THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 05:31

Đẩy mạnh đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm

 

Người dân tộc thiểu số chủ yếu vẫn làm nông nghiệp.        

 

Cơ cấu việc làm của người DTTS phần lớn gắn với nông nghiệp  

Theo Ủy ban Dân tộc, kết quả từ cuộc khảo sát quốc gia năm 2015 về tình hình kinh tế - xã hội của 53 DTTS tại Việt Nam cho thấy khoảng cách giới trong các nhóm DTTS và giữa các nhóm DTTS với dân tộc Kinh còn lớn và tồn tại dai dẳng trong nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội và phụ nữ DTTS cũng là nhóm bị thiệt thòi và dễ bị tổn thương.

Cũng theo điều tra này, tỷ tệ hộ nghèo chung của các DTTS năm 2015 là 23,1%, cao hơn gần 4 lần so với mức chung của các nước, trong đó đặc biệt có 14 DTTS có tỷ lệ hộ nghèo rất cao từ 41% trở lên. Các nhóm DTTS bị bất lợi so với nhóm dân đa số về giáo dục và việc làm, khả năng chuyển đổi nơi ở, chỗ làm, tiếp cận các dịch vụ tài chính, các nguồn lực sản xuất như đất đai, tiếp cận thị trường do bị gắn với khuôn mẫu cũng như các rào cản văn hóa khác.

Đặc điểm nổi bật của người DTTS là họ tham gia làm việc từ độ tuổi rất trẻ và hầu hết người DTTS trong độ tuổi lao động đều làm việc, điều này thể hiện ở tỷ lệ người DTTS từ 15 tuổi trở lên có việc làm đạt tới 87,55%, cao hơn đáng kể so với tỷ lệ tương ứng của người Kinh là 74,92%. Tuy nhiên, cơ cấu việc làm của người DTTS vẫn khá lạc hậu, phần lớn gắn với nông nghiệp và lâm nghiệp.

Cách thức sinh kế đơn giản như cha mẹ cho trẻ em theo lên nương từ nhỏ nên người DTTS có việc làm rất cao và hầu hết làm việc trong nông nghiệp, tỷ lệ lên tới 81,4%. Ngược lại, tỷ lệ lao động DTTS có việc làm trong lĩnh vực công nghiệp mới đạt 8,7%, chỉ bằng 1/3 so với tỷ lệ của cả nước.

Trong cơ cấu nghề nghiệp, người  lao động DTTS tập trung nhiều nhất ở việc làm lao động giản đơn 67,6%, tiếp đến là lao động có kỹ năng trong nông nghiệp, lâm nghiệp 17,5%, lao động thủ công 4,9%, nhân viên bán hàng và dịch vụ 4,3%. Rất ít lao động DTTS có thể đảm nhiệm các nghề nghiệp yêu cầu kiến thức và kỹ năng bậc trung và cao như lao động quản lý; nhà chuyên môn bậc cao và bậc trung. Điều này còn được thể hiện ở trình độ học vấn và trình độ chuyên môn kỹ thuật, lao động DTTS từ 15 tuổi trở lên đang có việc làm đã được đào tạo chuyên môn kỹ thuật trong cả nước là 19,9%, cao hơn 3,5 lần so với lao động DTTS 5,7%.

Về thu nhập, hầu hết người DTTS làm việc và họ chấp nhận công việc nặng nhọc, thu nhập thấp. Thu nhập bình quân 1 nhân khẩu/tháng của gia đình DTTS năm 2015 là 1.161.000 đồng/người/tháng, chỉ tương đương với 45% mức bình quân chung của cả nước (2.605.000 đồng/người/tháng) và bằng 41% mức bình quân của dân tộc Kinh (2.888.000 đồng/người/tháng). Hầu hết người DTTS làm việc và họ chấp nhận công việc nặng nhọc, thu nhập thấp. Cũng vì vậy, tỷ lệ thất nghiệp của họ rất thấp so với tỷ lệ thất nghiệp chung của cả nước. Các nhóm dân tộc có tỷ trọng làm việc trong nông nghiệp càng cao thì tỷ lệ thất nghiệp càng thấp, thậm chí không có người thất nghiệp.

Nhiều chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho người DTTS

Trong nhiều năm qua, Chính phủ Việt Nam đã dành sự quan tâm đặc biệt; nỗ lực đầu tư phát triển toàn diện vùng DTTS và miền núi. Tuy vậy, hiện nay nhóm DTTS của các nước trong khu vực vẫn đang là nhóm yếu thế nhất. Thiên tai, dịch bệnh, thiếu việc làm, đói nghèo... đang là thách thức lớn của vùng DTTS và miền núi.  Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho rằng, tạo việc làm cho người DTTS là một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Trong 2 chương trình mục tiêu của quốc gia: Chương trình xây dựng nông thôn mới và chương trình giảm nghèo bền vững đều có những hợp phần tạo điều kiện để đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm cho người DTTS.

Đáng kể nhất là Chương trình 135 (Chương trình phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi)  trong đó có một hợp phần được thiết kế là nâng cao năng lực cộng đồng và tạo việc làm cho người DTTS. Đề án 1956 với nội dung chính là dạy nghề cho lao động nông thôn, dân tộc thiểu số cũng đã được triển khai nhằm khắc phục tình trạng thiếu đất sản xuất, cũng như việc chuyển đổi cơ cấu lao động cho lao động nông thôn trong đó có vùng DTTS.

 Cuối  năm 2017,  Thông tư 58/2017/TT-BTC cũng đã được ban hành, hướng dẫn một số chính sách hỗ trợ tài chính cho tổ chức, đơn vị sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số tại khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn người thuộc hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nghèo, mức hỗ trợ tối đa là 4 triệu đồng/người/khóa học; người DTTS nhận mức hỗ trợ tối đa 3 triệu đồng/người/khóa học. Đồng thời hỗ trợ tiền ăn 30.000 đồng/người/ngày thực học. Hỗ trợ tiền đi lại 200.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 15 km  trở lên.

Đối với chính sách hỗ trợ về bảo hiểm, ngân sách nhà nước hỗ trợ nộp thay cho các đơn vị sử dụng lao động tối đa 5 năm đối với một người lao động.Việc hỗ trợ bảo hiểm được thực hiện đối với lao động là người dân tộc thiểu số được đơn vị sử dụng lao động ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng. Ngân sách Trung ương hỗ trợ 100% kinh phí về đào tạo, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho lao động là người dân tộc thiểu số.

“Trong thời gian tới, Ủy ban Dân tộc sẽ cùng Bộ LĐ-TB&XH tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ tiếp tục điều chỉnh và ban hành chính sách dạy nghề cho con em đồng bào DTTS, để họ có cơ hội, có việc làm ở trong nước và có thể tạo điều kiện để họ đi xuất khẩu lao động nhằm tăng thu nhập, nâng cao đời sống”, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết. 

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh