Chuyên gia y tế hướng dẫn cách đơn giản phòng lây nhiễm COVID-19
- Y học 360
- 02:16 - 09/03/2020
BS Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ Truyền thông, Bộ Y tế:
"Đừng tích trữ. Hạn chế tới nơi đông người. Rửa tay, rửa tay và rửa tay"
Trên trang FB cá nhân, BS Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ Truyền thông, Bộ Y tế đã có khuyến cáo người dân những điều sau:
1. Đừng cố gắng tích trữ đồ ăn
Đừng cố gắng tích trữ đồ ăn, đừng khiến mọi siêu thị đều trở nên đông đúc và lộn xộn, dẫn tới tình trạng mất kiểm soát và lây lan bệnh cho nhau... nhanh nhất. Nếu tất cả bình tĩnh, ở nhà, chỉ mua thực phẩm gần nhà và mua đủ dùng, thì tất cả sẽ có đủ đồ, không ai bị thiếu, gọi online cũng được, và không dẫn tới tình cảnh mất kiểm soát.
Những nhà bị cách ly sẽ được hỗ trợ. Vì thế, xin đừng cố tìm cách thoát cách ly!
Năng lực thị trường vẫn đáp ứng đủ nhu cầu cho người dân mà không cần phải tích trữ. Đừng làm tình hình thêm rối loạn. Mọi việc đang được kiểm soát tốt nếu cứ đua nhau đi mua đồ sẽ rất nguy hiểm. Bởi lẽ không phải tự dưng mà ở Trung Quốc số ca tăng chóng mặt trong thời gian đầu, một phần bởi vì tâm lý tích trữ đổ xô ra siêu thị, chạy trốn khắp nơi khỏi cách ly, và tạo môi trường lây lan nhanh nhất. Sau khi tất cả ở yên trong nhà, mọi thứ mới bắt đầu chậm dần, nhưng cũng đã là quá muộn... đã có nhiều người phải ra đi...
2. Hạn chế tới nơi đông người, rửa tay và rửa tay
Hạn chế đến nơi đông người. Xây dựng thói quen rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, trước khi về nhà, thì trong đợt này, nên rửa tay thường xuyên hơn nữa.
3. Tự chăm sóc nâng cao sức đề kháng của bản thân và gia đình
Tăng cường dinh dưỡng, thể lực để nâng cao sức đề kháng của bản thân và gia đình.
4. Hãy theo dõi luồng tin chính thống, tránh hoang mang
Mọi người không nên nghe theo luồng tin xấu gây hoang mang, lo lắng cho bản thân và dư luận.
5. Hãy tin ở y tế và cơ quan chức năng, tạo niềm tin và động lực cho ngành y tế, bộ đội chống dịch hiệu quả.
6. Vắc-xin hiệu quả nhất lúc này là ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân và gia đình.
Bác sĩ Trần Quốc Khánh (Khoa phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức):
"Mua ít thực phẩm thôi, thay vào đó là dự phòng một số thuốc hạ sốt, nhiệt kế, oresol và thuốc sát khuẩn"
Chia sẻ bằng kênh livetream trên FB cá nhân, bác sĩ Trần Quốc Khánh cho rằng, trước diễn biến mới của Covid-19 tại Việt Nam, phản ứng của các cấp chính quyền rất quyết liệt, minh bạch, tạo được niềm tin trong nhân dân. Và quan trọng nhất, theo bác sĩ trong quá trình cùng đẩy lùi dịch Covid-19 chính là hành động của mỗi người dân.
Theo bác sĩ Trần Quốc Khánh, ngay trong chính gia đình của mình, phụ huynh có thể làm ngay cho con em mình: Thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn cho cả nhà (rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang khi ra ngoài, hạn chế ra chỗ đông người, uống nhiều nước, vệ sinh răng miệng, súc miệng thường xuyên...). Thực hiện những nội dung để nâng cao sức đề kháng như thể dục, ăn uống đầy đủ, ngủ đủ giấc, bổ sung men vi sinh, thực phẩm kháng khuẩn… Vẫn nên ra ngoài ánh sáng mặt trời, những nơi thoáng người và yên tĩnh, nhiều ánh nắng, tập thể dục. Vệ sinh các bề mặt trong nhà hằng ngày, ít nhất 1 lần mỗi ngày.
Cập nhật những thông tin chính thống về Covid-19 từ những nguồn tin cậy như Cổng thông tin điện tử Chính Phủ, Cổng thông tin Hà Nội, WHO… Ghi nhớ những triệu chứng nổi bật của Covid-19 đó là ho khan, rất đau cổ, sốt cao, khó thở tức ngực dữ dội. Khác với cúm thông thường đó là đau nhức toàn thân, hắt hơi xổ mũi, sốt nhẹ. Nếu bất cứ ai có triệu chứng, cần chủ động cách ly, báo cơ quan gần nhất.
Phụ huynh nên trữ ít thực phẩm thôi, thay vào đó là dự phòng một số thuốc hạ sốt, nhiệt kế thủy ngân, oresol và thuốc sát khuẩn. Ghi nhớ số đường dây nóng chống Covid-19 là 1900-9095 và 1900-3228 vào điện thoại để gọi trong trường hợp khẩn cấp. Gia đình nào có người thân về nước, xin hãy tự giác và tuân thủ khai báo đầy đủ, cách ly khi có yêu cầu để bảo vệ chính mình, gia đình và cộng đồng.
"Quan trọng nhất trong giai đoạn chống Covid-19 đó là mọi người nên giữ tâm thái bình tĩnh, cảnh giác không lơ là nhưng tránh hoang mang một cách vô hình, tránh sa đà vào những thông tin chưa kiểm chứng (fake news) trên mạng xã hội. Mọi người càng lo lắng, càng sợ hãi thì sẽ càng có xu hướng tìm kiếm thông tin tiêu cực, dễ tin vào những điều mình muốn tin nên sẽ vướng vào ma trận của fake news. Điều này khiến cho hệ miễn dịch giảm khủng khiếp, từ đó càng dễ có nguy cơ lây nhiễm cao hơn cho mình, cho cả gia đình", bác sĩ Trần Quốc Khánh khuyên.
ThS.BSCKII Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương:
"Nếu không may dịch COVID-19 lan rộng, tôi tin ngành Y tế có đủ khả năng đáp ứng và khống chế hiệu quả.
Khi COVID-19 gây tử vong khoảng 3-4% trong số các bệnh nhân nhập viện, thì tỷ lệ tử vong tương ứng với SARS là khoảng 9% và với MERS-CoV là 35,5%. Trên những cơ sở đó có thể cho rằng COVID-19 có độc lực thấp hơn SARS và MERS-CoV. Tuy nhiên, điều khó khăn trong việc kiểm soát của bất kỳ dịch bệnh mới xuất hiện lần đầu là những ca bệnh đầu tiên dễ nhầm lẫn với những bệnh thông thường. Do thời gian ủ bệnh kéo dài đến 14 ngày nên những người có virus có thể đi rất xa, tiếp xúc gần với nhiêu người. Điều đó gây khó khăn trong việc khoanh vùng và cách ly các đối tượng nguy cơ.
Hơn nữa, tình trạng hoảng loạn trong vụ dịch cũng khiến người dân đổ xô đến các bệnh viện để khám, xét nghiệm dẫn đến quá tải và làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm chéo tại đó. Ngoài ra nếu có những trường hợp chạy trốn hoặc dấu bệnh, không tuân thủ cách ly cũng là yếu tố gây khó khăn cho việc cách ly và khống chế dịch.
Về phía người dân cần tuân thủ tốt các hướng dẫn của Bộ Y tế bao gồm: Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính; khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc.
Giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng để phòng bệnh viêm phổi. Cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp. Hạn chế tiếp xúc gần với các trang trại nuôi động vật hoặc động vật hoang dã.
Những người trở về từ vùng có dịch hoặc có tiếp xúc gần với người đã nghi ngờ có viêm phổi do COVID-19 trong vòng 14 ngày nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.
Khi xuất hiện dịch bệnh, nếu cộng đồng có tình trạng hoảng loạn sẽ làm rối loạn xã hội và cản trở tất cả các nỗ lực kiểm soát dịch bệnh. Chính vì vậy việc thông tin tuyên truyền cho người dân hiểu đúng về nguy cơ, bình tĩnh và phối hợp với ngành y tế cũng là một hoạt động quan trọng để đảm bảo khống chế dịch bệnh hiệu quả
Ngành Y tế Việt Nam đã có kinh nghiệm chống dịch thành công với nhiều vụ dịch lớn. Qua đó đội ngũ cán bộ y tế đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, tiến bộ về trình độ chẩn đoán, điều trị và giám sát dự phòng cũng như khả năng tổ chức phòng chống dịch. Các trang thiết bị cũng được đầu tư và bổ sung trong nhiều năm qua. Nhiều bệnh viện cũng đã được xây mới và mở rộng. Nếu không may dịch COVID-19 lan rộng trên đất nước ta, tôi tin ngành Y tế có đủ khả năng đáp ứng và khống chế hiệu quả.