THỨ HAI, NGÀY 20 THÁNG 01 NĂM 2025 02:34

Chuyện ở “vườn đào nghĩa địa”

 

Vườn đào rực rỡ bên khói hương
Những người dân ở La Cả cho biết, vào khoảng đầu năm 2000 khi hai làng đào nổi tiếng nhất Hà Nội là Phú Thượng và Nhật Tân bị thu hồi đất để xây khu đô thị mới thì đào phải di tản về nhiều nơi, quanh quẩn khu vực làng đào cũ như Tứ Liên, Tây Hồ cũng có. Nhưng có những người chuyển xuống tận La Cả (phường Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội), cách đất trồng đào cũ gần 20km. Người ta nhận xét rằng giống đào ở La Cả cánh cứng, dày, nụ mập, sắc thắm và lâu phai. 

Các cụ trong làng cũng không nhớ rõ ai là người đầu tiên mang đào Nhật Tân về trồng trên đất làng, chỉ biết rằng đến năm 2002 đào đã phủ đỏ trên khắp ruộng đồng đất La Cả. Thế nhưng mấy năm trở lại đây, khi dự án mới được quy hoạch thì gần như toàn bộ diện tích đất trồng hoa màu phải bàn giao để thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới Dương Nội. 
Không còn đất canh tác nhưng người dân không thể bỏ nghề trồng đào, tuy mới bén rễ đất làng nhưng đã nuôi sống mình bao năm qua, nhiều người thuê đất ở Đại Mỗ để tiếp tục trồng đào. Những người trung tuổi, nhà neo người không thuê được đất phải tận dụng từng tấc đất ven đường thậm chí tận dụng cả đất nghĩa địa để trồng đào. Chính vì vậy mà mấy năm trở lại đây, có một vườn đào độc đáo ngay tại nghĩa trang La Cả, người ta gọi đó là “vườn đào nghĩa địa”.
Trò chuyện với chúng tôi, cụ Lương - một người trồng đào lâu năm ngay tại vườn đào nghĩa trang cho biết: “Khu này vốn là nghĩa trang của thôn nằm trong khu vực giải phóng mặt bằng. Do diện tích đất ở đây chưa sử dụng đến nên chúng tôi xin với chính quyền địa phương tận dụng đất để trồng đào, đến khi địa phương sử dụng đến thì sẽ đánh đào đi. Đất bỏ hoang mà mình không làm thì xót lắm, tận dụng được chừng nào hay chứng đấy. Giờ, cả khu đất rộng cũng chỉ còn khoảng 4, 5 nhà như chúng tôi còn trồng thôi chứ người ta toàn đi thuê khu khác, diện tích rộng hơn để trồng. Mặc dù là trồng trên đất được tận dụng thế nhưng năm nào đào ở đây cũng đẹp, khách đến mua nhộn nhịp lắm”.
Đào ở La Cả đẹp, điều đó rất nhiều người phải công nhận, thế nhưng nơi hội tụ của những ngọn lửa hồng phớt tím của vườn đào được trồng ngay tại nghĩa trang La Cả, vẫn khiến không ít người choáng váng. Mỗi năm tết đến, xuân về vườn đào nghĩa địa cũng nhộn nhịp khoe sắc đón chào năm mới. Có dịp đi qua nơi này vào những thời điểm giáp tết thì chắc hẳn không ai có thể cưỡng lại được vẻ đẹp của hàng ngàn gốc đào đang khoe sắc bên cạnh nhang khói trên những ngôi mộ của người đã khuất. 
Anh Nguyễn Văn Sơn, người Phú Thọ, mới chuyển về sinh sống ở Khu đô thị Dương Nội cho biết: “Tôi thực sự bất ngờ về vườn đào độc đáo được trồng ngay trong lòng nghĩa địa như thế này. Lần đầu tiên nhìn thấy cảnh tượng này, không hiểu sao tôi lại nghĩ rằng, những bông đào đang khoe sắc rực rỡ như đang truyền hơi ấm cho cả nghĩa địa lạnh lẽo này”.
Vừa trồng đào vừa chăm mộ 
Chị Dương Thị Nha, một người trồng đào cho biết, hàng năm, từ đầu tháng Chạp, các thương lái kéo nhau về đây mua đào. Vườn đào ngày tết đông vui tấp nập, không chỉ những người sống xung quanh khu vực nội thành mà khách ở nhiều nơi, trong đó có cả khách nước ngoài đến chọn cho mình một cành đào đẹp, nhiều “lộc” mong một năm mới nhiều điều may mắn sẽ đến. 
Chị Nha còn cho biết thêm, năm ngoái tuy kinh tế khó khăn nhưng lượng người đến thuê và mua đào vẫn rất nhiều. giá cả tùy thuộc vào từng gốc nhưng trung bình dao động khoảng 4-5 triệu một cây, có những cây lên đến chục triệu đồng. Với chỉ hơn trăm gốc đào trồng tận dụng được, gia đình chị Nha cũng có thêm 60-70 triệu đồng thu nhập trong việc bán đào mỗi dịp tết.
Nhưng để có đào thu hoạch đúng vụ thì những người trồng đào phải rất căn ke về thời tiết và cách chăm sóc. Người dân ở đây sống chủ yếu bằng nghề trồng đào, vì thế họ đã tự đúc kết riêng cho mình những kinh nghiệm trồng đào mà không giống với bất kì nơi đâu. Tất cả những kĩ thuật đó được người trồng đào thể hiện từ khâu chọn cây giống để chiết ghép đến việc làm sao cho hoa nở đẹp vào đúng dịp tết. 
Chị Nha chia sẻ: “Để có được thế đào đẹp, người dân phải chăm sóc, cắt tỉa, uốn nắn ngay từ khi cây còn non, làm sao cho cây phải có thế đẹp và nhiều lộc. Đối với việc ghép đào, để làm ra một cây đào khỏe mạnh, chịu đựng được thời tiết khốc liệt mà vẫn cho hoa tốt, người trồng đào phải ghép cành đào bích vào gốc đào quả. Còn với việc tạo hoa và hãm hoa, người trồng đào ở đây cũng có những “bí quyết” riêng. Tất cả những kĩ thuật đó đều đạt đến trình độ điêu luyện, không đâu sánh bằng”. 
Tuốt lá, hãm đào, thúc đào, thiến đào... là những cách mà nông dân trồng đào lâu năm thường hay sử dụng để giúp đào ra hoa đúng vào dịp tết Nguyên đán. Vào trung tuần tháng 11 âm lịch, người ta tiến hành tuốt bỏ toàn bộ lá đào trên cây để cây tập trung dinh dưỡng làm nụ, đảm bảo nụ hoa ra nhiều, đều, mập, hoa to, cánh dày, màu đẹp. 
Cách mấy gốc đào nhà chị Nha không xa, cụ Lương cũng đang tất bật cắt tỉa, chăm chút những gốc đào mà chỉ nhìn cách cụ làm cũng cảm nhận được cụ đã đặt bao tâm huyết của mình vào đó. Cụ bảo rằng, mặc dù cũng có một số người không đồng tình với việc trồng đào trên khuôn viên nghĩa địa, đem chuyện trồng đào trên nghĩa địa để bới móc, cho rằng đã động chạm đến nơi linh thiêng của người đã khuất và kiêng kị, “né” không mua, tuy nhiên cụ lại nghĩ rằng, cụ và dân làng lao động dựa trên sức lực của bản thân mình, tận dụng đất bỏ hoang để lao động, đó là một điều đáng để tự hào. Bên cạnh việc chăm sóc đào thì những người trồng đào ở đây đều chăm sóc luôn các phần mộ của người đã khuất, coi như một công đôi việc.
Những người dân trồng đào ở đây đều tin rằng chính hương hồn người đã khuất phù hộ cho vườn đào trở nên sắc thắm mỗi năm. Năm nào tết đến, những người trồng đào ở vườn đào nghĩa trang cũng cắt đào vào để trưng bày và thắp hương cho những người đã khuất. Họ coi đó là một phần “lộc” đền đáp đến chủ nhân những nấm mồ nơi đây…/.

Theo Báo Pháp luật Việt Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh