bạ) thăm con, vì vợ chồng gửi 2 con ở bên đó. Ở nhà chỉ có vợ của Hoa là Sùng Thị Dính.

Theo chị Dính, chồng chị trúng mìn vào năm 2006. Hồi đó, thằng con lớn đã biết chạy nhảy, còn thằng nhỏ mới chập chững biết đi. Quả núi quanh nhà vợ chồng Dính ở vốn là bãi mìn. Tuy nhiên, bộ đội công binh đã nhiều lần đến rà phá, bóc gỡ khá sạch sẽ.

Những khu vực sâu trong rừng, chưa rà phá được, thì bộ đội, biên phòng đã khoanh vùng, cảnh báo, nên đồng bào không dám vào. Thi thoảng trâu, bò lạc vào trong rừng, dẫm phải mìn nổ banh xác, cũng phải lò dò hết sức cẩn thận để vào rừng xẻ thịt mang về ăn.

Nhà có ít nương, chỉ gieo được ít lúa, ít ngô, trồng vài gốc sắn, quanh năm thiếu đói, nên Thào Mìn Hoa bàn với vợ phát cánh rừng sau nhà để trồng ngô. Sớm hôm sau, Hoa lên rừng phát nương trước, Dính ở nhà cho con ăn rồi lên sau.

Khi vừa xới bát cơm nóng cho con, thì Dính bỗng nghe tiếng bùm sườn núi sau nhà. Hoảng hốt chạy ra sau nhà, thấy khói bay mù mịt. Dính chạy về phía cột khói, thấy chồng nằm bất động, đất đá vung vãi, lấp kín cả mặt mũi. Ống chân phải nát bét, bầy nhầy những bó cơ, máu chảy thấm đỏ đám đất xung quanh.

Nhìn cảnh tượng chồng như thế, Dính bủn rủn tay chân, không bước nổi, cái miệng cũng không cất thành lời được nữa. Nghe tiếng nổ, Vàng Seo Quả, cùng mấy thanh niên chạy lên. Khi mọi người lên đến nơi, thì Thào Mìn Hoa đã tỉnh dậy từ lúc nào, đang dùng miệng xé áo, buộc chặt ống chân để cầm máu.

Mọi người khiêng Thào Mìn Hoa về đặt giữa nhà. Nhìn cảnh ống chân toe toét, vẻ mặt tái nhợt, và trông cảnh núi non điệp trùng, ai cũng nghĩ Hoa chẳng sống lâu được. Con đường vừa đi vừa chạy ra đến trung tâm xã cũng phải mất gần 1 ngày, trong khi, không biết Hoa có sống nổi vài tiếng nữa không. Mọi người đều thống nhất rằng, nếu vác Hoa ra xã, thì chắc chắn đến giữa đường sẽ lại khiêng xác Hoa về.

Trưởng bản Vàng Seo Quả nhớ lại: “Thằng Hoa nằm giữa nhà, còn mọi người bàn bạc. mấy người được phân công đẽo sào, kiếm võng. Thanh niên khỏe mạnh cũng được huy động hết để chuẩn bị tinh thần. Thằng Hoa nằm thiếp một lúc thì tỉnh dậy kêu khát nước. Nó uống hết mấy ca nước.

Mọi người hỏi nó thấy thế nào, nó bảo chỉ hơi đau, chứ không chết được. Bố mẹ, anh chị em thì khóc lóc, nó thì lại cười cợt tếu táo. Nó bảo mọi người cứ đưa nó ra bệnh viện tỉnh để biết Hà Giang là như thế nào, chứ nó còn sống đến trăm tuổi, không chết được ngay được.

Nghe nó nói vậy, mọi người buồn cười, rồi khênh nó lên võng. Cứ 2 người hai đầu sào vác trên vai vừa đi vừa chạy. Đến tận tối mới ra đến trung tâm xã. Cán bộ y tá băng bó, rồi lại khênh nó ra quốc lộ. Ra đến nơi, đã có xe cấp cứu đón, chở về bệnh viện tỉnh”.

Chị Sùng Thị Dính nhớ lại: “Hôm ấy mình ôm quần áo theo chồng xuống bệnh viện ở Hà Giang. Nhà nghèo lắm, chẳng có tiền, nên bác sĩ không chữa trị cho đâu. Thế nên mới phải cắt cái chân của chồng đi.

Giờ chồng mình đi chân giả”. Vàng Seo Quả dịch xong lời của Dính, thì bảo với tôi rằng, Dính chẳng hiểu biết gì nên mới nói thế. Hầu hết những người giẫm phải mìn, đều nát bét cả chân, chỉ có cách cưa chân mới giữ được tính mạng.

Chị Sùng Thị Dính lấy chiếc chân treo gác bếp của chồng (ảnh minh họa)

Sau này, tìm hiểu các vụ giẫm phải mìn, thấy hầu như đều cưa chân, tôi mới biết rằng, hầu hết loại mìn gây sát thương nhẹ, còn sót lại dọc biên giới đều có chứa thủy ngân. Khi trúng mìn, thủy ngân sẽ xâm nhập vào vết thương, phá hoại vết thương, gây nhiễm độc cho cơ thể. Chính vì thế, khi sức công phá của quả mìn xé nát chân, bác sĩ đều lựa chọn phương án cưa chân để bảo toàn tính mạng cho nạn nhân.

Tôi đề đạt được xem cái chân, thì Sùng Thị Dính bắc ghế, với lên gác bếp phủ bồ hóng đen bóng. Dính lần hồi một lúc, thì lôi ra một bọc vải gói ghém cẩn thận, vuông vức như thể bánh trưng. Dính loay hoay một lúc mà không gỡ được, nên Quả tới giúp một tay. Tháo sợi dây, thì bung ra là một cái áo.

Chiếc áo gói chân treo gác bếp lâu ngày két lại, dính chặt nếp gấp với nhau, nên gỡ một lúc mới ra được. Quả nhặt cái chân, rõ nguyên cả bàn chân, đủ 5 ngón quẳng ra giữa nền đất. Phần bắp chân nát bét, toe toét, lòi 2 khúc xương đen bóng như màu cột gỗ bám bồ hóng. Nhìn cái bàn chân treo gác bếp mà lạnh cả người.

Tiếc rẻ chân, đã chôn chặt lại bới lên treo gác bếp

Ngủ ở nhà trưởng bản Vàng Seo Quả một đêm, sớm hôm sau, tôi cùng thiếu úy biên phòng Âu Văn Dậu rời Mã Hoàng Phìn, ngược con đường leo dốc khủng khiếp, tìm đến bản Hoàng Lỳ Pả. Nhà Hầu Mí Trung cửa khóa im ỉm, gọi mãi chẳng thấy ai thưa.

Hầu Mí Dâng, là anh em họ với Hầu Mí Trung ở cạnh chạy sang tiếp khách. Theo Dâng, vợ chồng Hầu Mí Trung có một nương ngô, nương sắn ở tít tận bên kia dãy núi Răng Cưa, nên đi nương mấy ngày mới về. Hỏi chuyện trúng mìn, rồi treo cái chân cưa lên gác bếp, Hầu Mí Dâng bảo: “À, chuyện này thì mình biết. Đúng là thằng Trung bị trúng mìn. Nó treo chân lên gác bếp sấy khô thật đấy. Mới hôm nọ nó bỏ xuống, mình cũng vào xem mà. Cái chân nó vẫn còn nguyên, chỉ tóp đi thôi. Mình là anh nó, mình cõng nó xuống bệnh viện hôm nó trúng mìn mà”.

Theo lời Dâng, Hầu Mí Trung sinh năm 1982. Chuyện trúng mìn xảy ra với Trung vào năm 2008. Lúc đó, Trung đã có vợ cùng 3 con. Bữa lên nương nhặt đá xếp bờ rào, Trung giẫm phải mìn. Quả mìn nằm im bao năm trong kẽ đá, đợi đúng bàn chân trái của Trung đặt vào mới nổ.

Sức công phá của quả mìn làm nứt cả tảng đá, thì bàn chân da thịt con người còn gì nữa. Nhìn bàn chân nát bấy, bác sĩ bệnh viện tỉnh Hà Giang lắc đầu. Lúc bác sĩ chuẩn bị cưa chân, Hầu Mí Trung, cùng những người thân còn dặn đi dặn lại bác sĩ rằng phải giữ lại đôi chân để gia đình đem về cất giữ trên gác bếp.

Ngọn lửa không bao giờ tắt trong bếp của đồng bào. Làn khói từ những súc gỗ bốc lên, quấn quện vào cái gác lơ lửng, chui vào từng khe kẽ, rồi mới bay đi, biến cái chân người thành... thịt xông khói.

Chị Dính với bàn chân sấy khô của chồng

Hầu Mí Trung nằm bệnh viện đúng 1 tháng thì về nhà. Đúng hôm đó, một cán bộ y tế của xã tăng cường vào bản, đã đến nhà Trung. Nhìn thấy cái chân, cán bộ y tế này hoảng hồn. Sau khi lấy lại bình tĩnh, đồng chí cán bộ y tế thuyết phục Trung đem chôn cái chân đi, bởi để lại như thế vô cùng mất vệ sinh, chưa kể nó thể hiện sự mông muội, mê tín, gây hoang mang cho mọi người.

Thấy cán bộ y tế nói phải, lại thật rầu lòng mỗi khi nhìn thấy cái chân, Hầu Mí Trung đã xách chân luôn ra sau vườn đào hố chôn chặt. Mấy hôm sau, bố đẻ Hầu Mí Trung đến nhà, hỏi về cái chân, Trung bảo đem chôn rồi. Ông cụ đã nổi đóa, xỉ vả Trung một trận.

Ông chỉ mặt Trung mà nhiếc mắng: “Tao đẻ ra mày lành lặn, sau này tao muốn mày cũng phải lành lặn ở thế giới bên kia. Mày khôn hồn thì đi tìm ngay cái chân về đây cho tao”.Trung không nghe lời bố, lát sau, cả họ kéo đến nhiếc mắng, thuyết phục. Vậy là Trung lại thay lòng.

Vừa là chiều lòng người lớn, vừa nghĩ tiếc rẻ cái chân, muốn giữ làm kỷ niệm, nên Trung vác xẻng ra vườn sau nhà. Cái chân chôn mấy ngày, mà vẫn khô roong, đẹp y như hôm chưa chôn. Từ đó đến nay, Hầu Mí Trung không có ý định đem chân đi chôn nữa.

Thi thoảng, Trung lại bỏ cái chân treo gác bếp xuống xem. Mọi người trong bản muốn xem, Trung cũng đem xuống mà không kiêng kỵ gì. Với Trung, cái chân này là vật kỷ niệm, hơn là thủ tục mang tính tâm linh.

PHONG NGUYỆT

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh