THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:22

“Chuyện nhà Bông Bờm Bách”-Ngộ nghĩnh, hài hước và đầy yêu thương

 

Khán giả màn ảnh nhỏ hẳn vẫn chưa quên đạo diễn Trần Lực và cậu con trai nhỏ với biệt hiệu “Trần Bờm” trong chương trình “Bố ơi mình đi đâu thế?”, phiên bản Việt mùa đầu tiên. Bạn bè của Trần Lực khi đó khá ngạc nhiên khi thấy bố con anh tham gia chương trình truyền hình thực tế này, bởi có vẻ như nó không giống như tính cách của Trần Lực xưa nay mà nhiều người vẫn nghĩ. Lần này, anh lại khiến không ít người ngạc nhiên, khi cho ra mắt một cuốn sách do chính tay anh viết về gia đình mình.

 

 

"Chuyện nhà Bông, Bờm, Bách" là câu chuyện của một ông bố ngoài 50 tuổi Trần Lực và ba đứa con nhỏ. Qua những gì ông bố miêu tả, có thể tóm tắt đặc điểm của 3 đứa con:  Bông điệu đà, Bờm lăng xăng và  Bách "hổ báo". Ngoài ra, cuốn sách cũng khiến độc giả thích thú với hình ảnh mẹ của ba bé - chị Mỹ Trang,  người vợ thứ ba của Trần Lực rất hiếm khi xuất hiện trước truyền thông. Ở nhà, mẹ các bé được gọi là "cô phù thuỷ cưỡi chổi" và rút gọn thành "cô Thuỷ". Mỗi lần "cô Thủy" xuất hiện với “đôi mắt hình viên đạn” qua lời kể của ông bố Trần Lực không khỏi khiến độc giả bật cười.

Chia sẻ về cuốn sách , đạo diễn Trần Lực cho biết, anh thường xuyên ghi lại những câu chuyện xung quanh cuộc sống thường nhật của các con, nhằm lưu trữ những kỷ niệm tuổi thơ để sau này, các cháu có thể đọc lại để tìm về những ngày tháng hồn nhiên, tươi đẹp nhất. Chuyện nhà Bông, Bờm, Bách cũng vẫn là những câu chuyện hàng ngày theo như Trần Lực hóm hỉnh gọi là “những chuyện chả đâu vào với đâu”. Ở đó, anh phải đối phó với đủ “chiêu trò” của các con khi chúng lý sự, vặn vẹo lại cả bố mẹ và bày đủ trò nghịch ngợm …Với sự “phiền phức” đáng yêu của các con, bằng những kinh nghiệm sống từ những thăng trầm của cuộc sống, mà ông bố U60 Trần Lực mới có thể đối phó được với ba “tiểu quỷ” của mình.

 

Gia đình nhỏ của Trần Lực

 

“Một ngày, tôi cũng không có nhiều thời gian dành cho con. Buổi sáng đánh thức các con dạy, cho chúng đánh răng, rửa mặt rồi đưa cô Bông và cậu Bờm ra bến xe, bắt xe đi học. Sau đó, quay về nhà, đưa cậu út tới nhà trẻ. Buổi chiều, khoảng 5h là 3 đứa về nhà. Mệt nhất là khoảng thời gian từ chiều đến tối. Bọn trẻ nhà tôi sống tình cảm lắm, về gặp nhau cái là đùa, nhiều khi đùa quá là thành đánh nhau. Khi đó, với mỗi đứa con, lại phải có cách xử trí riêng” -Trần Lực cho biết.

Mỗi mẩu chuyện được kể với sự hóm hỉnh của một người nghệ sỹ có trái tim nồng hậu, yêu thương con hết mực. Qua cuốn sách, người đọc cũng dễ dàng nhận thấy hình ảnh một ông bố luôn gần gũi, kiên nhẫn trong cách đối thoại với những căn vặn, lý sự từ các con. Những mẩu đối thoại nhỏ đầy tình cảm yêu thương và hơn hết là sự tinh tế trong cách hành xử, tạo cho các bé một không gian phát triển thật tự nhiên và vui vẻ.

Dí dỏm, ngộ nghĩnh, đáng yêu, hài hước và ẩn chứa đầy tình yêu thương là những gì mà người đọc có thể thấy sau khi gấp cuốn sách lại.  Không chỉ khiến nhiều độc giả nhỏ tuổi say mê tìm đọc, người lớn cũng có thể tìm thấy trong cuốn sách này những kinh nghiệm hữu ích trong việc xây dựng và nuôi dưỡng hạnh phúc cũng như việc nuôi dạy con cái, vun đắp tình cảm giữa các thành viên trong gia đình.

Nguyệt Hà

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh