Chuyên gia chỉ rõ lỗi "chết người" vụ chó becgie cắn chết anh trai của chủ tại Hà Nội
- Y học 360
- 13:25 - 25/08/2018
Ảnh minh họa huấn luyện giống chó Bbcgie
Lỗi chính từ chủ nhân
Thấy hai con chó cắn nhau, anh Th. (ở Bùi Xương Trạch, Thanh Xuân, Hà Nội) đã cầm nạng gỗ đuổi đi thì bất ngờ bị con chó malinois (hay còn gọi là chó becgie Bỉ) lao vào cắn trúng cổ khiến nạn nhân tử vong một ngày sau đó.
Trao đổi với PV, chuyên gia huấn luyện chó Hoàng Văn Tuân (Hà Nội) cho biết, cá nhân ông đã từng huấn luyện một số con chó malinois và nhận thấy, đặc tính của giống chó này không hung dữ.
"Như giống chó Pitbull thì tôi công nhận nó hung dữ và có trường hợp cắn lại cả chủ còn giống Becgie Bỉ khi đi dạy, tôi chưa gặp con nào cắn lại chủ. Đồng thời, độ nghe lời, quấn chủ của giống becgie này cũng rất cao.
Ngoài ra, giống chó này cũng không hay bắt nạt, cắn để đến chết các giống chó khác mà chỉ lao lại, vần nhau", ông Tuân nói.
Ông Tuân cho rằng, dù được đánh giá thân thiện nhưng cũng có một số trường hợp, chó becgie Bỉ sẽ tấn công người, đối phương. Cụ thể, nếu người đó dùng các loại vũ khí hay gậy tấn công hoặc đột nhập vào nhà chủ của chó thì chó Becgie sẽ cắn lại.
Đối với trường hợp của anh Th., vị chuyên gia này nhìn nhận, nguyên nhân dẫn đến sự việc đáng tiếc có thể do nạn nhân khi thấy hai con chó cắn nhau đã cầm nạng gỗ lao vào đuổi khiến chó becgie tưởng rằng, anh ấy đang tấn công nó nên cắn lại.
Ảnh minh họa
"Bên cạnh đó, quá trình đi dạy, tôi cũng thấy, đối với chúng ta, khi cười nhe răng ra với nhau thể hiện sự thân thiện nhưng đối với các giống chó nếu cười nhe răng, có khi chúng lại tưởng mình gầm gừ, có ý định tấn công chúng. Do đó, một số loại chó sẽ có phản ứng, cắn lại", ông Tuân chia sẻ.
Vị chuyên gia này nói thêm, một nguyên nhân quan trọng hơn trong sự việc xảy ra với anh Th. xuất phát từ chính chủ nhân của chú chó becgie Bỉ này khi dẫn chó ra ngoài đường đã không rọ mõm lại hoặc có các biện pháp để khống chế cần thiết.
Trong khi đó, một chuyên gia huấn luyện chó ở Trâu Quỳ (Gia Lâm, Hà Nội) cho rằng, trong các vụ việc chó cắn người, thậm chí cắn lại chủ đa phần lỗi xuất phát từ chủ nhân hoặc người bị cắn chứ không phải do chó.
Trong sự việc ở phố Bùi Xương Trạch (Thanh Xuân, Hà Nội), theo vị nãy, lỗi 7 phần xuất phát từ chủ nhân của chú chó khi đã không tuân thủ quy định, dắt chó ra đường không được đeo rọ mõm.
Thêm vào đó, chủ nhân của chó thiếu kiến thức nuôi chó. Ngoài ra, 3 phần lỗi còn lại ở chính nạn nhân khi đã có ứng xử, sử dụng nạng gỗ không phù hợp trong lúc can 2 con chó đang cắn nhau.
Lời khuyên cho việc nuôi dạy chó dữ từ các chuyên gia
Vị này chia sẻ thêm, dù đã nhiều năm kinh nghiệm, được tào tạo về huấn luyện chó nghiệp vụ nhưng chính ông cũng từng bị tấn công khi cản hai con chó do chính mình nuôi cắn nhau.
Do đó, để hạn chế rủi ro khi gặp trường hợp bị chó dữ tấn công, mọi người cần bình tĩnh, dùng các biện pháp phòng vệ cần thiết, tránh bị chó cắn.
Nếu xung quanh không có vật gì thì cởi áo khoác đưa ra phía trước để chó cắn vào đó, không chạy được thì nên đứng im như khúc gỗ, hét to để mọi người đến trợ giúp.
Còn ông Hoàng Văn Tuân cho rằng, để tránh hiện tượng chó cắn người khác khi ra đường, trước hết, người chủ và chó cần phải được huấn luyện, học các kinh nghiệm, kỹ năng ở trung tâm có uy tín.
Nếu nuôi chó tại gia đình, nên nuôi chó từ nhỏ. Hết sức hạn chế nuôi chó đã trưởng thành, nhất là các giống chó dữ. Không nên nuôi nhiều chó dữ trong gia đình nếu không phải là kinh doanh chuyên nghiệp.
Nuôi dạy chó đúng cách như hết mực yêu thương nhưng nghiêm khắc, cho chó thấy nó được yêu quý, nhưng không được phép làm những việc sai, phải tuyệt đối tuân theo mệnh lệnh của chủ.
Cần thiết phải sử dụng một số biện pháp để khống chế (rọ mõm, dây cương cổ dề kỷ luật, vòng cổ xung điện…).
Một số con chó có tính khí côn đồ, hung dữ, dạy bảo không được phải kiên quyết thải loại, không thể để xảy ra những tai nạn đáng tiếc.
Đặc biệt, chủ nhân nuôi cần tuyệt đối không được khuyến khích chó cắn bừa bãi, vô cớ, tạo cho nó những thói quen xấu nguy hiểm.