CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:33

Chuyên gia đột quỵ: Đừng chủ quan về căn bệnh nguy hiểm

Bệnh đột quỵ nếu không dự phòng và điều trị tốt sẽ có hậu quả rất nguy hiểm đến tính mạng và tàn phế sau này. Vì sao bệnh đột quỵ hay xuất hiện vào mùa đông xuân ở miền Bắc? Người dân ở địa phương quanh năm nắng nóng, phòng bệnh đột quỵ ra sao? Báo Sức khỏe và Đời sống đã phỏng vấn PGS.TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, BV Bạch Mai

PV: Quan sát qua thực tế, chúng tôi nhận thấy, bệnh đột quỵ ngày càng trẻ hóa, là chuyên gia có kinh nghiệm trong ngành đột quỵ, ông cho biết vì sao? Và thưa ông, bệnh đột quỵ hiện nay, không chỉ là riêng của người cao tuổi?

PGS.TS Mai Duy Tôn: Đột quỵ ở người trẻ (dưới 44 tuổi) có xu hướng ngày càng gia tăng. Trong vòng 20 ngày qua tại Trung tâm chúng tôi đã tiếp nhận 60 bệnh nhân đột quỵ ở người trẻ. Chiếm gần 10% bệnh nhân đột quỵ vào trung tâm điều trị. Như vậy, chúng ta có thể thấy đột quỵ ở người trẻ không phải là hiếm và có xu hướng ngày càng gia tăng.

Nhiều người có tâm lý chủ quan, trẻ không mắc đột quỵ. Chính vì vậy các triệu chứng về đột quỵ thường hay bị bỏ qua và chỉ đến khi có triệu chứng nặng rồi mới đưa đến viện thì đáng tiếc đã qua giờ vàng, mất đi cơ hội điều trị tích cực để phục hồi tốt cho người bệnh về sau.

Chuyên gia đột quỵ: Đừng chủ quan về căn bệnh nguy hiểm - Ảnh 1.

PGS.TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: BV Bạch Mai

Theo điều tra của Hội tim mạch Việt Nam hiện nay, những người trong độ tuổi từ 25-49, cứ 4 người thì có 1 người tăng huyết áp. Bệnh tăng huyết áp nếu không được kiểm soát tốt là nguyên nhân hàng đầu gây ra đột quỵ.

Không chỉ chảy máu não mà còn đột quỵ thiếu máu não. Thêm nữa, cuộc sống hiện đại, người trẻ có xu hướng mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa, rồi uống rượu nhiều, nghiện thuốc lá, ít vận động, béo phì nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nguy cơ đột quỵ

PV: Thưa ông, hiện nay các tỉnh miền Bắc đang ở mùa đông lạnh, người cao tuổi đổ bệnh nhiều, trong đó có bệnh đột quỵ, cũng không phải là ít. Ông có thể đưa ra lời khuyên gì đối với người cao tuổi trong thời điểm này? Vì sao bệnh đột quỵ hay xuất hiện trong mùa đông xuân ở miền Bắc, còn ở các tỉnh phía Nam, quanh năm nắng nóng, bệnh đột quỵ có quy luật xuất hiện theo mùa không?

PGS.TS Mai Duy Tôn: Thứ nhất, nói về nguyên nhân đột quỵ thường liên quan đến bệnh tăng huyết áp. Do vậy, trong mùa lạnh nên kiểm soát huyết áp thường xuyên và duy trì thuốc tăng huyết áp đều đặn hàng ngày theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, tránh bỏ thuốc.

Phòng ngừa tốt cần phải bỏ hẳn thuốc lá. Vì quan sát của tôi cho thấy, vào mùa lạnh, người hay hút thuốc có xu hướng hút nhiều hơn để sưởi ấm cơ thể. Nhưng như chúng ta đều biết, hút thuốc lá là căn nguyên gây ra đột quỵ nên tôi đề nghị phải bỏ hẳn thuốc lá.

Theo các báo cáo được công bố, thấy rằng nguy cơ đột quỵ liên quan đến mùa. Đặc biệt là mùa lạnh. Lý do làm tăng nguy cơ vào mùa lạnh, liên quan đến huyết áp. Vì mùa lạnh, huyết áp cũng thường tăng cao.

Thứ 2, đã có bằng chứng cho thấy, máu dễ có xu hướng tắc nghẽn trong mùa lạnh do các mạch máu co lại.

Thứ 3, mùa lạnh chúng ta dễ mắc cúm cũng như viêm nhiễm đường hô hấp điều này sẽ làm nặng các bệnh nền sẵn có. Trong đó có các bệnh lý xơ vữa mạch đó cũng là lý do dẫn đến đột quỵ cũng như nhồi máu cơ tim. Và, người cao tuổi rất dễ tổn thương thay đổi nhiệt độ đột ngột vào mùa lạnh. Đó là những yếu tố dễ dẫn đến đột quỵ.

Đối với các địa phương quanh năm nắng nóng, chúng tôi chưa thấy có nghiên cứu liên quan đến bệnh đột quỵ, cho phép tôi không có bình luận nào về mối liên quan đến thời tiết quanh ở những nơi thường xuyên có nắng ấm.

Tuy nhiên, người dân sống ở đây không được phép chủ quan. Các nguy cơ dẫn đến đột quỵ giống như tôi đã nói ở trên. Người dân cần phải chủ động phòng tránh để tránh nguy cơ và hơn hết nên nâng cao kiến thức phòng ngừa bệnh đột quỵ cho bản thân và gia đình.

Người dân cần có thói quen sống lành mạnh. Bỏ thuốc lá, không uống rượu nhiều. Thường xuyên vận động, luyện tập nâng cao sức khỏe, kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Phải duy trì các chế độ điều trị đối với các bệnh lý mãn tính dễ nguy cơ đột quỵ như tăng huyết áp, tiểu đường, các bệnh lý tim mạch. Và những người đã từng đột quỵ phải duy trì chế độ kiểm tra sức khỏe định kỳ để dự phòng tái phát.

PV: Thưa ông, ngành đột quỵ ở nước ta đang ở vị trí nào trên thế giới?

PGS.TS Mai Duy Tôn: Lĩnh vực đột quỵ ở nước ta hiện nay phát triển rất nhanh. Nhiều kỹ thuật điều trị đột quỵ ở nước ta tương đương với các nước trong khu vực. Ở điều trị đột quỵ cấp những kỹ thuật tiên tiến của thế giới đều được triển khai ở trong nước. Ví dụ, như điều trị cho bệnh nhân đột quỵ tắc mạch não sử dụng các thuốc tiêu huyết khối hoặc lấy huyết khối cơ học bằng dụng cụ.

Rồi các biện pháp hồi sức tích cực chuyên sâu trong đột quỵ não như kiểm soát áp lực nội sọ, kiểm soát thân nhiệt trong đột quỵ hoặc các biện pháp theo dõi oxy…Như vậy có thể nói các kỹ thuật chuyên sâu đột quỵ trong điều trị cũng như trong chẩn đoán hình ảnh chúng ta đều áp dụng các kỹ thuật tiên tiến nhất hiện nay trên thế giới vào trong điều kiện của Việt Nam.

PV: Ngành đột quỵ đã ở trình độ tiệm cận với thế giới, tuy nhiên lo lắng của ông và các chuyên gia đó là gì?

PGS.TS Mai Duy Tôn: Lo nhất của chúng tôi đó là nhận thức của người dân về bệnh đột quỵ mặc dù đã được khuyến cáo nhiều nhưng người dân vẫn chủ quan điều này làm cho điều trị và dự phòng đột quỵ không hiệu quả. Rất nhiều bệnh nhân đột quỵ đưa đến bệnh viện đã muộn, đã qua thời gian vàng.

Chính vì vậy, chúng tôi mong muốn người dân nâng cao kiến thức hiểu biết về bệnh đột quỵ, bao gồm: nhận biết đột quỵ; các biện pháp điều trị dự phòng, rồi kiểm soát bệnh lý có liên quan đến đột quỵ, điều trị thường xuyên.

Quản lý sau khi khi đột quỵ cũng rất quan trọng. Hiện nay, chúng ta chưa được tốt. Người bệnh sau khi được ra viện, không có thói quen tái khám, không dự phòng. Bệnh nhân sau đột quỵ cần được quản lý sức khỏe cũng như điều trị dự phòng suốt đời để tránh nguy cơ tái phát. Người dân cần phải bỏ quan niệm sai lầm là sau khi điều trị khỏi đột quỵ là không tái khám, do đó tỷ lệ tái phát đột quỵ ở nước ta rất cao. Khi bệnh nhân đột quỵ tái phát, hậu quả sẽ rất lớn. Nặng dễ dẫn đến tử vong. Nếu may mắn qua khỏi sẽ tàn phế chức năng cao hơn gấp nhiều lần so với người mới bị đột quỵ lần đầu tiên.

Các trung tâm đột quỵ của nước ta đã ứng dụng trình độ KHKT tương đương với thế giới, người dân hoàn toàn yên tâm về trình độ của các bác sĩ Việt Nam. Tuy nhiên, tôi phải nhấn mạnh rằng, người bệnh đột quỵ cần phải đưa đến sớm, trong khoảng giờ vàng để được cấp cứu và điều trị kịp thời, tránh trì hoãn, để muộn sẽ gây ra hậu quả đáng tiếc, người thầy thuốc không còn cơ hội điều trị người bệnh.

PV: Phục hồi chức năng (PHCN) sau đột quỵ được Trung tâm Đột quỵ, BV Bạch Mai quan tâm ra sao, thưa ông?

PGS.TS Mai Duy Tôn: Trong lễ khai trương Trung tâm đột quỵ, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc BV Bạch Mai Nguyễn Quang Tuấn, trung tâm chúng tôi đi vào hoạt động phải là trung tâm hoàn chỉnh.

Điều đó có nghĩa là chúng tôi kết hợp đa chuyên khoa nhằm đưa ra phương pháp điều trị tốt nhất cho người bệnh. Bao gồm, kết hợp với Trung tâm Điện quang để ứng dụng và điều trị các kỹ thuật cao về can thiệp nội mạch.

Kết hợp với khoa phẫu thuật thần kinh của bệnh viện để điều trị đột quỵ chảy máu cần phải mổ, lấy máu tụ hoặc mổ xâm lấn tối thiểu hoặc là kẹp các túi phình mạch não vỡ.

Hiện nay, quan điểm về điều trị đột quỵ đã thay đổi. Đó là PHCN sớm trong vòng 24h cho bệnh nhân đột quỵ. Ngay từ khi thành lập Trung tâm đột quỵ chúng tôi rất quan tâm đến lĩnh vực PHCN.

Tất cả bệnh nhân đột quỵ cấp vào trung tâm đều được PHCN trong vòng 24h ngay khi còn đang cấp cứu. PHCN ngay tại giường. Khi tình trạng bệnh nhân ổn định, chúng tôi sớm cho bệnh nhân rời khỏi giường. BV Bạch Mai là bệnh viện đa khoa hạng đặc biệt, nên chúng tôi có lợi thế rất lớn khi nhận được sự hỗ trợ từ các chuyên khoa khác nhau.

Như Trung tâm PHCN của bệnh viện, hàng ngày đều có các kỹ thuật viên đến đánh giá rối loạn nuốt, phục hồi ngôn ngữ trị liệu phối hợp với chúng tôi để giúp người bệnh phòng tránh các biến chứng của đột quỵ. Cũng như giúp người bệnh có cơ hội phục hồi sớm hơn, tốt hơn và sau khi bệnh nhân ổn định qua giai đoạn cấp nếu cần phải PHCN chúng tôi sẽ chuyển bệnh nhân đến Trung tâm PHCN điều trị thêm.để bệnh nhân cải thiện thêm chức năng vận động, ngôn ngữ, rồi loạn nuốt được hiệu quả nhất.

PV: Trân trọng cảm ơn ông

Theo Sức khỏe và Đời sống

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh