CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:08

Chuyện đời, chuyện tình của “nghệ sĩ đám cưới”

 “KIẾP CẦM CA” LẮM NỖI TRUÂN CHUYÊN

Nguyễn Hiếu, một tay guitar khá nổi tiếng, từng chơi cho hàng trăm đám cưới tại TP.HCM trong suốt hơn 10 năm qua, đã chua chát thốt lên như vậy. Bởi cuộc sống riêng tư của anh không hề suôn sẻ: Chia tay vợ đã nhiều năm, con cái chia lìa, rồi những cuộc tình ngắn ngủi, chóng vánh cứ thi nhau đi qua, khi anh còn chưa kịp cảm nhận được cảm giác ngọt ngào của tình yêu…

 

Những "nghệ sĩ miệt vườn" biểu diễn tại một đám cưới ở miền Tây Nam bộ


 “Dẫu gì thì mình cũng mang trong mình “kiếp cầm ca”, chút máu nghệ sĩ, dẫu chưa hẳn là nghệ sĩ thực thụ, nhưng cũng đủ khiến mình phải khổ sở vì tình. Hồi còn trẻ, dễ dàng gục ngã bởi một cuộc tình “sét đánh”, lấy vợ một cách vội vã khi người yêu có bầu tới… 6 tháng. Rồi khi bước vào cuộc sống hôn nhân, quá nhiều mâu thuẫn nảy sinh nhưng mình lại cũng “lớt phớt” theo kiểu “nghệ sĩ", không giải quyết thấu đáo. Thế là chia tay, cũng rất nhanh chóng.

Những năm tiếp theo, mình gặp nhiều cô gái, với bản tính dễ “cảm”, dễ yêu, nhưng rồi chẳng cuộc tình nào đủ sâu sắc. Cho đến bây giờ, khi đã ngấp nghé 50 tuổi, vẫn cứ yêu khờ dại như một đứa trẻ mười mấy, chưa thấy đâu là bến đỗ cuộc đời”, anh chia sẻ.

Một trong những bản nhạc gần như “đóng đinh” trong các đám cưới là bài “Ngày tân hôn”, anh thuộc nằm lòng, chơi đàn một cách điêu luyện, lột tả hết cảm giác hạnh phúc, viên mãn. Nhưng nhiều khi đang đàn, nhìn đôi uyên ương tay trong tay rạng ngời hạnh phúc, rồi chạnh lòng nghĩ tới hoàn cảnh của mình, buồn muốn khóc…

Dẫu sao, Hiếu cũng là đàn ông, cuộc sống dù có “lang bạt kỳ hồ”, nhưng vẫn có đủ mạnh mẽ để xoay xở, sống một cách tạm ổn, còn đối với những người phụ nữ ở vào tình cảnh như vậy, thì nỗi buồn hẳn còn lớn hơn gấp bội.

Tuyết Trinh là nghệ danh của một cô ca sĩ chuyên hát đám cưới, có thâm niên hơn 20 năm trong nghề. Ở cái tuổi xấp xỉ 40, nhưng khi lên sân khấu, cô ca sĩ này trông vẫn còn rất xinh đẹp, hát rất say sưa, và còn khiến cuộc vui thêm sôi động với những điệu nhảy “bốc lửa”. Nhìn cô hát, nhảy, với phong thái đầy cuốn hút, đầy chất lãng tử như quên hết sự đời, không ít người nghĩ rằng cô ấy phải có một cuộc sống riêng đủ đầy, nhung lụa.

Nhưng thực tế lại trái ngược hoàn toàn. Tuyết Trinh kể rằng, cô bắt đầu đi hát đám cưới từ năm lên 16 tuổi. “Nhà nghèo, cha chạy xe ôm, mẹ đi làm thuê làm mướn nuôi 3 chị em ăn học, mình có chút sắc vóc, lại có khiếu ca hát, nên được một ông bầu sô phát hiện ra, đưa vào một nhóm chuyên đàn, hát phục vụ đám cưới ở một khu vực vùng ven Sài Gòn. Tiền mỗi suất hát hồi bấy giờ chỉ tương đương 300.000 đồng bây giờ, nhưng chừng đó là đủ để cả gia đình sống được nửa tuần. Thế rồi, mình bị ông bầu sô dụ dỗ, đưa vào khách sạn, cùng với lời hứa sắp tới sẽ bố trí cho hát ở 3 đám cưới mỗi tuần. Tuổi trẻ dại dột, để rồi ít lâu sau mình có thai. Ông ta thấy vậy, dúi cho mình ít tiền để phá thai, rồi bảo nghỉ đi hát, kiếm việc khác mà làm. Nhưng nhà mình theo Công giáo, cha mẹ dứt khoát không cho phá thai. Mình sinh con khi còn quá trẻ, không biết làm gì để nuôi con, lại phải tìm một ban nhạc đám cưới để xin hát kiếm tiền.

 

Đàn, hát trong các đám cưới đã trở thành một nghề để mưu sinh của nhiều người


Không phải mình ảo tưởng, mà quả thực là  mình ngày càng càng đẹp ra – đẹp theo kiểu “bốc lửa”, khiến cánh đàn ông không khỏi thèm thuồng. Nếu như với những người phụ nữ có điều kiện, thì đó là điều đáng hãnh diện, có thể đưa họ tới nhiều cơ hội tốt, nhưng với mình thì ngược lại, sắc đẹp khêu gợi ấy chỉ mang lại những nỗi ê chề, khi những người đàn ông lần lượt đến rồi đi, chẳng ai ở lại với mình được quá nửa năm. Duy có điều, nhờ một vài mối quan hệ, và cũng nhờ bản thân mình cố gắng rèn luyện giọng hát, nên càng ngày, mình càng được “leo lên” hát cho những đám cưới hạng sang, ngày càng đắt show hơn. Nhờ đó, tiền thù lao cũng nhiều hơn, như hiện giờ, có những ngày “rộ” đám cưới, mình phải chạy vòng vòng hát cho 4-5 đám, thu nhập cũng được vài triệu. Nhưng nghĩ lại, để có thể có được vị trí như hôm nay, mình đã phải đánh đổi quá nhiều”, Tuyết Trinh kể về cuộc đời mình mà mắt rơm rớm ướt…

 

“HẠNH PHÚC CỦA NGƯỜI, NƯỚC MẮT CỦA TÔI…”

Đã có thời, Tuyết Trinh mơ trở thành ca sĩ thực thụ, được đứng trên những sân khấu lớn để hát trước đông đảo người hâm mộ. Cũng một thời, cô mơ về một người đàn ông của mình, về một đám cưới dẫu đơn sơ nhưng ngập tràn hạnh phúc. Nhưng giờ thì những giấc mơ ấy đã lụi tàn. Cô chấp nhận an phận với nghiệp ca sĩ đám cưới cùng thân phận người mẹ đơn thân, cố gắng che giấu sự bất hạnh của mình để hát lên những giai điệu hạnh phúc ngọt ngào, như thể chính bản thân mình cũng đang được tận hưởng niềm hạnh phúc của đôi uyên ương.

 “Đó thực sự là điều trớ trêu của cuộc sống. Lẽ thường, những người có đời sống riêng tư truân chuyên như tôi sẽ chỉ hát những bài hợp với tâm trạng của mình, nhưng đằng này thì chỉ hát những bài trái ngược với tâm trạng, thậm chí còn phải diễn xuất sao cho thật “bốc”, thật “quậy”. Mình cố gắng nhìn vào sự hạnh phúc của cô dâu, chú rể để lấy cảm hứng. Nhiều khi vừa hát xong, mình phải chạy vội vô phòng thay đồ để khóc cho nhẹ lòng”, cô tâm sự.

 

Một ban nhạc đám cưới ở châu Âu


Quang Dũng, một nhạc công piano tại một nhà hàng tiệc cưới hạng sang ở quận 1, TP.HCM, cũng có cuộc sống gia đình không trọn vẹn. Mặc dù có cha mẹ khá giả, nhưng anh vẫn muốn gắn bó với ban nhạc đã chơi chung với nhau từ cả chục năm nay, dù rằng tiền thù lao mỗi đám chỉ trên dưới 1 triệu đồng. Anh kể rằng, chơi đàn thì lẽ ra phải tập trung tư tưởng gần như tuyệt đối. Ngay cả những lúc “phiêu” thì cũng vẫn phải kiểm soát được những ngón đàn. Thế nhưng, “nhiều khi nhìn những đôi trẻ âu yếm nhau, rồi nhìn những gia đình khách dự tiệc vui vẻ, đầm ấm bên nhau, mình bỗng trở thành “kẻ mộng du”, tay thì bấm phím đàn mà đầu óc để ở đâu đâu, chơi sai không biết, phải đến khi những anh em trong ban nhạc đập vào vai thì mới chợt bừng tỉnh. Nhìn hạnh phúc của người ta, mình không khỏi chạnh lòng khi với mình, hạnh phúc đã bay đến tận chốn xa lắc xa lơ nào đó…”, anh tâm sự.

Còn với Nguyễn Hiếu, anh nói rằng mặc dù chơi nhạc cho đám cưới có thể mang lại nguồn thu nhập khá ổn định, nhưng “có lẽ chỉ chơi xong mùa cưới năm nay, mình sẽ chuyển sang chơi nhạc cho nhà hàng. Thà mình chơi đàn trong khi người ta mải ăn uống, chuyện trò, có nghĩa nghệ thuật của mình không thật sự được tôn trọng, vẫn còn hơn là phải chơi trong một không gian ngập tràn hạnh phúc, để rồi đêm về nhớ lại những cảnh đó, nằm ôm con mà nước mắt cứ trào ra”, anh cho biết.

Là con người, ai cũng mong muốn có được cuộc sống lứa đôi hạnh phúc. Nhưng có những người muốn mà không được – vì nhiều lý do khác nhau. Những người mang tâm hồn nghệ sĩ vốn rất nhạy cảm, nên khi “phải” làm việc trong một không gian ngập tràn hạnh phúc, chứng kiến những cảnh mà họ hằng mơ ước, đã từng cố gắng với tới, nhưng không được, hẳn họ đều cảm nhận được sự trớ trêu của cuộc đời, khiến nỗi buồn ngày càng lớn dần lên…

KHÁNH NGUYÊN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh