THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 10:57

Chuyển hồ sơ các nhà máy ngàn tỷ "đắp chiếu" của PVN sang Bộ Công an

Nhà máy Ethanol Phú Thọ tại thời điểm đang xây dựng. Ảnh: PVC


Theo đó, từ Tháng 10/2007 – 3/2009 PVN đã chỉ đạo các đơn vị thành viên góp vốn thành lập 2 công ty cổ phần và 1 công ty liên danh để thực hiện đầu tư 3 dự án sản xuất Ethanol nhiên liệu tại 3 miền Bắc, Trung, Nam (gọi tắt là dự án Phú Thọ, Dung Quất và Bình Phước).

Đến thời điểm thanh tra - tháng 12/2014 dự án Dung Quất, Bình Phước đã đầu tư xong, riêng dự án Phú Thọ chưa hoàn thành do dừng thi công từ tháng 11/2011 dù đây là nhà máy được đầu tư sớm nhất.

Đáng chú ý, cả 3 dự án này đều phải điều chỉnh tổng mức đầu tư với số vốn rất lớn và hiệu quả kinh tế hầu như không đạt được. Cụ thể, tại dự án Dung Quất, tổng mức đầu tư ban đầu hơn 1.493 tỷ đồng, sau điều chỉnh thành 1.886,9 tỷ đồng, tăng gần 394 tỷ đồng. Nhà máy này hiện nay hầu như không vận hành thương mại. 

Cũng trong tình trạng tương tự, dự án tại Bình Phước có tổng mức đầu tư ban đầu hơn 80,6 triệu USD, sau tăng lên thành 84,5 triệu USD.  

Tăng tổng mức đầu tư mạnh nhất là dự án tại Phú Thọ, với khoảng 1.167,43 tỷ đồng (từ 1.317,5 tỷ đồng thành 2.484,93 tỷ đồng). Dự án tại Phú Thọ được thực hiện đầu tư sớm nhất (tháng 9-2009) nhưng chưa hoàn thành do nhà thầu đã dừng thi công từ tháng 11-2011.

Kết quả thanh tra các dự án cụ thể như sau:

Tại dự án Phú Thọ

Tháng 3/2009 Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) được PVN chấp thuận giao cho thực hiện hợp đồng tổng thầu (EPC) theo hình thức chỉ định thầu. Tuy nhiên thời điểm này PVC chưa thực hiện các dự án tương tự nên chưa có năng lực, kinh nghiệm.

Tới tháng 11/2011 PVC đơn phương dừng thi công dự án và thừa nhận mình có ít kinh nghiệm quản lý, mà chỉ có thể thực hiện được việc xây dựng và lắp đặt. Sau đó Chủ đầu tư đã nhiều lần có văn bản yêu cầu PVC tiếp tục nhưng không có chuyển biến.

TTCP xác định PVC đã vi phạm quy định của hợp đồng EPC, gây hậu quả nghiêm trọng là toàn bộ máy móc, thiết bị lắp đặt bị han gỉ, vốn đầu tư 1.534 tỷ chưa được phát huy, chi phí lãi vay tăng. Theo báo cáo chi phí phát sinh sau khi PVC dừng thi công, từ ngày 1/12/2011 đến 31/12/2014 là 393 tỷ.

“Đến thời điểm hiện nay chủ đầu tư, nhà thầu PVC và PVN vẫn chưa có giải pháp, dự án ngày càng lâm sâu và tình trạng bế tắc, khắc phục được là rất khó khăn” – kết luận của TTCP nêu.

Tại dự án Dung Quất

TTCP kết luận, PVN đã giao Tổng công ty cổ phần Dịch vụ tổng hợp Dầu khí (Petrosetco - PTSC) chủ trì xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi, tìm địa điểm xây dựng nhà máy.

Năm 2007 công ty này lựa chọn được địa điểm, tuy nhiên do không khảo sát công tác đền bù, giải phóng mặt bằng nên khi triển khai không được, do đó phải chuyển địa điểm.

Cũng theo TTCP, hồ sơ năng lực của PTSC cho thấy công ty này chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng các nhà máy nhiên liệu sinh học, trong khi lại được giao chịu trách nhiệm thực hiện các công việc quan trọng của dự án.

Việc chỉ định thầu nêu trên là không thực hiện đúng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và vi phạm quy định của Luật Đấu thầu và điều này đã dẫn đến việc thi công hạng mục xử lý nước thải không đáp ứng công suất nhà máy, làm tăng chi phí cho chủ đầu tư 345 tỷ đồng.

Ngoài ra, TTCP cho cho biết tổng mức đầu tư được phê duyệt điều chỉnh là 1.886 tỷ nhưng tổng số tiền đã sử dụng cho dự án đã lên tới 2.124 tỷ, vượt mức đầu tư được duyệt 237 tỷ. Trong khi đó báo cáo cho thấy năm 2014 nhà máy này lỗ 164 tỷ đồng.

Tại dự án Bình Phước

TTCP kết luận, tính đến tháng 3/2013 nhà máy chỉ hoạt động được 5 đợt, sản xuất được 16 triệu lít Ethanol với giá thành khoảng 21.500đ/l, tăng hơn 10.000đ (95%) so với giá thành sản phẩm khi lập dự án đầu tư.

Do giá thành sản phẩm cao, sức tiêu thụ hạn chế nên từ tháng 4/2013 đến thời điểm thanh tra nhà máy hầu như không vận hành thương mại, và dự tính mỗi năm lỗ 200 tỷ, năm 2013 và 2014 lỗ khoảng 400 tỷ.

Với những sai phạm, thiếu sót nêu trên, TTCP đề nghị Bộ Công thương chỉ đạo PVN kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan và xử lý theo quy định đối với những vi phạm, quyết định theo từng việc cụ thể.

Ngoài ra, TTCP cho biết sẽ chuyển hồ sơ sang Bộ Công an để điều tra đối với các sai phạm trong quá trình đầu tư dự án Dung Quất, Phú Thọ do có dấu hiệu “Cố ý làm trái” và/hoặc “Thiếu tinh thần trách nhiệm” trong việc lựa chọn địa điểm xây dựng, chỉ định thầu, ký và thực hiện các hợp đồng EPC.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh