THỨ HAI, NGÀY 20 THÁNG 01 NĂM 2025 02:33

Chuyện những người cuồng si... đàn cũ!

 

Chưa bao giờ lại nhiều điểm trao đổi, mua bán và chia sẻ về thú vui đàn cũ như bây giờ.

 


Khách nước ngoài tới Việt Nam để tìm đàn cũ.

Khách nước ngoài tới Việt Nam để tìm đàn cũ.

Từ những cây đàn Nhật

Lưu học sinh, người lao động, thương gia trẻ chính là những người đã đưa khá nhiều đàn ghi ta cũ từ Nhật Bản về Việt Nam và đây chính là nguồn đàn cũ độc đáo thu hút nhiều bạn trẻ. Tại một kho đàn cũ ở khu Bàu Cát (TPHCM), tôi gặp một bạn trẻ tên Thông đang cặm cụi giữa mấy chục cây đàn cũ đủ kiểu dáng, thương hiệu trông khá lạ mắt. Thông ngừng tay nói: “Công ty chúng em sang tận Nhật để tuyển đàn phù hợp đem về Việt Nam phục vụ các bạn yêu đàn chất lượng mà giá cả lại vừa phải”. Những cây đàn ở đây thậm chí còn nguyên cả bảng giá bằng tiếng Nhật. Với giá chừng vài triệu đồng, những cây đàn sản xuất từ Nhật Bản, Hàn Quốc nhưng được tiêu thụ trên thị trường Nhật Bản nom vẫn còn khá đẹp và tiếng đàn thì được đánh giá là “ăn đứt” những loại đàn mới trên thị trường có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Một sinh viên tên Linh nói: “Đàn Trung Quốc tuy mới, nhưng âm sắc không hay, mua xong chỉ vài bữa bán lại đã mất giá một nửa. Những cây đàn cũ sản xuất theo tiêu chuẩn Nhật Bản, tiếng đàn nghe rất có hồn, giá rẻ mà giữ được giá, không dùng nữa, đem bán đi cũng vẫn bán được bằng giá khi mua”. Thông cũng nói: “Đa số người mua đàn Nhật cũ là sinh viên, công chức trẻ, những người biết nhạc và yêu nhạc. Việc mua bán rất cởi mở, vui vẻ, như một thú vui, chứ không nặng về thương mại như khi mua đàn ở các cửa hàng lớn, đắt đỏ”.

Công cụ cho người mới vào nghề

Tại một số nước xung quanh Việt Nam, điển hình là Thái Lan, giới chơi nhạc cũng đang lên cơn sốt săn tìm đàn và thiết bị âm thanh những năm 70-80 do Nhật Bản sản xuất. Có lẽ xu hướng sử dụng nhạc số, nhạc trên internet đến mức lạm dụng đã khiến giới trẻ thích quay về với những âm thanh trầm ấm chân thực của nhạc cụ mấy chục năm trước. Giá cả hợp lý của những cây đàn cũ mà chất lượng cao cũng là một nguyên nhân.

Đức, chàng trai người Ê Đê vừa đi làm tin học vừa chơi nhạc, dạy nhạc ở một trung tâm ở TPHCM, tâm sự: “Chúng em rất thích những hiệu đàn nổi tiếng của thế giới đang được bán ở Việt Nam, nhưng giá cả đều từ 30-40 triệu đồng trở lên, quá đắt tiền so với thu nhập và cuộc sống của chúng em. Cuối cùng, em và các bạn mua những cây đàn hàng hiệu nhưng đã cũ và hình thức không cần phải hoàn hảo lắm”.

Tại tiệm sửa đàn nổi tiếng Đại Dương ở quận 3, TPHCM, hầu như lúc nào cũng có khách đến sửa đàn ngoại cũ. Một cây đàn mới mua ở cửa hàng giá 16 triệu đồng, chỉ dùng mấy tháng, giờ bán lại 6 triệu đồng mà không ai mua vì chê tiếng nông quá. Trong khi đó, những cây đàn cũ được đóng lại phím để dùng, nâng cấp âm thanh để phù hợp hơn, lại trở thành mốt. Những cây đàn cũ hiệu Ibanez, Fender, Gibson, PRS… nếu chất lượng tốt, hình thức còn đẹp thì được mua bán, trao đổi nhanh chóng. Nhiều nghệ sĩ tới tiệm đàn này để sửa đàn cho biết, phần lớn giới làm nghề chuyên nghiệp tại thành phố hiện nay đều ưa thích sử dụng những cây đàn cũ của các thương hiệu lớn hơn là mua đàn mới tinh.

Sôi động đàn mạng

Sở dĩ đàn cũ trở thành mốt một phần vì giá thuê mặt bằng bán đàn mới đang trở nên đắt đỏ, trong khi việc mở một trang fanpage bán đàn cũ trên mạng lại quá dễ dàng và có thể thu hút dăm bảy ngàn thành viên chỉ trong vài tuần. Dũng, cựu sinh viên Nhạc viện TPHCM, quê ở Tây Nguyên, nói: “Em thuê mặt bằng ở mặt tiền đường quận 7 ba năm thì cuộc sống điêu đứng, do chi phí cao, đường phố ồn ào không phù hợp với giới chơi nhạc cổ điển, cửa hàng vắng hoe, Tết không có tiền về quê”. Dũng quyết định thay đổi “chiến thuật”, thuê mặt bằng cách khá xa mặt đường, nhưng giới thiệu nhiều clip quay cảnh dạy nhạc trên internet. Lập tức, anh thu hút được khá nhiều học trò đủ mọi lứa tuổi đến học nhạc và trao đổi với nhau về âm nhạc. Dũng luôn có gần cả trăm cây đàn cũ của Nhật Bản, Tây Ban Nha, Hàn Quốc với giá cả phù hợp với người mới học nhạc, trong khi chỉ có vài cây đàn mới được bày bán. Dũng nói: “Thực sự thì đàn cũ của các thương hiệu lớn vẫn có âm thanh đẹp vượt trội so với nhiều cây đàn mới làm thời nay, giá cả lại hợp lý, nên học trò thích dùng hơn”.

Hàng chục trang mua bán trao đổi đàn cũ trên internet liên tục được cập nhật và giá cả khá “mềm” do người bán không phải tốn phí thuê mặt bằng. Người mua đàn cũng dễ dàng xem hình ảnh các cây đàn dù chúng nằm ở xó xỉnh nào trong thành phố, đồng thời trao đổi, mặc cả thoải mái, trước khi đích thân đi thử đàn. Điều đặc biệt là phần lớn người mua bán đàn cũ đều khá trẻ, tuổi dưới 30, nhiều người là sinh viên. Quân, phụ trách giao đàn cũ cho một công ty, nói: “Em rất yêu âm nhạc và cũng thường chơi nhạc cùng các bạn ở quán cà phê. Công việc liên quan đến nhạc cụ khiến em thích thú và em vẫn tiếp tục theo học ở trường đại học”.

Hư thực khó lường



Tác giả và nghệ nhân Nguyễn Hoàn (trái) với một cây đàn điện cổ Việt Nam sản xuất năm 1963.

Tác giả và nghệ nhân Nguyễn Hoàn (trái) với một cây đàn điện cổ Việt Nam sản xuất năm 1963.

Mua bán đàn trên mạng cũng không ít rủi ro. Tuấn, một người chơi đàn ở quận 10, TPHCM, nói với tôi: “Thực sự em vào nghề buôn bán đàn một thời gian, nhưng thấy quá mạo hiểm nên cũng không dám đầu tư nhiều”. Theo Tuấn, đàn cũ được nhập về có lúc cả ngàn chiếc, đôi khi giá mua sỉ một lô trăm chiếc đàn ghi ta thì tính ra mỗi cái chỉ mấy trăm ngàn đồng, lúc bán ra có thể được 1,2 triệu đồng, thậm chí vài triệu đồng/chiếc. Song, đời không đơn giản như thế. Tuấn nói: “Người ta không cho mình lựa chọn, không cho thử âm thanh, nếu mua thì cứ nhìn bằng mắt, mua hết cả trăm chiếc họ mới bán. Đến khi mua về, phần lớn là đàn hỏng hóc, không sử dụng được, chỉ như đống củi khô”.

Bông, nhân viên một công ty mua bán đàn trên mạng, nói: “Nghe buôn bán đàn cũ trên mạng thì dễ đấy, nhưng công ty của em chỉ thấy lỗ nhiều hơn lãi, đâm ra đổ nợ, lương không có mà trả cho nhân viên”. Lý do là nhiều trang mua bán, nhiều người buôn bán, đàn cũ ngày càng rẻ, nhưng rẻ cũng phải bán để tránh đọng vốn.

Buôn bán đàn cũ cũng đòi hỏi người buôn có nghề làm đàn, phải tự sửa, chỉnh đàn được, còn nếu thuê người sửa chữa, nâng cấp đàn thì “không có ăn” vì làm mỗi chiếc hỏng có thể hoạt động được phải mất cả ngày trời và nhiều khi phải tháo dỡ nhiều cây đàn khác để tìm linh kiện thay thế, khiến đàn tồn kho nhiều.

Người mua cũng kêu ca là: “Các bạn bán trên mạng, rao một đàn mà bán một đàn khác”. Số là đàn cũ mua về, đến khi mở linh kiện ra xem thì linh kiện không phải của chiếc đàn ấy mà được thay thế từ một cây đàn khác. Nhiều mâu thuẫn xảy ra. Anh Toàn, một người bán đàn cũ, nói: “Có người mua đàn của tôi lại đòi xin tôi một tí huyết, khiến tôi rụng rời cả tay chân”. Hóa ra, người mua đàn mở đàn ra và thấy linh kiện đã bị đổi. Anh Toàn lắc đầu: “Mình mua đàn cũ, có sao bán vậy, nhưng bị nghi ngờ gian dối”. Anh nói mình không đổi linh kiện, còn cây đàn cũ đã qua tay nhiều người, ai đổi linh kiện thì anh không thể biết được.

Đi tìm đàn Việt cũ

Khi phong trào chơi đàn cũ trở thành một thú chơi, một trào lưu, người ta bắt đầu săn tìm những cây đàn của Việt Nam sản xuất những năm 1960, 1970. Ở quán Bụi, một quán cà phê nhạc nhiều nghệ sĩ lui tới, mọi người thường chuyền tay nhau trầm trồ với cây đàn Việt Nam được sản xuất những năm 1960. Đàn rất nhẹ, nhưng cần đàn vẫn thẳng băng, tiếng đàn rất trong trẻo.

 


Các tiệm đàn cũ ngày càng phong phú về chủng loại và thương hiệu

Các tiệm đàn cũ ngày càng phong phú về chủng loại và thương hiệu.


Tại tiệm đàn Đại Dương, nghệ nhân Nguyễn Hoàn cho biết, giờ tìm được một cây đàn Việt Nam sản xuất những năm 1960 không dễ dàng. Vào thời điểm đó, giá đàn Mỹ rất đắt và việc nhập khẩu khó khăn, giới chơi nhạc đa số là thanh niên ít tiền nên lựa chọn chính vẫn là đàn của Việt Nam. “Đến những năm 1980 thì đàn điện Việt Nam sản xuất theo phong cách trước 1975 không còn nữa, không phải do xã hội không có nhu cầu mà do lúc đó nguyên vật liệu khan hiếm”, nghệ nhân Nguyễn Hoàn nói.

Những cây đàn cũ của Việt Nam có nhiều nét độc đáo. Chúng thường được làm bằng gỗ cây cao su và gỗ mít, không phải gỗ thông. Các nguyên liệu kim loại chế tác tại Việt Nam cũng có nét riêng. 

Các nghệ nhân thường lấy tiếng đàn cải lương để làm ra đàn nên khi chơi nhạc tài tử nghe rất ngọt. Chính thú chơi đàn cũ đã góp phần giúp cho giới trẻ ngày nay không quên đi văn hóa một thời, giúp những người trẻ trân quý hơn những giá trị của quá khứ. Thú chơi đàn cũ của các bạn trẻ Việt Nam cũng thu hút cả du khách và nghệ sĩ nước ngoài khi họ tìm đến các tiệm đàn cũ, các kho đàn cũ ở Việt Nam ngày càng nhiều. Anh Hùng “Cầu Kiệu” chuyên bán đàn cũ nói: “Khách quen của các tiệm đàn cũ bây giờ không chỉ khách ta mà còn cả khách Tây”.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh