CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:03

Chuyện khởi nghiệp làm giàu của các giám đốc hợp tác xã ở Sơn La

Khởi nghiệp với du lịch để giới thiệu cảnh sắc quê hương                    

Cách đây 7 năm, sau khi rời ghế Trường Đại học Tây Bắc, anh Là Văn Phong nay là Giám đốc Công ty cổ phần du lịch Quỳnh Nhai Travel (huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La) về quê Quỳnh Nhai lập nghiệp. Thời gian đầu, 3 anh em cùng học Đại học Tây Bắc có cùng sở thích làm du lịch đã hội tụ với nhau và tổ chức những tour quy mô nhỏ. Đến nay, đã lập Công ty cổ phần du lịch Quỳnh Nhai Travel, với các sản phẩm tour du lịch biển hồ của thủy điện Sơn La, dịch vụ thuê du thuyền trên lòng hồ.

Du khách di tuyến Pá Uôn - vịnh Uy Phong khám phá và chiêm ngưỡng cảnh quan vùng lòng hồ thủy điện “sơn thủy hữu tình”.

Du khách di tuyến Pá Uôn - vịnh Uy Phong khám phá và chiêm ngưỡng cảnh quan vùng lòng hồ thủy điện “sơn thủy hữu tình”.

Hiện Công ty đang kinh doanh du lịch với tour lòng hồ thủy điện Sơn La, cho thuê du thuyền tham quan Khu Du lịch Vịnh Uy Phong, mỗi năm đón và phục vụ khoảng 10 nghìn đến 20 nghìn lượt du khách. Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, lượng khách chỉ đạt khoảng 50%, khiến doanh thu giảm mạnh. Trong thời gian du lịch bị đóng băng, Công ty đã sửa sang, nâng cấp cơ sở vật chất, định vị thương hiệu và xây dựng các sản phẩm mới lạ, hấp dẫn. Công ty cung cấp thêm một số dịch vụ trải nghiệm mới như trò chơi cảm giác mạnh dưới nước, dịch vụ lưu trú ban đêm trên du thuyền. Đây là sản phẩm đầu tiên trên lòng hồ thủy điện Sơn La.

Anh Lường Văn Xiên – Hợp tác xã du lịch Ngọc Chiến (huyện Mường La, tỉnh Sơn La) theo học tại Trường Đại học Tây Bắc và ra trường năm 2011. Sau khi học xong, trở về quê hương và quyết định làm du lịch. Nguồn tài nguyên thiên nhiên, khí hậu, con người, văn hóa ở quê tôi còn mang tính hoang sơ, đậm đà bản sắc dân tộc, rất thích hợp làm du lịch cộng đồng. Năm 2019, anh được tham gia dự án "Cải thiện sinh kế bề vững" do tổ chức AOP (Úc) tài trợ. Hồi đó, chỉ có 5 homestay.

Năm 2020, kết thúc dự án thì HTX du lịch cộng đồng Ngọc Chiến được thành lập và đến nay phát triển lên 20 hộ tham gia, với 50 lao động thường xuyên. “Từ tài nguyên sẵn có của địa phương, chúng tôi tổ chức các tour du lịch trong cộng đồng. Ngọc Chiến nằm ở độ cao 1.800 so với mực nước biển mát mẻ quanh năm, một ngày ở Ngọc Chiến có 4 mùa; có nguồn suối khoáng nóng tự nhiên rất tốt cho sức khỏe; có những thác nước đẹp, đỉnh núi cao, vạt đồi hoa sơn tra nở rực vào tháng 2 tháng 3. Những ngôi nhà gỗ pơ mu hàng trăm năm tuổi, đó là những thuận lợi để chúng tôi phát triển du lịch Ngọc Chiến”, anh Xiên cho biết.

Phát triển nông nghiệp xanh

Bắt tay vào trồng 5ha cam với mong muốn làm giàu nhưng không may vườn cam của gia đình anh Đỗ Quý Hạnh – HTX hữu cơ Pa Cốp (huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) chết la liệt do mắc sâu bệnh. Thật may, anh được Công ty Mavin giúp đỡ và đã thành công từ sự "mách nước" ấy. Cái được lớn nhất trong cách làm của anh Hạnh, đó là đã tận dụng được các loại rác thải như: Bã cà phê, lõi ngô, nước thải cà phê để chăm sóc cho cây ăn quả.

"Qua 2 năm thực hiện, tôi thấy so với dùng phân bón hóa học thì dùng phân hữu cơ giảm 50% chi phí. Nếu sử dụng phân bón vô cơ như trước kia, thì mỗi năm phải chi phí tới 500 nghìn đồng phân bón/gốc cam, nhưng hiện nay với việc sử dụng phân bón hữu cơ chi phí giảm xuống chỉ còn 200 - 250 nghìn đồng/gốc cam. Cách làm này góp phần làm sạch môi trường và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Năng suất, sản lượng và chất lượng cây ăn quả của gia đình cũng nhờ đó mà được nâng lên. Sắp tới, tôi sẽ trồng thêm 30ha cam nữa và làm theo hướng hữu cơ" – anh Hạnh phấn khởi nói.

Hợp tác xã Nông nghiệp Hữu cơ Pa Cốp hiện có 10 thành viên, đang canh tác trồng 23 ha trồng cam đường Canh, 4 ha trồng cam Vinh và 20 ha trồng mận. Riêng hộ gia đình anh Đỗ Quý Hạnh trồng 9 ha cam đường Canh, 2 ha nhãn muộn và 6 ha xoài ngọt. Về đầu ra, ông Hạnh chia sẻ, 40-50% sản phẩm của hợp tác xã Pa Cốp được Công ty CP Hỗ trợ Sáng kiến Kinh doanh Tạo tác động (MEVI) thu mua, phần còn lại bán cho thương lái. Vụ thu hoạch cam canh cuối năm 2021, đầu năm 2022 vừa qua, bình quân mỗi ha của anh Hạnh đạt doanh thu 650 triệu đồng, trừ chi phí 150 triệu đồng, còn lại lợi nhuận đạt 500 triệu đồng/ha.

Tiết lộ về bí quyết đạt được lợi nhuận cao, anh Đỗ Quý Hạnh cho hay, gia đình ông cũng như nhiều thành viên hợp tác xã đã chuyển hướng sang canh tác xanh, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ. Nhờ vậy giảm được chi phí phân bón, qua đó giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ đất và môi trường, đồng thời đạt năng suất cao.

Theo anh Hạnh, nhiều năm trước đây, do lạm dụng nhiều phân bón hóa học, khiến cây cam bị mắc bệnh thối rễ, vàng lá hàng loạt. Trước kia, xử lý bệnh thối rễ vàng lá bằng cách phải đào toàn bộ gốc cây lên, rồi mua thuốc trừ nấm đem về phun, sau đó trồng lại cây. Rất nhiều cây sau khi trồng lại bị chột, phải mất thêm vài năm chăm sóc mới cho quả trở lại.

May mắn là năm 2020, ông Hạnh được gặp người từ công ty MEVI đến, giải thích về cơ chế sinh bệnh thối rễ vàng lá. Muốn xử lý căn cốt, phải cải tạo đất làm cho tơi thoáng. Ban đầu rắc hạt đậu tương xung quanh gốc cây cam, hạt đậu tương nảy mầm sẽ đội đất lên làm cho đất tơi xốp. Sau đó tưới men vi sinh vào gốc cây, các lợi khuẩn này sẽ giúp giải phóng lượng phân đạm bị tích lũy lâu ngày ở trong đất - đây chính là cách thải độc cho đất.

Đ.THỌ

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh