THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:55

Chuyện khó tin về gã 'nghệ sĩ đường phố' 3 lần 'nhặt vợ', 4 lần bán con

 

Chân dung gã Vừn

Ở nơi miền sơn cước thuộc xóm Cáo, xã Quý Hòa, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình không ai còn xa lạ với câu chuyện của gã đàn ông có biệt tài làm xiếc nhưng lại nổi tiếng “nhặt vợ” và bán con. Ngay đến người thân hay những người hàng xóm sát vách cũng không biết gã có bao nhiêu cô vợ như vậy nữa.

Gã ấy là Bùi Văn Vừn (SN 1969). Vừn là con thứ 2 trong gia đình người Mường có 5 người con, hai trai, ba gái. Tuổi thơ của Vừn gắn liền hai chữ “lười học”. Lười học tới nỗi, Vừn đoạn tuyệt chuyện học hành khi mới bước chân vào lớp 1 mà chưa kịp thuộc ba chữ cái cấu thành tên mình.

17 tuổi Vừn dứt áo ra đi khỏi nhà. Vừn đi đâu không ai biết. Gia đình mặc định rằng Vừn đã chết. 

10 năm sau, người dân làng xóm Cáo lại thấy Vừn trở về trong bộ dạng hoàn toàn khác: người gầy gò, tóc râu tua tủa. Và đặc biệt, Vừn không về một mình. Vừn về cùng một người phụ nữ không rõ tên tuổi và đứa bé trai khuôn mặt nhọ nhem cùng lời tuyên bố dõng dạc của người đàn ông sắp bước sang tuổi 30 ấy: “Đây là vợ và con trai tôi”.

Rồi gã lưu trú lại địa phương một thời gian ngắn và cả “gia đình” 3 người lại dắt díu nhau đi biệt tích. Đằng đẵng 2 năm sau, Vừn trở về chỉ cùng với con trai, còn người vợ mà chưa ai kịp biết lai lịch không trở về cùng.

Ai hỏi, Vừn chỉ vỏn vẹn câu “chết rồi”, xong gã lại quay đi tìm bầu rượu. Chỉ mấy ngày sau đó, đứa con trai ấy được Vừn mang đổi lấy chiếc xe đạp phượng hoàng của ông hàng xóm. Giờ thằng bé cũng đã là thanh niên 20 tuổi.

 

Ngôi nhà của Vừn nằm lọt thỏm trong núi rừng hoang vu của xóm Cáo.

 

Nhưng rồi, Vừn ở lại địa phương cũng chẳng được bao lâu, gã lại mất tích rồi lại trở về như một quy luật do gã tự tạo ra.

Lần này, Vừn lại “nhặt” một người vợ khác. Cũng chưa ai biết tên, biết tuổi của người phụ nữ này thì họ lại dắt díu nhau đi khỏi xóm Cáo.

Và lần trở về tiếp theo của Vừn lại cùng một người phụ nữ với gương mặt lạ hoắc – một cô vợ mới cũng do Vừn “nhặt” được. Nhưng lần này cô ấy được người dân xóm Cáo biết tên, cô ấy tên Hường.

Khuôn mặt chị Hường đen nhẻm với cái bụng to lùm lùm, quần áo rách tả tơi, tóc rối bù xù. Bên cạnh người đàn bà lạ ấy còn có thêm một bé gái tên Dung chừng 4 tuổi đen đúa, còi cọc. Cái thai trong bụng được Vừn gượng gạo giới thiệu là kết quả trong một lần hai con người “đồng cảnh” tìm tới sưởi ấm cho nhau trong 1 góc chợ.

Clip: Bùi Văn Vừn trổ tài làm xiếc nuốt dao

Những đứa con của Vừn

Thế nhưng gặp được Vừn không phải chuyện dễ. Bà Bạch Thị Xèn, hàng xóm nhà Vừn nói nhỏ với chúng tôi điều ấy. Bà còn bảo thêm, lần này Vừn hẹn đi một năm sau mới trở về.

Rồi bà kể, chị Hường là người có thâm niên “vợ - chồng” với Vừn lâu nhất. 3 đứa con lần lượt ra đời, 2 con gái là Bùi Thị H. và Bùi Thị Hô...; 1 con trai chưa kịp đặt tên. Nhưng cả 3 đứa đều bị Vừn mang đi bán cho người ở nơi khác, đứa được 20 triệu đồng, đứa 7 triệu đồng, có đứa chỉ 1 triệu đồng.

“Vợ chồng nó lười lắm lại chẳng trồng trọt, chăn nuôi gì thì lấy đâu ra nguồn sống. Thêm nữa, cả nhà hút thuốc lào, chồng đi đâu vợ con theo đó chứ có làm ăn gì đâu. Thỉnh thoảng đi nhặt vài ba cái chai nhựa người ta vứt ở đường để mang bán.

Vừn cũng có cái nghề làm xiếc nhưng xiếc ở vùng quê này ai xem nên vợ chồng, con cái lại đưa nhau ra thành phố biểu diễn. Chẳng biết có bao nhiêu người xem nhưng lúc nào trở về cũng thấy rách rưới và trong cảnh không tiền, say bèm, miệng liên tục chửi mắng vợ con”, bà Xèn cho hay.

Chiếc điếu cày là bạn chung của cả gia đình Bùi Văn Vừn.

Nhắc tới những đứa con mà Vừn đã mang bán, bà Xèn chùng giọng. Năm Bùi Thị Hồ... ra đời, đói quay quắt. Vừn ôm đứa con Bùi Thị H. đi "bán" cho một gia đình ở xã Tuân Đạo (huyện Lạc Sơn, Hòa Bình) lấy 1 triệu đồng.

Ngoảnh đi ngoảnh lại 1 triệu đã sạch bách. Cái đói quay trở lại, Vừn lại bàn với vợ bán nốt đứa con gái Bùi Thị Hồ.... Ngay ngày hôm sau có người ở bản Thung, xã Quý Hòa sang đặt vấn đề, làm giấy tờ và đưa cho vợ chồng Vừn 7 triệu đồng.

“Người mua con của Vừn là cháu tôi nên tôi biết rõ. Vợ chồng nó không có con, cách nhà Vừn 7km, đường đồi núi hiểm trở, lại trơn lầy, xe đi vào rất khó”, bà Xèn kể.

Có số tiền lớn, Vừn cấu véo ăn dần. Miệng ăn núi lở, huống hồ 7 triệu đồng bạc nuôi mấy cái miệng thì được mấy chốc. Dăm bữa nửa tháng, 7 triệu cũng sạch sành sanh. Hết tiền, Vừn lại quấn đứa con bé tý mới được khoảng 1 tháng tuổi vào cái áo rách rồi bế đi.

Lúc ấy, chị Hường đang bế thằng bé, Vừn vào bảo để Vừn bế. Nhân lúc vợ không để ý, Vừn bế con mang đi, lúc trở về Vừn cầm trên tay một cọc tiền. Hàng xóm hỏi được bao nhiêu thì Vừn nói 12 triệu đồng. Nhưng thực tế số tiền "bán" đứa con trai út là 20 triệu đồng.

Vừn "bán" đứa con này cho ai, ở đâu không ai biết. Chị Hường tức giận, khóc ròng 2 ngày liền nhưng cũng không làm gì được Vừn, vì có nói ra Vừn lại đánh, lại mắng. Quần áo của con Vừn cũng mang đốt hết.

“Tôi cũng không biết nó dùng tiền vào việc gì nhưng không lâu sau vợ chồng nó đã hết tiền rồi”, bà Xèn thở dài.

Gia đình ba người của Vừn.

Nhà Vừn và nhà bà Xèn sống trong cảnh “gần nhà xa ngõ”, phải rất vất vả chúng tôi mới vượt qua được khúc đường ngoằn nghèo để sang tới nhà Vừn, dù nó nằm cách nhà bà Xèn chừng 50m.

Căn nhà rộng chừng 10m2 của Vừn khóa trái, phía bên ngoài chỉ có chiếc điếu cày dựng sẵn như vật “chỉ điểm”. Qua cửa sổ nhìn vào bên trong, ba chiếc bát, hai chiếc nồi và những bộ quần áo vá chẳng vá đụp là vật hiện hữu.

Tiếng gọi “Vừn ơi” của chúng tôi như trôi tuột vào không gian hoang vắng của miền sơn cước và không nhận được lời đáp trả nào. Vừn và vợ con đang đi biểu diễn xiếc ở ngoài thành phố Hòa Bình.

Mang câu hỏi “khi nào Vừn trở về?”, cả bà Xèn và anh Bùi Văn Kiểm (anh trai của Vừn – PV) đều chung câu trả lời “không biết”.

“Chắc vợ chồng nó đi “kiếm ăn” ở đâu, tôi cũng không biết”, anh Kiểm nói.

Bản thân anh Kiểm cũng không nhớ mình có bao nhiêu “em dâu”. Anh chỉ ước chừng cũng phải 3 – 4 người. Bởi lẽ, những cô “em dâu” ấy được Vừn mang về tạm thời, tất cả đều có lý lịch không rõ ràng, sống “đầu đường xó chợ”.

“Chúng nó khi rời khỏi địa phương đều có đôi có cặp nhưng khi trở về lại chỉ có mình thằng Vừn”, anh Kiểm lắc đầu thở dài.

Nhà anh Kiểm và nhà anh Vừn cách nhau cũng chỉ chừng 100m nhưng đã 3 năm nay, anh Kiểm không qua nhà em mình vì qua cũng có gặp đâu.

Đứa con gái duy nhất còn sống cùng vợ chồng Vừn, không học hành, suốt ngày lang thang kiếm sống cùng bố mẹ. Nhìn thấy điếu ở đâu là nó lại hút như một "dân chơi" thực thụ.

Rồi anh Kiểm kể cho chúng tôi nghe số phận của những đứa cháu. Những con số 1 triệu đồng, 7 triệu đồng, 20 triệu đồng được anh nói ra trong lời chua chát vì lúc Vừn bán con, anh Kiểm chỉ biết khi “gạo đã thành cơm” nên cũng không thể can thiệp được gì.

Anh Kiểm tặc lưỡi: “Nhưng có khi cũng là may cho chúng nó vì ở với Vừn lại cảnh nay đây mai đó, bữa đói bữa no, cả năm được tắm vài ba lần... Giờ thì chính quyền cũng “hết thuốc chữa” với thằng Vừn rồi”.

Rồi anh Kiểm kể cho chúng tôi nghe câu chuyện đứa cháu bị "bán" cho một gia đình ở đồi Thung.

Anh bảo rằng, em gái mình làm dâu trên ấy. Mỗi lần lên thăm em, anh đều qua gia đình đứa cháu mình đang sinh sống. Giờ nó cũng ở tuổi 13 – 14, được ăn ngon, mặc đẹp.

“Nhà ấy hiếm con. Người chồng đi bộ đội và nhiễm chất độc da cam nhưng họ giầu có lắm. Cháu nó vẫn còn nhớ bố mẹ đẻ. Trước đây còn bé, đi học bị bạn bè trêu nhưng nó không biết gì, giờ lớn hơn rồi nó biết thân phận của nó, biết xấu hổ về những gì bố ruột mình làm.

Nó vẫn nhớ tôi nhưng khi tôi hỏi có muốn về với bác, về với bố mẹ không thì nó bảo nó không về”, anh Kiểm nói tiếp.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh